Chống bức cung, nhục hình bằng camera

04/08/2015 15:52 GMT+7

(TNO) Lắp camera để chống bức cung, nhục hình là một trong nhiều nội dung nổi bật được các đại biểu tranh luận sôi nổi tại hội thảo về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong dự án bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) vào ngày 4.8.

(TNO) Các vấn đề liên quan đến đề xuất bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa đối với luật sư; lắp camera để chống bức cung, nhục hình; quyền im lặng... tiếp tục được các đại biểu tranh luận sôi nổi tại hội thảo về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong dự án bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) vào ngày 4.8.

Bức cung, nhục hình tiếp tục “nóng”1Luật sư Phan Trung Hoài đề xuất bỏ giấy chứng nhận bào chữa
Sử dụng camera trong điều tra là văn minh
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đỗ Văn Đương cho rằng bức cung, nhục hình dễ xảy ra khi cán bộ điều tra là "người không có tâm" tham gia phá án hoặc rơi vào những vụ án diễn ra nhưng không bắt được quả tang.
“Bức cung thường chỉ xảy ra giữa người hỏi và bị can nên việc ghi âm ghi hình khi hỏi cung bị can là rất văn minh”, ĐBQH Đỗ Văn Đương nói.
Ông Đương cũng cho rằng để tránh tình trạng điều tra viên tự biên tự diễn trong việc ghi âm ghi hình thì sau khi thực hiện xong thủ tục này, điều tra viên phải đọc lại, phát lại ghi âm cho bị can, như vậy mới minh bạch.  
Các đại biểu khác tại hội thảo cũng đề nghị nên ghi âm ghi hình trong khi điều tra viên hỏi cung bị can, đừng nại lý do tốn kém ngân sách để thoái thác. Theo các đại biểu, việc cần nghiên cứu là thủ tục ghi như thế nào để thể hiện minh bạch và cơ chế giám sát chứng cứ này ra sao.
Bức cung, nhục hình tiếp tục “nóng” 2 ĐBQH Đỗ Văn Dương phát biểu tại hội thảo
Thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa là rào cản với luật sư
Theo luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ nhiệm Liên đoàn luật sư Việt Nam, việc nhiều bị can từ chối luật sư trong giai đoạn điều tra nhưng không rõ nguyên nhân là vấn đề bất thường, trở thành rào cản về quyền tối thiểu của người dân được cung cấp dịch vụ pháp lý.
Trong khi đó, người đại diện hợp pháp, người thân thích của bị can mời luật sư tham gia bào chữa, khi mang giấy mời vào trại giam thì luôn bị từ chối. Luật sư Hoài cho biết từ đầu năm đến nay, ông đã có 4 lần bị cơ quan điều tra từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa (GCNBC).
“Các bị can từ chối luật sư nhưng sau đó lại mời luật sư tham gia. Khi tôi hỏi lý do thì họ giải thích… trong 4 bức tường, điều tra viên đã nói gì đó với họ. Tôi xin không được phép nói ra tại đây”, luật sư Hoài nói. Từ đó, ông Hoài kiến nghị bỏ hẳn thủ tục cấp GCNBC vì ở châu Âu một số nước không cần thủ tục này.
Luật sư Trịnh Minh Tân nói thêm: “ Nếu giữ quy định cấp GCNBC thì cần phải có quy định đơn giản và nhanh chóng. Trong giai đoạn điều tra, điều tra viên nên cầm giấy yêu cầu của thân nhân vào trại hỏi bị can có đồng ý hay không và ghi rõ vào giấy. Hoặc trực tiếp cho phép thân nhân, luật sư được vào gặp bị can để hỏi rõ”.
Đại tá Đoàn Tất Kỉnh (Phó chánh văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an) không đồng tình việc bỏ thủ tục cấp GCNBC.
“Theo tôi, cần phải có GCNBC thì mới thể hiện tính nghiêm ngặt, chặt chẽ. Với những trường hợp bị can từ chối luật sư thì phía luật sư, thân nhân có thể yêu cầu kiểm sát viên vào hỏi lại, không cần phải có quy định mới. Đây là thể hiện việc chưa tin tưởng nhau”. 
Hội thảo do Ủy ban Tư pháp Quốc hội và chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc tổ chức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.