Chuyển hướng đường bay đưa lao động VN về nước

26/02/2011 14:16 GMT+7

* 5.000 người VN đã ra khỏi Libya sang các nước lân cận (TNO) Sáng nay 26.2, Ban chỉ đạo giải quyết tình hình công dân VN tại Libya đã có cuộc họp khẩn cấp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm.

>> Hôm nay, hơn 500 lao động sẽ bay về VN
>> 176 lao động VN ở Libya đã trở về an toàn
>> Hơn 4.500 lao động Việt Nam đang rời Libya

Theo báo cáo mới nhất của Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao, đến sáng nay, 5.000 người VN đã ra khỏi Libya sang các nước lân cận; trong đó, đông nhất là qua Thổ Nhĩ Kỳ hơn 1.000 người; Malta hơn 1.000 người; Ai Cập hơn 860 người; Hy Lạp 750 người và đảo Sip 53 người.

Ngoài ra còn khoảng 600 lao động đang “mắc kẹt” tại biên giới Libya và Tunisia do không thể nhập cảnh được vào quốc gia này. Dự kiến sẽ có 400 lao động từ Thổ Nhĩ Kỳ bay về VN và có khoảng 2.000 lao động rời Libya sang Hy Lạp để trở về nước.

Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tối 28.2, chuyến bay đầu tiên của VN “giải cứu” các lao động sẽ cất cánh. Tuy nhiên, địa điểm có chút thay đổi.

“Dự định ban đầu, chúng tôi sẽ điều máy bay sang Cairo (Ai Cập). Tuy nhiên, đến thời điểm này do người lao động sang Ai Cập đã có đối tác mua vé và đang chuẩn bị về VN nên trong vài ngày tới, Ban chỉ đạo sẽ nắm thêm thông tin, nơi nào tập kết lao động đầy đủ sẽ đưa máy bay sang. Địa điểm có thể là Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hoặc Hy Lạp. Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn tính các phương án, nếu máy bay của Vietnam Airlines không chở hết lao động sẽ thuê máy bay nước ngoài” - bà Ngân nói.

Cũng trong phiên họp sáng nay, Ban chỉ đạo quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng dẫn đầu để kịp thời giải quyết ngay các vấn đề phát sinh trong quá trình di tản lao động VN về nước.

Sở chỉ huy tiền phương sẽ đóng tại Tunisia, nước láng giềng của Libya nơi nhiều lao động VN đang gặp khó khăn trong việc nhập cảnh vào nước này. Ban chỉ đạo cũng đã quyết định, trên các máy bay của  Vietnam Airlines, sẽ chở thêm nước uống, lương khô và quần áo ấm để cung cấp cho các lao động.

Theo Bộ LĐ-TB-XH, Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) đã chi 90 triệu USD để làm nhà tạm để bảo vệ lao động nước ngoài tại Libya, trong đó có các lao động VN.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.