Chế tài nghiêm người đứng đầu cơ quan phạm luật

11/03/2014 03:05 GMT+7

Đã có rất nhiều hội thảo, kiến nghị được đưa ra nhằm triệt tiêu tình trạng cơ quan chức năng không trả lời đơn thư tố cáo, khiếu nại của bạn đọc do báo chí gửi tới, nhưng thực tế sự "im lặng khó hiểu" vẫn ngày càng trầm trọng.

Đã có rất nhiều hội thảo, kiến nghị được đưa ra nhằm triệt tiêu tình trạng cơ quan chức năng không trả lời đơn thư tố cáo, khiếu nại của bạn đọc do báo chí gửi tới, nhưng thực tế sự "im lặng khó hiểu" vẫn ngày càng trầm trọng.

Chế tài nghiêm người đứng đầu cơ quan phạm luật
PV Thanh Niên đang xác minh về vụ oan sai của ông Phan Văn Lá (bìa phải) - ngụ xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, nhân vật được đề cập trong bài viết Hơn 20 năm làm thân phận bị can đăng trên Thanh Niên ngày 24.5.2013 - Ảnh: Văn Thái 

Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ xảy ra thực trạng này là cơ quan liên quan cố tình né tránh vấn đề đơn thư đặt ra. "Luật Báo chí và các nghị định liên quan đã quy định cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm trả lời, nhưng họ cố tình tránh né, không trả lời. Trong khi đó, pháp luật lại không quy định một biện pháp chế tài nào để xử lý vi phạm này”, thạc sĩ, luật sư Nguyễn Minh Tâm, Tổng biên tập tạp chí Luật sư, nhận định. Cũng theo ông Tâm, cần phải chỉnh sửa luật, đặt ra các biện pháp chế tài nhằm buộc những người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm phải trả lời các khiếu nại, kiến nghị của người dân mà báo chí chuyển tới.

Là người được phân công phụ trách mảng giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) của Thanh tra Chính phủ, ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó tổng thanh tra Chính phủ, nhìn nhận quyền KNTC của công dân đã được hiến định và quy định cụ thể tại rất nhiều văn bản pháp luật, “nhưng trong thực tiễn việc giải quyết KNTC còn nằm ở một chừng mực nhất định về kết quả”. Nguyên nhân, theo ông Hạnh, có một bộ phận không nhỏ người đứng đầu các cơ quan hành chính không quan tâm giải quyết KNTC của dân, đến khi vấn đề KNTC nổi lên thành điểm nóng mới tập trung vào giải quyết, gây bức xúc trong dân. “Thanh tra Chính phủ đang nghiên cứu đề xuất đưa vào một số quy định chế tài cụ thể về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước mà không giải quyết kịp thời KNTC của dân”, ông Hạnh cho biết.

Theo luật sư Nguyễn Minh Thuận (Đoàn luật sư TP.HCM), các hình thức chế tài có thể bổ sung vào luật, là cơ quan cấp trên sẽ căn cứ công văn của báo chí phản ảnh tình trạng thờ ơ, không trả lời của cấp dưới để có hình thức xử lý như khiển trách, cảnh cáo, tước danh hiệu… của người đứng đầu cơ quan cấp dưới. “Như vậy, luật pháp sẽ được thực thi và người dân sẽ không còn bị coi thường nữa”, luật sư Thuận nhận định.

Trần Thanh Bình - Hải Nam - Thái Sơn

>> 65% đơn thư tố cáo, khiếu nại của bạn đọc không được trả lời: Người dân bị coi thường quá đáng !
>> Lo ngại đơn thư khiếu nại “chạy lòng vòng”

>> Đa phần đơn thư khiếu nại tập trung vào đất đai
>> Có gần 18.000 lượt đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.