Chuyện lạ địa giới hành chính: Dân Quảng Trị, đất Thừa Thiên-Huế

09/11/2015 06:36 GMT+7

Ngày 30.6.1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 8 đã thông qua Nghị quyết về việc chia tách các tỉnh Nghĩa Bình, Phú Khánh và Bình Trị Thiên. Theo đó, tỉnh Bình Trị Thiên được chia thành 3 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và Quảng Bình.

Không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không mua bảo hiểm y tế, mọi hoạt động xây dựng đều không có giấy phép. Đó là “3 không” mà người dân vùng ranh giới giữa H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế và H.Hải Lăng, Quảng Trị gặp phải từ nhiều năm nay.

Ông Đặng Ngọc Thành trước nhà hàng ăn uống của mình thuộc thôn Tân Lập (xã Hải Ba, H.Hải Lăng, Quảng Trị) nhưng nằm trên địa bàn xã Phong Thu nên đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Ảnh: B.N.LÔng Đặng Ngọc Thành trước nhà hàng ăn uống của mình thuộc thôn Tân Lập (xã Hải Ba, H.Hải Lăng, Quảng Trị) nhưng nằm trên địa bàn xã Phong Thu nên đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Ảnh: B.N.L
Ngày 30.6.1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 8 đã thông qua Nghị quyết về việc chia tách các tỉnh Nghĩa Bình, Phú Khánh và Bình Trị Thiên. Theo đó, tỉnh Bình Trị Thiên được chia thành 3 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị và Quảng Bình.
Đến ngày 22.11.1995, Thủ tướng có quyết định về việc xác định đường ranh giới hành chính giữa tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, trong đó nêu rõ: “Hai tỉnh đồng ý lấy đường ranh giới hành chính đã thể hiện trên bản đồ GAUSS 1:100.000 và bản đồ UTM 1:50.000 do Cục Đo đạc và Bản đồ nhà nước tái bản năm 1978”.
Một vùng đất 4 xã quản lý
Theo quyết định trên, đường ranh giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị là đường ranh giới bắt nguồn từ đỉnh núi Tam Boi (giáp Lào) đi theo các điểm cao: động Cát Cú, đỉnh Cóc-Ton-Bhai, động Balee, động Chiên Dong chạy qua cột mốc 655+030 m ra đến Biển Đông.
Cụ thể, xã Hồng Thủy (H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế) thuộc về địa phận H.Hướng Hóa (nay là H.Đakrong, Quảng Trị); các thôn Tân Lập (còn gọi là Tân Phương Lan, xã Hải Ba), Tân Xuân (còn gọi là thôn Phú Xuân, xã Hải Xuân) và Câu Nhi Phường (xã Hải Chánh) của H.Hải Lăng (Quảng Trị) thuộc địa giới hành chính xã Phong Thu (H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), thôn Phú Kinh Phường (xã Hải Hòa) nằm trên địa phận xã Phong Mỹ (H.Phong Điền).
Như vậy, chỉ riêng tại địa bàn xã Phong Thu (Thừa Thiên- Huế) đã có dân của 3 xã khác nhau của H.Hải Lăng (Quảng Trị) và từ hơn 20 năm qua cả 4 xã này (Hải Ba, Hải Chánh, Hải Xuân, Phong Thu) cùng quản lý dân cư trên một địa bàn. Do chồng chéo về địa giới hành chính và quản lý như trên nên đến nay, người dân vẫn đối mặt với vô vàn khó khăn trong cuộc sống.
Ông Hoàng Văn Khóa, nguyên Trưởng thôn Tân Xuân (hay còn gọi là Phú Xuân, xã Hải Xuân, H.Hải Lăng) cho biết sau năm 1975, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên được nhập lại thành tỉnh Bình Trị Thiên, thực hiện chủ trương kinh tế mới, ông cùng với 23 hộ (30 lao động) của xã Hải Xuân đã vào vùng đất mới này khai hoang, định canh, định cư.
“Trước đây, do là người dân cùng chung một tỉnh (tức Bình Trị Thiên cũ) nên việc chồng chéo trong quản lý mặc dù đã có nhưng chúng tôi nghĩ sẽ có ngày được sắp xếp lại. Tuy nhiên, đến năm 1989, sau khi việc chia tách tỉnh diễn ra, những tồn tại này lại càng kéo dài, phức tạp và khó khăn hơn”.
“Hiện, thôn Tân Xuân có 47 hộ và 260 khẩu. Mặc dù đã định cư gần 40 năm, nhưng chúng tôi vẫn luôn mang tâm lý ở tạm vì mọi thủ tục hành chính đều gặp khó khăn. Người thì của Quảng Trị mà đất thì của Thừa Thiên-Huế, nên chúng tôi vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Muốn vay vốn làm ăn hay mua bán trao đổi gì đều không thực hiện được”, ông Khóa kể.
Vợ chồng hộ khẩu hai nơi
Tuy là một thôn của xã Hải Xuân, nhưng mỗi lần có công việc lên xã, người dân của thôn Tân Xuân phải đi quãng đường hơn 30 km, vòng qua nhiều xã của H.Hải Lăng mới đến được xã của mình. Làm giấy khai sinh cho con hay xác nhận một giấy tờ gì đều rất khó khăn.
Chuyện khôi hài về địa giới hành chính này đã khiến cho nhiều hộ dân muốn thuận lợi thì phải nghĩ ra nhiều cách đối phó.
Đơn cử như hộ của vợ chồng anh Đặng Ngọc Thành và vợ là Hồ Thị Lành, chủ quán ăn Cố đô (trên QL1A, thôn Tân Lập, xã Hải Ba). Anh Thành có hộ khẩu tại xã Phong Thu (H.Phong Điền) còn chị Lành hộ khẩu xã Hải Ba (H.Hải Lăng). Sau khi cưới nhau, đến nay hai người vẫn thuộc hộ khẩu 2 tỉnh khác nhau và các con đều nhập hộ khẩu về hộ của anh Thành ở xã Phong Thu.
“Sở dĩ hai vợ chồng để hộ khẩu hai nơi là vì để cho con cái tiện việc học hành cũng như hưởng mọi chính sách của Thừa Thiên-Huế. Chỉ đơn cử một chuyện bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh không thôi đủ thấy khó khăn. Mỗi lần đau ốm phải đưa ra Bệnh viện H.Hải Lăng, nếu nặng thì theo tuyến sẽ được chuyển lên Bệnh viện đa khoa Đông Hà rồi mới chuyển ngược lại vào Bệnh viện T.Ư Huế. Bệnh nhẹ thì không nói làm gì, nhưng là bệnh nặng, chuyển đi chuyển lại lòng vòng như vậy để đúng thủ tục, đúng tuyến thì e người bệnh sẽ chết mất còn gì. Bởi vậy, nhiều người dân ở đây họ không mua bảo hiểm y tế. Khi có bệnh thì chấp nhận chuyển thẳng vào Huế và chịu tốn tiền cho nhanh”, anh Thành chia sẻ.
Ông Đặng Trung, Chủ tịch UBND xã Phong Thu (H.Phong Điền), nhìn nhận: “Do người dân còn sống trong vùng chồng chéo về địa giới hành chính và quản lý nhà nước nên đa số đều không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi thực hiện dự án mở rộng QL1A, chúng tôi cũng đã xác nhận và tiến hành kiểm kê đền bù cho dân, nhưng các hoạt động khác liên quan đến giao dịch dân sự, đất đai, xây dựng đều khó khăn phức tạp. Đa số các hộ thuộc diện chồng chéo này, khi xây nhà đều không phép, chúng tôi cũng chỉ đến ghi nhận thực tế để báo cáo lên cấp trên chứ cũng không thể xử lý”.
Tại các cuộc họp lấy ý kiến người dân, do Sở Nội vụ Thừa Thiên-Huế chủ trì, 100% người dân ở thôn Tân Xuân (xã Hải Xuân) và 80% ở thôn Tân Lập (xã Hải Ba) đã đồng ý nguyện vọng sáp nhập vào xã Phong Thu.
Từ năm 2013, Bộ Nội vụ sau nhiều lần làm việc với các bộ ngành T.Ư và hai tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị đã có báo cáo trình Chính phủ đề ra hướng giải quyết trên tinh thần dung hòa mà cả Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị đều chấp nhận. Tuy nhiên, từ đó đến nay Chính phủ vẫn chưa trình Quốc hội giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn về ranh giới hành chính giữa 2 tỉnh này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.