Cựu quan chức ngoại giao Mỹ David Brown: Trung Quốc đang dùng tiểu xảo

11/07/2012 03:20 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên , ông David Brown ( ảnh ) - một nhà ngoại giao Mỹ đã về hưu và là chuyên gia khu vực Đông Á - cho rằng, các công ty dầu khí quốc tế đều phải cân nhắc rất thận trọng về lợi ích của họ gắn với mỗi bên trong các tranh chấp chủ quyền.

>> “Người Mỹ không thích những kẻ đi bắt nạt”

Đã quan sát khu vực Đông Nam Á nhiều năm qua, theo ông, Trung Quốc có mục đích gì khi gọi thầu 9 lô dầu khí trên biển Đông ngày 23.6 vừa qua?

Đó là một tiểu xảo để kiềm Việt Nam và các nước ven biển đứng ngoài khối cân bằng quyền lực. Bằng việc nhấn mạnh, một lần nữa, rằng Bắc Kinh tranh chấp khu vực biển nằm ngoài khơi của Việt Nam, Bắc Kinh hy vọng là có thể đe dọa, để các công ty dầu nước ngoài không dám hợp tác với PetroVietnam.

Trong quá khứ, nhiều công ty dầu khí khi đang triển khai dự án tại vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam thì bị Trung Quốc yêu cầu rút khỏi dự án. Tập quán ứng xử của các công ty dầu khí trong những trường hợp tương tự như thế nào? 

Các công ty dầu nhìn chung đều cảnh giác, thận trọng với tranh chấp chủ quyền, vì điều đó gây ra rất nhiều “rủi ro chính trị” cho công việc đầu tư của họ. Xin trích lời chủ tịch công ty dầu lớn nhất thế giới (Exxon-Mobil): "Chủ quyền là vấn đề để cho các chính phủ giải quyết".

Trong số những công ty dầu thật sự lớn, BP (Anh) và Conoco-Phillips (Mỹ) dường như đã kết luận rằng họ nên từ bỏ những quyền lợi ở Việt Nam, còn hơn là gây hại đến lợi ích của họ ở Trung Quốc. Exxon-Mobil (Mỹ) và Gazprom (Nga) rõ ràng là ít lo lắng hơn về các hành động trả đũa, và họ tiếp tục thăm dò dầu khí một cách mạnh mẽ ở ngoài khơi vùng biển Nam Trung bộ của Việt Nam.

Tuy nhiên, như thực tế đã chỉ ra trong trường hợp BP và Conoco đem các quyền lợi của họ ở Việt Nam ra bán, có rất nhiều công ty khác - như ONGC của Ấn Độ hay Talisman của Canada, những công ty chưa hoạt động quá nhiều ở Trung Quốc, sẽ sẵn sàng tiếp nhận các quyền lợi đó.

Trong ngành dầu khí quốc tế, các công ty có thường đứng trước các rắc rối về chủ quyền giữa các quốc gia không?

Có rất nhiều vụ việc tương tự.

Vào năm 2005, Malaysia và Indonesia đã triển khai hải quân ra khu vực biển phía tây đảo Borneo, khi Malaysia cấp giấy phép thăm dò cho các công ty dầu lớn của Ý và Mỹ trong “khu vực Ambalat”. Ở Indonesia, đặc thù của tranh chấp này là những cuộc biểu tình chống Malaysia nổ ra trên đường phố, những vụ đốt cờ, và những bình luận trên các phương tiện truyền thông… Khu vực tranh chấp, mặc dù nằm ở vùng nước sâu nhưng rõ ràng là đầy hứa hẹn, đầy tiềm năng, đặc biệt trong một môi trường mậu dịch quốc tế vốn dĩ bị lôi kéo, thúc đẩy bởi những mức giá dầu thô kỷ lục. Yếu tố này, kết hợp với các tiến bộ trong công nghệ khoan dầu, đã thu hút các nỗ lực thăm dò tới những khu vực biển sâu và rất sâu, làm cho những nơi như Ambalat - vốn trước kia thì lợi ích cũng giới hạn thôi - trở nên rất hấp dẫn.

Tại vùng biển Caribbean, CH Guyana đã cấp quyền thăm dò cho Exxon-Mobil và Shell để hai công ty này thăm dò dầu khí ngoài khơi, trong khu vực biển Essequibo - nơi đã tranh chấp với Venezuela hơn một thế kỷ. Phe đối lập ở Venezuela đã kịch liệt chỉ trích phản ứng “yếu ớt” của Tổng thống Chavez. Năm ngoái, Guyana đề nghị UNCLOS công nhận phần mở rộng của thềm lục địa của họ tới một khu vực mà Venezuela đã có đưa ra những hợp đồng hạ giá về khí tự nhiên.

Niềm tin rằng quyền kiểm soát các mỏ dầu và khí lớn đang bị đe dọa cũng đã là động cơ chủ yếu cho các tranh chấp giữa Indonesia, Đông Timor và Úc (giải quyết năm 2002 nhờ Công ước Biển Timor), và giữa Trung Quốc với Nhật Bản xoay quanh quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), nằm giữa Đài Loan và Okinawa.

Trong trường hợp vừa nêu, liệu công ty dầu khí của Việt Nam có thể khởi kiện công ty dầu khí Trung Quốc? 

Tôi nghĩ nếu PetroVietnam khiếu kiện ở đâu đó, CNOOC sẽ phớt lờ thôi.

Xin cảm ơn ông. 

Năm 1992, Trung Quốc ký hợp đồng thăm dò dầu khí ở vùng Tư Chính - Vũng Mây với Công ty Crestone.

Năm 1994, Trung Quốc phản đối hợp đồng dầu khí giữa Việt Nam và Exxon-Mobil ở vùng Thanh Long.

Năm 2007, Trung Quốc gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí có vốn đầu tư 2 tỉ USD với Việt Nam ở hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch.

Năm 2008, Trung Quốc yêu cầu Exxon-Mobil không được hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam trong một dự án ở bể Nam Côn Sơn.

Thành Long (thực hiện)

>> Trung Quốc bắt giữ tàu cá Việt Nam
>> Trung Quốc sắp tập trận trên biển Hoa Đông
>> Hình như đã là một Trung Quốc khác
>> Trung Quốc trong chiến lược độc chiếm biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.