Chạy bão ở Bắc Bộ

30/09/2011 00:04 GMT+7

Hôm nay tâm bão số 5 vào Hải Phòng - Nam Định Hoàn thành di dân trước 9 giờ sáng nay Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, hồi 16 giờ ngày 29.9, tâm bão số 5 ở trên khu vực phía đông bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 400 km về phía đông, với sức gió mạnh cấp 12 (từ 118 - 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi vào vịnh Bắc Bộ sau đó đổ bộ lên đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh - Ninh Bình.

 
Bản đồ dự báo hướng di chuyển của bão số 5 - Nguồn: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư

Đến 16 giờ ngày 30.9, tâm bão ở trên khu vực phía đông Bắc Bộ, sức gió mạnh cấp 9, cấp 10 (từ 75 - 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12. Trong 24 - 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 1.10, vị trí vùng áp thấp ở trên khu vực phía tây Bắc Bộ, sức gió giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39 km/giờ).

Bão lũ tàn phá nhiều nước

Tính đến ngày 29.9, đã có ít nhất 35 người thiệt mạng vì bão số 5 tại đảo Luzon của Philippines, theo AFP. Dù bão đã đi qua nhưng nước lụt vẫn cô lập nhiều nơi trên đảo và giới chức cảnh báo số thương vong có thể sẽ còn tăng lên. Cùng ngày, hầu hết công sở, trường học và doanh nghiệp tại Hồng Kông phải ngưng hoạt động do ảnh hưởng của bão số 5. Chính quyền Trung Quốc cũng đã ra lệnh sơ tán khoảng 300.000 người trên đảo Hải Nam và khuyến cáo người dân ngưng mọi hoạt động ngoài trời. Chưa có báo cáo thương vong vì bão số 5 tại Trung Quốc.

Cũng trong ngày 29.9, AFP dẫn lời giới chức Campuchia cho hay mưa lũ tại 12 tỉnh từ giữa tháng 8 tới nay đã khiến ít nhất 105 người thiệt mạng, bao gồm 47 trẻ em, và làm hơn 17.000 gia đình phải sơ tán. Ở Thái Lan, cũng đã có 107 người chết vì lũ lụt từ tháng 7. 

Trọng Kha

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh mạnh ở phía bắc, nên ngay từ đêm qua (29.9), vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh - Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12; các tỉnh phía đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9. Từ hôm nay (30.9) ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Đến hôm qua, lũ sông Mê Kông tại Campuchia đã đạt đỉnh và đang xuống chậm; vùng đầu nguồn sông Cửu Long và Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên đang lên; vùng cuối nguồn đã đạt đỉnh và đang xuống chậm. Mực nước sáng 29.9 trên sông Mê Kông tại tại cảng Phnom Penh là 9,95m, thấp hơn đỉnh lũ năm 2000: 0,14m; tại Prek Đam 9,98m, thấp hơn năm 2000: 0,28m; tại Neak Leung 8,06m, thấp hơn năm 2000: 0,10m. Trong khi đó, mực nước cao nhất ngày 28.9 trên sông Tiền tại Tân Châu 4,82m, trên BĐ3: 0,32m; tại Mỹ Thuận 1,92m, trên BĐ3: 0,12m, cao hơn đỉnh lũ năm 2002: 0,01m; tại Mỹ Tho 1,68m, trên BĐ3: 0,08m. Trên sông Hậu tại Châu Đốc 4,16m, trên BĐ3: 0,16m; tại Long Xuyên 2,73m, cao hơn đỉnh lũ 1978: 0,08m; tại Cần Thơ: 2,04m, cao hơn đỉnh lũ năm 2003: 0,01m. Trong 2 - 4 ngày tới, lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên sẽ lần lượt đạt đỉnh; sau đó xuống chậm. Đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu có khả năng ở mức 4,9m, cao hơn BĐ3: 0,4m; trên sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 4,3m, cao hơn BĐ3: 0,3m; sau đó xuống chậm, nhưng còn duy trì trên BĐ3 đến giữa tháng 10.

Sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm

Tại cuộc họp khẩn chiều qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương hoàn thành việc sơ tán dân tại những vùng nguy hiểm trước 9 giờ sáng nay, tiến hành tiêu nước đệm trên đồng ruộng, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, chuẩn bị lực lượng và phương tiện cứu hộ cứu nạn... sẵn sàng “đón” bão. Phó thủ tướng quyết định thành lập 3 đoàn công tác của T.Ư về Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình và Hải Phòng để chỉ đạo và tham gia cùng với địa phương phòng chống bão.

Theo ghi nhận của phóng viên, chiều tối qua tại Đồ Sơn (Hải Phòng) gió đã bắt đầu mạnh hơn, mưa cũng đã to hơn. Người dân hối hả chằng chống nhà cửa, các công nhân của công ty cây xanh cũng đang cố buộc nốt những loại cây dễ gãy đổ tại dải trung tâm quận. Tại bến Ngọc Hải, các tàu thuyền đã về neo đậu san sát. Tại bến cá Ngọc Hải, ngư dân cũng đang hối hả thu mua nốt mẻ cá cuối cùng để neo đậu thuyền.

Khẩn trương chạy bão

Tại Hà Tĩnh, khoảng 5.000 thanh niên tình nguyện xuống tận cơ sở, nhà dân giúp thu hoạch lúa chạy bão từ 24 đến 29.9 (ảnh). Huyện đoàn Hương Sơn huy động 200 đoàn viên cùng 10 chiếc máy gặt ra sức giúp dân thu hoạch lúa, tập trung vào 4 xã có số lượng diện tích lớn và có nguy cơ ngập lụt cao như Sơn Diệm, Sơn Hàm, Sơn Trường và Sơn Giang...

 
Ảnh: Trương Hoa

Tỉnh Thanh Hóa đã điều động gần 1.000 chiến sĩ về các huyện để giúp dân. Có mặt tại các huyện trọng điểm lúa như Yên Định, Thiệu Hóa vào chiều 29.9, chúng tôi chứng kiến một không khí hết sức khẩn trương của người dân trong việc tổ chức thu hoạch lúa để tránh bão.

Tại một số huyện của tỉnh Thái Bình như Hưng Hà, Đông Hưng..., nông dân cũng ra đồng gặt lúa chạy bão.

Tại Quảng Ninh, đến 17 giờ chiều qua toàn bộ tàu thuyền và ngư dân đã được thông báo về tình hình cơn bão số 5, trên 13.000 tàu thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn, trong đó có 168 tàu đánh cá xa bờ, 475 tàu du lịch về nơi tránh trú bão, các hồ đập chứa nước trên địa bàn đã được kiểm tra.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.