Choáng vì dự kiến tăng viện phí

22/07/2010 02:05 GMT+7

Dự kiến viện phí sẽ tăng, có dịch vụ mức tăng cao tới 10 - 20 lần (cá biệt tăng 100 lần như sinh thiết tủy xương). Nhưng theo các quan chức Bộ Y tế, điều chỉnh viện phí không đồng nghĩa với chất lượng khám chữa bệnh tăng, cũng như viện phí tăng cũng sẽ vẫn không giúp giải quyết vấn đề “phí ngầm” trong các bệnh viện.

Chưa thoát cảnh... chung giường

Tại cuộc họp với báo chí thông báo dự kiến điều chỉnh giá viện phí do Bộ Y tế tổ chức hôm qua 21.7, ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: “350 dịch vụ y tế điều  chỉnh giá viện phí lần này vẫn chỉ là thu một phần viện phí. Viện phí được tính bao gồm các chi phí trực tiếp: thuốc, vật tư hóa chất, điện, nước, chi phí hành chính trực tiếp phục vụ cho việc chẩn đoán, điều trị... Các khoản được ngân sách nhà nước chi (tiền lương cán bộ, chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị...) sẽ không tính vào viện phí”.

Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo, việc điều chỉnh viện phí lần này người bệnh sẽ vẫn chưa thoát khỏi cảnh... chung giường, vì điều chỉnh viện phí chưa giải quyết được chuyện nằm ghép.  "Hiện nay, số giường của bệnh viện (BV) của VN mới đạt 20,5 giường/vạn dân, còn các nước, tỷ lệ này là 30-40 giường/vạn dân. Trong khi đó, điều chỉnh viện phí lần này lại không phải là nguồn thu cho xây dựng mở rộng BV nên sẽ không tác động trực tiếp đến giảm tải", ông Quang trình bày.

Trả lời câu hỏi của PV Báo Thanh Niên liên quan đến vấn đề "Người bệnh chi trả như thế nào nếu phải nằm ghép giường", ông Nguyễn Nam Liên, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: "Trong dự thảo xây dựng khung giá viện phí không đề cập chi tiết này. Nhưng khi khung giá mới được ban hành, chúng tôi sẽ hướng dẫn các BV cần có tỷ lệ thu phù hợp. Còn ông Huy Quang khẳng định: "Việc "giảm giá" khi phải nằm ghép là hợp lý, vì nếu thuê khách sạn, 2 người/phòng thì chắc chắn chi trả cũng giảm 1/2".

Viện phí không đồng hành với chất lượng khám chữa bệnh!

Việc sửa đổi khung giá viện phí là cần thiết. Tuy nhiên, điều chỉnh cần phải cân nhắc cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; cần làm rõ "một phần viện phí" là bao nhiêu, tách bạch được các khoản mà ngân sách đã cấp. Khung giá này cần được Hội đồng thẩm định của liên bộ: Y tế, Tài chính, LĐ-TB-XH, Bảo hiểm xã hội VN (BHXH VN) chấp thuận. BHXH VN cũng đang lấy các số liệu cơ bản về chi phí khám chữa bệnh thực tế tại các BV công-tư để đưa ra được khung giá viện phí phù hợp".

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH VN).

“Chúng tôi hiểu rằng việc điều chỉnh viện phí phải đảm bảo nhận được sự đồng thuận của người dân, nếu ra đời mà bị phản đối ầm ầm thì không thể thực thi. Ngay sau khi nhận được ý kiến thống nhất của các bộ, ngành... dự thảo về khung giá viện phí sẽ được công bố để lấy ý kiến của người dân".

Ông Nguyễn Huy Quang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên liên quan đến việc, viện phí tăng có tác động tích cực hơn đến chất lượng khám chữa bệnh (KCB), ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý KCB cho rằng, việc điều chỉnh tăng viện phí để giá dịch vụ không lạc hậu so với thị trường. Còn chất lượng KCB phụ thuộc nhiều yếu tố (cơ sở vật chất, nhân lực...). Vì vậy, tăng viện phí lần này sẽ không tác động trực tiếp đến nâng cao chất lượng KCB. Theo ông Tường, Bộ Y tế đã có nhiều chương trình nâng cao chất lượng phục vụ hài lòng người bệnh và đang tiếp  tục  ban hành các quy trình kỹ thuật BV, xây dựng phác đồ điều trị, xây dựng định mức lao động với việc “giới hạn số bệnh nhân/bác sĩ” nhằm đảm bảo tốt hơn chất lượng KCB. "Tuy nhiên, chất lượng KCB cần phải có thời gian chứ không chỉ điều chỉnh viện phí là có thể giải quyết được", ông Tường nói.

“Phí ngầm” vẫn tồn tại?

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, cũng chưa thể nói viện phí tăng lần này sẽ tác động nhiều đến "phí ngầm". Bởi theo ông Nhạc: “Phí ngầm” không phụ thuộc nhiều vào chính sách mà phụ thuộc vào y đức, tâm lý người bệnh. Bộ Y tế cũng đang siết chặt các vấn đề về y đức và đã có những cải thiện. “Tuy nhiên, toàn ngành hiện có hơn 300.000 cán bộ công nhân viên, trong đó hơn 200.000 đang phục vụ trực tiếp tại hơn 1.000 BV. Với số lượng cán bộ quá lớn không tránh khỏi một số vấn đề chưa ổn về y đức, trong khi đó "phí ngầm" là vấn đề nhạy cảm”, ông Lê Cảnh Nhạc nói.

Trước tình trạng người nghèo sẽ thêm gánh nặng cùng chi trả, đặc biệt trong trường hợp bệnh hiểm nghèo, chi phí lớn khi tăng viện phí, ông Nam Liên cũng cho biết: Bộ Y tế đang trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quỹ hỗ trợ KCB người nghèo. Trong đó, sẽ hỗ trợ phí đóng 5% nếu bệnh nhân không đủ khả năng. Ông Liên nhấn mạnh: "Lần này, Bộ Y tế cũng chỉ đạo các BV sẽ tham gia gánh vác với bệnh nhân nghèo qua việc các BV phải trích một tỷ lệ nhất định từ nguồn thu viện phí để lập Quỹ hỗ trợ KCB cho người nghèo".

Danh sách một số dịch vụ đề nghị tăng giá

Khám bệnh:

500đ - 3.000đ (giá cũ) - giá đề nghị: 8.000 - 70.000 đồng

Một số dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm:

Chọc rửa màng phổi: 15.000đ - 45.000đ (giá cũ) - giá đề nghị: 300.000đ - 330.000đ

Thẩm phân phúc mạc: 150.000đ - 300.000đ (giá cũ) - giá đề nghị: 300.000đ - 500.000đ

Soi thanh quản/lấy dị vật: 20.000đ - 60.000đ (giá cũ) - giá đề nghị: 300.000đ - 350.000đ

Điều trị xạ (một lần): 5.000đ - 15.000đ (giá cũ) - giá đề nghị: 50.000đ - 150.000đ

Mổ mộng kép một mắt: 20.000đ - 60.000đ (giá cũ) - giá đề nghị: 400.000đ - 600.000đ

Phẫu thuật loại đặc biệt: 500.000đ - 2.500.000đ (giá cũ) - giá đề nghị: 500.000đ - 5.000.000đ

Hội chẩn ca bệnh khó: từ 300.000đ - 500.000đ

Khám sức khỏe toàn diện đi xuất khẩu lao động: 200.000đ - 300.000đ

Sinh thiết tủy xương: 10.000đ - 30.000đ (giá cũ) - giá đề nghị: 1.800.000đ - 2.000.000đ

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.