'Công an xã điều tra dễ gây sai lệch, oan sai'

27/02/2015 17:13 GMT+7

(TNO) Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng của lực lượng này, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra, làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

(TNO) Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng của lực lượng này, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra, làm bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.

dieu-traThứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày dự án luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự tại phiên họp sáng nay -  Ảnh: T.Sơn (chụp qua màn hình)

Trình bầy những điểm mới của dự luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 27.2, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, tại khoản 2, điều 25 của dự Luật đã bổ sung quy định Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an là cơ quan khác của lực lượng cảnh sát trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. 

Qua thẩm tra dự Luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã đang được thực hiện theo Pháp lệnh Công an xã (tiếp nhận, phân loại xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại….) và không được coi là Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

“Trên thực tế, Công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của Công an cấp xã ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra”,  báo cáo của Ủy ban Tư pháp nhận định.

Theo Ủy ban Tư pháp: "Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho Công an xã sẽ vượt quá khả năng của Công an xã, dễ dẫn đến việc làm sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra chuyên trách, hoặc làm bỏ lọt tội phạm, hoặc làm oan người vô tội".

Vì lý do này, cơ quan thẩm tra đề nghị Công an xã chỉ thực hiện nhiệm vụ theo Pháp lệnh Công an xã, không nên quy định Công an xã là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra như quy định của dự luật.

Liên quan đến việc bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết hiện có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Nhóm ý kiến thứ nhất đồng tình với việc bổ sung trên và cho rằng, trong nhiều trường hợp, hoạt động thanh tra không đủ sức ngăn chặn, xử lý và răn đe vi phạm. Nếu cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp giải quyết, xác minh, lấy lời khai ban đầu, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố vụ án hình sự và chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền thì sẽ kịp thời ngăn chặn, xử lý tội phạm trong các lĩnh vực này.

Ngoài ra, việc giao các cơ quan trên thẩm quyền điều tra ban đầu sẽ giảm tải cho các Cơ quan điều tra chuyên trách.

Trong khi đó, nhóm ý kiến còn lại đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành vì cho rằng, hoạt động xác minh, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước chủ yếu làm việc tại trụ sở cơ quan, kiểm tra vụ việc trên giấy tờ, tài liệu, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay hồ sơ vụ việc cho Cơ quan điều tra chuyên trách, nên không cần thiết phải giao thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cho các cơ quan này.

Riêng đối với cơ quan Kiểm ngư, mặc dù có địa bàn hoạt động trên biển nhưng trên địa bàn này đã có lực lượng Cảnh sát biển hoạt động, vì vậy việc bổ sung nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cho cơ quan Kiểm ngư cũng không thực sự cần thiết.

Tách nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự

Báo cáo thẩm tra về dự Luật tạm giữ, tạm giam tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay 27.2, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết nhiều ý kiến đề nghị cần xác định rõ hơn mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam (đây là vấn đề chưa được đề cập rõ trong Tờ trình cũng như trong dự án luật).

Theo đó, cần tách việc quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam ra khỏi cơ quan điều tra hình sự để bảo đảm tính khách quan trong công tác giam giữ, tránh tình trạng chết, bức cung, nhục hình và các hình thức khác vi phạm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam xảy ra trong thời gian qua.

Ủy ban Tư pháp đề nghị tổ chức mô hình quản lý trại tạm giam, nhà tạm giữ theo hệ thống dọc, do Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, chỉ đạo nghiệp vụ như đối với hệ thống trại giam hiện nay, bảo đảm minh bạch, rõ trách nhiệm giữa quản lý tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra, có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan này trong việc chấp hành pháp luật tạm giữ, tạm giam, nhất là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự của người bị tạm giữ, tạm giam.

Bên cạnh đó, ông Hiện cho biết cũng có một số ý kiến đề nghị vẫn giữ mô hình như hiện nay, theo đó, Công an cấp tỉnh quản lý Trại tạm giam, Công an cấp huyện quản lý nhà tạm giữ để bảo đảm phục vụ kịp thời, thuận lợi cho công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.