‘Công xưởng’ heo bơm nước: ‘Ai cũng rõ chỉ mình thú y không biết’

21/10/2014 14:45 GMT+7

(TNO) Đó là lời của một chủ trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai sau khi đọc thông tin ' gần 1 năm phát hiện được 6 con heo bị bơm nước ' đăng trên Thanh Niên Online ngày 21.10.

>> Đột nhập ‘công xưởng’ heo bơm nước
>> Clip: Đột nhập ‘công xưởng’ heo bơm nước
>> Gần 1 năm phát hiện 6 con heo bị bơm nước  

 
Khi bơm heo la thét vang khắp một vùng

“Tình trạng heo bơm nước tồn tại bao năm qua mà không dẹp được. Trái lại thời gian gần đây có dấu hiệu bùng phát dữ dội khiến người chăn nuôi chân chính gặp nhiều khó khăn. Nhiều người nuôi phải co cụm quy mô vì cạnh tranh không lại, một số người chấp nhận làm liều bơm nước để tồn tại. Cạnh tranh như thế làm sao chăn nuôi phát triển được. Ai cũng rõ tình trạng bơm nước bùng phát mức nào, chỉ có thú y không biết”, chủ trang trại này nói.

Việc bơm nước vào heo không chỉ giết ngành chăn nuôi mà còn rất có hại cho sức khỏe cho người tiêu dùng. Thường nước bơm cho heo không phải nước sạch mà thường là nước phèn có độ pH cao thì nước mới thẩm thấu và giữ lâu trong thịt heo được. Nếu bơm nước sạch thì thịt không giữ được nhiều nước.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan

Cần phải khẳng định rằng tình trạng "heo bơm nước" ở Đồng Nai và các tỉnh lân cận rơi vào những trường hợp người nuôi hay thương lái làm ăn chụp giật. Tuy nhiên hoạt động bơm nước diễn ra khá rầm rộ và lán trại bơm nước có quy mô khá lớn.

Hiện thương lái thường sử dụng ba cách bơm nước vào heo. Cách thứ nhất được coi là “khép kín” và hiệu quả nhất là bơm ngay tại lò mổ. Một con heo trong vòng 5 - 6 tiếng sẽ bơm 4 lần, mỗi lần bơm hơn 2 lít nước. Nước được bơm thẳng vào bao tử từ đó thẩm thấu qua ruột. Cách bơm này khiến heo tăng thêm 5 kg “thịt”.

Cách thứ hai là thương lái sẽ thu mua heo vào buổi sáng, sau đó chuyển về các lán. Lán này có thể được chủ lán thuê đất xây dựng cố định hoặc di động. Thương lái bơm nước 3 lần, sau khi bơm heo sẽ tăng khoảng 4 kg.

Cách thứ ba là nay bơm chỗ này mai bơm nơi khác. Cách này thường được lái xe chở heo tự làm, trên đường đưa heo đi về lò mổ và heo được bỏ mối. Mỗi lần bơm theo cách này, heo tăng chừng 1,5 - 2 kg.

Việc bơm nước này đem lại siêu lợi nhuận. Nếu bơm 100 con heo, sau khi trừ đi mọi chi phí, kể cả việc giảm giá bán ở chợ để cạnh tranh, thương lái bỏ túi hơn 10 triệu đồng. Còn với các chủ lán, chỉ cần bỏ ra 50 - 70 triệu đồng để mở lán bơm công suất 100 con/ngày, chỉ mất gần 2 tháng là lấy lại vốn đầu tư.

 
Bơm nước cho heo ở "công xưởng" phía sau nghĩa trang TP.Biên Hòa

Trong bài điều tra heo bơm nước vừa qua, PV Thanh Niên Online chọn cách thứ hai, tức là tìm một số lán trại được xây dựng cố định để xâm nhập lấy tư liệu viết bài. Do làm ăn bất chính nên các lán trại này thường được dựng ở nơi vắng vẻ, ít người qua lại và đường đi vào rất khó khăn. Chưa kể các lán trại này còn cài cắm một số “vệ tinh” suốt dọc đường nhằm canh chừng và thông báo khi cần thiết.

Tuy nhiên dù kín đến mấy thì việc bơm nước vài trăm con heo/ngày rất khó giấu. Như lán bơm nước ở ấp Bắc Hòa, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom (Đồng Nai), khi PV Thanh Niên Online có mặt, hoạt đồng bơm nước đang diễn ra, những con heo giãy giụa và la thét náo động cả một vùng. Việc bơm nước ở lán này thường diễn ra từ trưa kéo dài đến tối.

Còn ở “công xưởng” bơm nước cho heo nằm sau nghĩa trang TP.Biên Hòa 400 - 500 m thì vào chiều tối việc bơm nước hết sức sôi động. Xe này bơm nước chưa xong, xe khác đã chở heo đến. Hoạt động bơm nước ở đây “thịnh hành” đến mức một số thương lái về đây “xí chỗ” để mở lán bơm nước. Lúc cao điểm, một ngày “công xưởng” này bơm nước cả ngàn con heo.

Nói khó giấu kín bởi như lời ông Q., một “cò” heo dẫn PV Thanh Niên Online thâm nhập các lán bơm nước, cùng một khu vực nhưng nếu chủ lán không “biết điều” sẽ bị cơ quan chức năng dẹp ngay dù lán mới mở được một thời gian ngắn. Chưa kể heo từ trang trại nuôi đến khi về tới lò mổ đều trải qua quy trình niêm phong, cấp giấy kiểm dịch rất chặt chẽ của cơ quan thú y.

Dân chăn nuôi hay thương lái ở Đồng Nai chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể đọc vanh vách quy mô, địa chỉ các lán bơm nước cho heo ở tỉnh này. Hiện Đồng Nai là tỉnh có số lượng heo lớn nhất nhì nước và ở đây hoạt động bơm nước diễn ra phổ biến. Cho nên thông tin một năm cơ quan chức năng ở Đồng Nai chỉ phát hiện được 2 vụ với tổng số 6 con heo bị bơm nước như lời một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai là điều rất lạ, thậm chí rất khó hiểu.

Đề nghị tịch thu giấy phép, đóng cửa trang trại

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thừa nhận việc bơm nước hay sử dụng chất tăng trọng cho heo ở Đồng Nai là có thật.

Trước tình trạng này, một vài lần hiệp hội này đã phối hợp với cơ quan chức năng Đồng Nai tiến hành kiểm tra các trang trại, người nuôi.

“Đây là tình trạng canh tranh không lành mạnh làm cho ngành chăn nuôi mang tai mang tiếng, nhất là mất niềm tin với người tiêu dùng. Tôi khẳng định thương lái bơm nước vào heo chứ các trang trại không ông nào dám làm. Nếu làm sẽ bị loại ra khỏi hiệp hội ngay”, ông Công khẳng định.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đang ráo riết đề xuất với các cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, nhất là công an, tịch thu giấy phép, đóng cửa ba tháng đối với trang trại chăn nuôi bơm nước vào heo, sử dụng chất cấm.

 Bài, ảnh: Trung Hiếu

>> Biến heo thối thành khô bò
>> Tiêu hủy hơn nửa tấn huyết heo bẩn
>> Phát hiện 1,1 tấn phụ phẩm heo thối
>> Xử phạt 23 triệu đồng đối với hai cơ sở giết mổ heo lậu
>> Tiêu hủy hơn 720 kg thịt heo không rõ nguồn gốc
>> Thịt heo có mùi... whisky
>> Chợ Đà Lạt khan hiếm thịt heo vì lò mổ ngưng hoạt động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.