‘Có cái gì đó’ về xe quá tải

25/04/2015 07:00 GMT+7

Đó là vấn đề do chính lãnh đạo Bộ Công an đặt ra tại hội nghị sơ kết công tác kiểm soát tải trọng phương tiện quý 1 năm nay, do Bộ Công an và Bộ GTVT phối hợp tổ chức ngày 24.4.

Đó là vấn đề do chính lãnh đạo Bộ Công an đặt ra tại hội nghị sơ kết công tác kiểm soát tải trọng phương tiện quý 1 năm nay, do Bộ Công an và Bộ GTVT phối hợp tổ chức ngày 24.4.

Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định nếu xảy ra quá tải thì CSGT và thanh tra giao thông phải chịu trách nhiệm Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định nếu xảy ra quá tải thì CSGT và thanh tra giao thông phải chịu trách nhiệm - Ảnh: Thái Sơn

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN, trong quý 1 năm nay, công tác kiểm soát trọng tải tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các bộ ngành liên quan cùng sự tham gia tích cực của các địa phương, đã tạo nên những chuyển biến tích cực. “Trên phạm vi toàn quốc, lượng xe quá tải đã giảm nhiều và giảm sâu, đặc biệt tại một số địa phương có bí thư, chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc giám sát”, ông Huyện đánh giá.

“Rõ ràng có cái gì đó”

Tuy nhiên, cả Bộ Công an và Bộ GTVT cùng nhìn nhận vẫn còn “vấn đề” trong việc kiểm soát tải trọng xe, phải khắc phục trong thời gian tới. Trong đó, một số địa phương còn đứng ngoài cuộc; còn một số doanh nghiệp, chủ hàng, chủ xe thực hiện chưa nghiêm quy định về tải trọng. Đáng chú ý, một số nơi có hiện tượng tiêu cực trong hoạt động xe quá tải gây bức xúc cho người dân.

Xe quá khổ, quá tải chạy ầm ầm trên đường như vậy, phương tiện có tên có tuổi như vậy mà CSGT, thanh tra giao thông không ngăn lại thì rõ ràng có cái gì đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi, có tiêu cực hay vùng cấm nào đó ở đây

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, thời gian qua dư luận phản ánh nhiều xe quá tải lén hoạt động ban đêm, đi vào tuyến đường liên huyện, liên xã để tránh lực lượng chức năng. “Xe quá khổ, quá tải chạy ầm ầm trên đường như vậy, phương tiện có tên có tuổi như vậy mà CSGT, thanh tra giao thông không ngăn lại thì rõ ràng có cái gì đó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi, có tiêu cực hay vùng cấm nào đó ở đây”, ông Vương nhìn nhận.

Phản ánh tại hội nghị, ông Thái Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM, cho hay thực tế khảo sát cách đây 2 ngày cho thấy một số doanh nghiệp (DN) vận tải trên địa bàn TP tỏ ra lo lắng về hiện tượng bảo kê, mua bán logo ký hiệu riêng để đi qua các trạm cân. “Tôi trực tiếp khảo sát bãi xe ở Q.7 thấy có rất nhiều DN mang thương hiệu khác đậu trên bãi xe của một đơn vị vận tải lớn. Chủ bãi xe này nói nếu không mang thương hiệu thì không thể chạy lọt qua trạm cân”, ông Chung nói và cho biết việc mua bán logo mang lại nguồn lợi lớn khổng lồ, khoảng 3,5 - 6 triệu đồng một xe/tháng. “Hiệp hội đề nghị Bộ Công an điều tra, thậm chí khởi tố một số đối tượng. Ngành giao thông đưa ra nhiệm vụ năm 2015 chấm dứt xe quá tải nhưng thực tế các đơn vị vận tải đang lo lắng nếu không xử lý nghiêm thì sang năm 2016 hay 2017 xe quá tải sẽ vẫn còn tái diễn”, ông Chung nói.

Loại nhà thầu nếu tiếp nhận xe quá tải

Đánh giá thêm về nguyên nhân còn xe quá tải, thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng lực lượng CSGT, thanh tra giao thông chưa quyết liệt. "Đặc biệt lực lượng CSGT cấp tỉnh, huyện chưa làm hết trách nhiệm của mình trong công tác này. Ngoài ra, các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm soát tải trọng cũng chưa đáp ứng đủ, như cân thường xuyên gặp sự cố, kết quả cân thiếu chính xác, nhiều trạm cân tải trọng xe liên ngành phải dừng để sửa chữa", ông Vương nói. Ngoài ra, ông Vương cũng lưu ý cách làm của một số đơn vị chức năng: “CSGT và thanh tra giao thông phải lắng nghe báo chí. Thực tế không như các đồng chí đi kiểm tra đâu! Các đồng chí đi rồng rắn 5 - 7 xe thì xe quá tải trốn hết. Vì thế, khi báo chí phản ánh thì cần phải kiểm tra xử lý”.

Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định trong thời gian tới, các lực lượng chức năng Bộ Công an và Bộ GTVT phải tiếp tục thực hiện việc kiểm soát tải trọng một cách triệt để, kiên quyết không để xảy ra tình trạng bảo kê xe quá tải, không thể có vùng cấm trong công tác kiểm soát tải trọng. "Nếu để xảy ra tình trạng này thì lực lượng CSGT và thanh tra giao thông phải chịu trách nhiệm", ông Vương nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết Bộ GTVT và Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh về kiểm soát tải trọng. “Đối với các công trình xây dựng cơ bản nếu tiếp nhận xe quá tải thì bị đề nghị tước giấy phép thi công hoặc đưa vào diện không trúng thầu với các dự án sau, bất cứ hành vi nào có dấu hiệu bảo kê sẽ phản ánh đến Bộ Công an để xử lý”, ông Huyện nói, đồng thời cho biết đang đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét nâng mức xử lý hành vi quá tải cao gấp đôi mức hiện hành; đề nghị xử lý hình sự đối với hành vi chở quá tải 150% vì phá hoại tài sản của nhân dân.

“Trong quý 2, tại các địa phương lãnh đạo từ bí thư, chủ tịch sẽ xuống đường kiểm tra, cả hệ thống chính trị ra tay xử lý. Hành vi chở quá tải sẽ bị xử lý ở cả 4 đối tượng, gồm lái xe, chủ xe, DN và nơi xếp hàng hóa. Chúng tôi kiên quyết hết 2015 sẽ cơ bản xử lý được tình trạng quá tải”, ông Huyện nói.

Theo báo cáo của liên Bộ GTVT và Công an, tại các điểm kiểm soát tải trọng xe lưu động, cố định liên ngành quý 1 năm nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 87.543 xe, phát hiện 9.385 xe vi phạm, hạ tải 4.184 xe. Kiểm tra tải trọng bằng cân xách tay, lực lượng thanh tra giao thông phát hiện 3.000 xe vi phạm. Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ VN và sở GTVT các tỉnh, thành đã trực tiếp kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm kích thước thùng xe đối với 9.970 trường hợp, xử lý cắt thùng xe trực tiếp 5.397 xe, chủ xe cam kết tự cắt 4.573 xe.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.