Cưỡng chế ở Thạnh Hóa, Long An: 7 người đủ yếu tố cấu thành tội phạm

15/04/2015 19:33 GMT+7

(TNO) Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, tại buổi họp báo chiều 15.4.

(TNO) Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, tại buổi họp báo chiều 15.4. 
Hiện trường nơi xảy ra vụ cưỡng chế - Ảnh: Hoàng Phương
Theo ông Tạo, sáng 14.4, khi tổ công tác do Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ huyện dẫn đầu tới hiện trường phát loa vận động 3 hộ Nguyễn Thị Nhanh, Nguyễn Trung Can và Nguyễn Trung Tài chấp hành lệnh cưỡng chế giao đất thì những hộ này cùng một số thành viên trong gia đình như Mai Thị Kim Hương, Nguyễn Mai Trung Tuấn, Nguyễn Trung Linh, Mai Thị Tú Trinh, Mai Văn Đạt và Phung Thị Ly tập trung la hét phản đối, thách thức và tỏ thái độ không hợp tác.
Khi các thành viên tổ công tác tiếp cận hiện trường thì lập tức nhóm người này dùng dao, gậy sắt, xăng và a xít tấn công lực lượng làm nhiệm vụ. Cũng theo ông Tạo, ngoài việc dùng hung khí tấn công những người làm nhiệm vụ, có người còn lấy 2 bình gas loại 12kg bỏ vào cái thạp, đổ xăng vào rồi bật quẹt đốt khiến lực lượng chữa cháy phải mất hơn 10 phút mới dập tắt. Ngay lúc đó lực lượng bảo vệ đã áp sát, khống chế và đưa 14 người có liên quan về công an huyện để làm rõ.
Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng của huyện đã họp để đánh giá mức độ, tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đồng thời xác định có 7/14 người “đủ yếu tố cấu thành tội phạm chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng” nên quyết định tạm giữ hình sự để tiến hành điều tra, 7 người còn lại được răn đe, cam kết và cho về.
Cũng theo ông Tạo, dự án đê bao chống lũ thị trấn Thạnh Hóa được UBND tỉnh Long An phê duyệt ngày 16.10.2007. Trong đó, hạng mục đê bao đoạn 1 (cặp theo kinh Dương Văn Dương và sông Vàm Cỏ Tây) dài 500m, có 109 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích thu hồi 11.427m2.
Ông Tạo đang phát biểu tại buổi họp báo - Ảnh: Hoàng Phương
Để thực hiện dự án này, chính quyền đã tổ chức 9 cuộc vận động, lấy ý kiến dân. Qua đó đã có 106 hộ thực hiện tháo dỡ nhà và vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng. Riêng 3 trường hợp Nguyễn Thị Nhanh, Nguyễn Trung Can và Nguyễn Trung Tài lúc đầu đã đồng ý di dời và được huyện hỗ trợ lực lượng tháo dỡ vào tháng 4.2011 nhưng sau đó đã trở lại dựng lều để ở trên nền đất cũ và cả 3 hộ đều nhiều lần khiếu nại và khởi kiện ra tòa. Tuy vậy, cả 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều bác đơn khởi kiện.
Về nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện, ông Tạo cho biết các hộ nói trên không đồng ý mức giá bồi thường và diện tích bồi thường. Cụ thể, theo ông Tạo thì đây là khu vực đất công, các hộ dân mặc dù đã ở từ lâu nhưng không được cấp quyền sử dụng đất. Khi tiến hành giải tỏa, lúc đầu chính quyền áp giá bồi thường 80.000 đồng/m2 nhưng người dân không đồng ý, sau đó huyện kiến nghị tỉnh nâng lên 300.000 đồng/m2 nhưng 3 hộ còn lại vẫn không đồng ý.
Riêng về diện tích, huyện căn cứ vào bản đồ giải thửa để xác định diện tích bồi thường, nhưng có 30/109 hộ khiếu nại vì cho rằng diện tích bồi thường còn thiếu so với diện tích thực tế.
Trả lời PV Thanh Niên Online về việc 3 hộ này đã có nhà ở nơi khác hay chưa, ông Tạo cho biết bà Nguyễn Thị Nhanh đã có nhà ở nơi khác. Riêng hai ông Nguyễn Trung Can và Nguyễn Trung Tài hiện chưa có nhà. Chính quyền đã bố trí nhà tạm cư nhưng hai trường hợp này không đồng ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.