Cuộc chiến chống tội phạm - Kỳ 2: Từ trại giam, chỉ đạo thủ tiêu nhân chứng

20/01/2015 04:53 GMT+7

Sau khi bị bắt, thay vì thành khẩn nhận tội, Nguyễn Viết Hòa (nguyên cán bộ Công an tỉnh Thái Nguyên) đã thực hiện hàng loạt hành vi nhằm chạy tội, gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra.

Sau khi bị bắt, thay vì thành khẩn nhận tội, Nguyễn Viết Hòa (nguyên cán bộ Công an tỉnh Thái Nguyên) đã thực hiện hàng loạt hành vi nhằm chạy tội, gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra.

       

Trùm ma túy Trần Văn Hưng - Ảnh: cơ quan công an cung cấp

Như Thanh Niên đã thông tin, từ đơn tố cáo của Đinh Thị Thanh Loan, cuối năm 2012, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Viết Hòa để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt 2 tỉ đồng của Trần Văn Hưng - một trùm ma túy bị truy nã. Trong trại giam, Hòa nhiều lần viết thư ra ngoài nhờ nhiều người tìm cách tác động đến Loan để thay đổi lời khai theo hướng có lợi cho Hòa. Trong nhiều bức thư, Hòa “chỉ đạo” những người thân tín phải tìm cách đe dọa để Loan khai theo hướng có lợi cho Hòa, nếu Loan không nghe theo thì thủ tiêu và viết đơn tố cao sai sự thật để chạy tội cho Hòa…

Một trong những “chiến hữu” nhận giúp đỡ Hòa tích cực là Phạm Văn Chiến (47 tuổi, lao động tự do ở Hà Nội), vốn có thời gian dài làm ăn ở TX.Sông Công, tỉnh Thái Nguyên và có mối quan hệ thân thiết với Hòa. Sau khi nhận thư Hòa, Chiến nhiều lần gọi điện cho Loan và anh trai Loan là Đinh Thanh Tuấn, dọa cơ quan điều tra đang cài bẫy để bắt hai người vì tội che giấu Trần Văn Hưng. Chiến còn “mách” Loan trốn đi một thời gian, tắt hết điện thoại, khi cần chỉ liên lạc với Chiến theo số sim rác.

Ngoài ra, Chiến cũng nhiều lần tìm đến nhà Hoàng Thị Hằng Nga (bạn gái Hòa) để tìm cách đối phó cơ quan điều tra, thậm chí còn xin cả số điện thoại của điều tra viên thụ lý vụ án để tìm cách nổ mìn tại nhà riêng của điều tra viên này.

Nhưng trong quá trình điều tra, Hoàng Thị Hằng Nga tự giác nộp cơ quan công an nhiều tài liệu có liên quan, trong đó có nhiều lá thư do Hòa viết từ trại giam gửi cho các “chiến hữu” để lập kế hoạch đe dọa Đinh Thị Thanh Loan. Bản thân Phạm Văn Chiến cũng thừa nhận hành vi cưỡng ép người khác khai báo sai sự thật.

Vu khống điều tra viên

Chưa dừng lại ở đó, cũng từ trong trại giam, Nguyễn Viết Hòa viết thư ra cho một số “chiến hữu” khác với nội dung “quyết liệt” hơn: Tìm mọi cách bí mật bắt cóc Đinh Thị Thanh Loan đưa về giam giữ ở Hà Nội và buộc viết đơn tố cáo theo hướng Loan bị điều tra viên cưỡng ép phải viết đơn tố cáo Hòa; sau đó photo đơn của Loan thành nhiều bản mang đến các vùng biên giới như cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) hoặc Tân Thanh (Lạng Sơn) để gửi tới Ban giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, Bộ Công an, Viện KSND tối cao và nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước; tung tin do bị đe dọa nên Loan phải bỏ trốn đi Trung Quốc. Trường hợp Loan không chấp nhận theo hướng này thì cho “biến mất mãi mãi”. Về phần Nguyễn Viết Hòa trong trại tạm giam sẽ tuyệt thực để gây áp lực lên cơ quan điều tra.

Từ những lá thư chỉ đạo này, Nguyễn Đức Chinh và Hà Huy Hoàng (cùng nguyên cán bộ Công an tỉnh Thái Nguyên), Hồ Anh Lưu (lao động tự do) đã nhất nhất làm theo. Trong đó, Hoàng với kinh nghiệm là một điều tra viên, đã thực hiện việc thảo đơn theo nội dung thư của Hòa, Chinh chỉnh sửa và ghi thêm địa chỉ người tố cáo là Loan rồi photo ra làm nhiều bản cho Hoàng, Lưu mang lên Lạng Sơn để gửi. Cơ quan điều tra làm rõ, các đối tượng đã bàn bạc và viết đơn vu khống tại phòng trọ bạn gái Nguyễn Đức Chinh. Cô này là người chứng kiến sự việc và đã khai báo với cơ quan công an, đồng thời tự nguyện giao nộp nhiều tài liệu liên quan, trong đó có bản tường trình do Nguyễn Viết Hòa gửi từ trại giam ra cho Nguyễn Đức Chinh. 

Đưa, nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng

Cơ quan điều tra cũng đã làm rõ, trong thời gian bỏ trốn sống lang thang ở Hà Nội, Trần Văn Hưng thông qua một số mối quan hệ xã hội đã nhờ Hoàng Văn Luân, cán bộ hưu trí ở Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) giúp chạy tội. Luân “hét giá” 700 triệu đồng và Hưng đồng ý. Số tiền này sau đó đã được Trần Viết Hữu, em trai Hưng, chuyển cho Luân. Sau khi nhận tiền, Luân không giúp Hưng như đã hứa mà sử dụng vào mục đích cá nhân.

Ngoài ra, sau khi Hưng bị bắt theo lệnh truy nã và giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Thái Nguyên, Ma Khánh Linh là điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Nguyên được phân công điều tra vụ án. Trong quá trình làm việc, Hưng kể cho Linh về một đối tượng mâu thuẫn với mình có tàng trữ súng K59. Linh đã hướng dẫn Hưng viết đơn tố cáo người này và hứa sẽ làm nhẹ tội cho Hưng với giá 500 triệu đồng. Sau đó, Linh mang thư của Hưng từ trại giam đưa ra cho Trần Viết Hữu thể hiện nội dung đưa tiền để chạy án. Sau khi được Hữu đưa 250 triệu đồng, Linh tiến hành thu thập tài liệu điều tra, dàn dựng chứng cứ theo hướng Hưng không phạm tội như đã khởi tố.

Do Trần Văn Hưng có liên quan đến đường dây ma túy do Vũ Ngọc Sơn cầm đầu nên Cơ quan điều tra Bộ Công an tiến hành điều tra. Sợ vụ chạy án bị bại lộ, Linh bỏ trốn, hiện đang bị truy nã. (còn tiếp)

Nhân chứng mất tích bí ẩn

Theo xác định của các cơ quan tố tụng, do bị nhiều đối tượng đe dọa, Đinh Thị Thanh Loan đã cùng con trai bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Cơ quan điều tra đã nhiều lần triệu tập để ghi lời khai nhưng không có mặt; xác minh tại gia đình và nơi cư trú cũng không thấy. Sự việc này đã gây ra nhiều khó khăn trong quá trình điều tra làm rõ các hành vi phạm tội của Nguyễn Viết Hòa, Nguyễn Đức Chinh, Hà Huy Hoàng, Phạm Văn Chiến và Hồ Anh Lưu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.