“Cấp cứu” bác sĩ cấp cứu! - Kỳ 3: Giải pháp từ thực tiễn

24/08/2011 00:45 GMT+7

Trước tình trạng liên tục xảy ra những vụ hành hung y, bác sĩ (BS) cấp cứu, nhiều bệnh viện (BV) đã tự tìm giải pháp để đảm bảo an toàn cho ê-kíp cấp cứu...

>> Kỳ 2: Cứu người sao lại bị hành hung?
>> Kỳ 1: “Cấp cứu” bác sĩ cấp cứu!

 
Tình nguyện viên giúp bệnh nhân lớn tuổi đến khám tại BV ĐH Y Dược TP.HCM - Ảnh: BV cung cấp

Một trong những giải pháp thường thấy là tăng cường lực lượng bảo vệ BV. BS Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc BV Đồng Nai, cho biết: “Sau khi xảy ra những vụ gây rối trong BV Đồng Nai, chúng tôi đã thuê lực lượng vệ sĩ. Toàn BV hiện có 5 chốt bảo vệ, trong đó “điểm nóng” là phòng cấp cứu lúc nào cũng có 2 chốt thay nhau túc trực. Trường hợp có sự cố xấu, BV sẽ gọi công an phường và cảnh sát 113 hỗ trợ. Sau khi xây dựng các phương án này, BV đã ngăn chặn và bắt giữ được nhiều đối tượng mang theo hung khí vào phòng cấp cứu”. Tương tự, BS Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc BV đa khoa Quảng Ngãi, cũng cho biết gần đây BV phải thuê lực lượng vệ sĩ gồm 28 người, mỗi tháng phải trích từ nguồn ngân sách hơn 60 triệu đồng để trả lương. Còn BS Bùi Thanh Doanh, Phó giám đốc BV Việt - Tiệp (Hải Phòng), nói: “Hiện ngay cổng vào BV có một tổ công an đặt trụ sở làm việc; lực lượng cảnh sát cơ động 113 luôn sẵn sàng có mặt tại BV khi có vụ việc. Nhờ đó tình hình an ninh của khoa Cấp cứu năm nay đã đỡ nhiều so với năm 2010. Nhưng các vụ việc như chửi bới, xô xát, đập phá vật tư phòng bệnh vẫn thường diễn ra trong khoa Cấp cứu”.


Tình nguyện viên không chỉ giúp bệnh nhân những việc như hướng dẫn vòng ngoài mà còn chia sẻ, xoa dịu nỗi đau, sự lo lắng của người bệnh...

BS Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc BV Hoàn Mỹ

Tuy vậy, cả BS Phan Huy Anh Vũ và BS Nguyễn Tấn Hùng đều nhìn nhận lực lượng bảo vệ dù được tăng cường cũng chỉ giải quyết được những vụ việc nhỏ lẻ, “chứ gặp nhóm côn đồ đi cả hàng chục người, tay lăm lăm mã tấu thì vệ sĩ cũng bỏ chạy”.

Cải thiện phòng cấp cứu

Một giải pháp được xem là căn cơ hơn là xây dựng khu vực cấp cứu “đúng chuẩn”. BS Tăng Hà Nam Anh, BV Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho rằng, các BV cần phải được đầu tư, thiết kế lại các khoa phòng cấp cứu, vì hiện đa phần phòng cấp cứu của các BV để thông thống, rất đông thân nhân bệnh nhân (BN) có thể ra vào. “Tại khoa cấp cứu, cần có phòng tiền cấp cứu là nơi tiếp nhận BN ban đầu, chỉ cho một người nhà đại diện khai tên tuổi... BN. Ngay sau đó, BN đưa vào phòng cấp cứu cách ly hoàn toàn với thân nhân, chỉ có BN và y, BS, để tránh những tình huống cấp cứu như đặt nội khí quản, nhồi tim... dễ làm người nhà BN nóng ruột, hiểu sai gây bức xúc, đồng thời y, BS không bị “áp lực” thân nhân đứng gần. Ngoài ra, cần có màn hình phía ngoài cập nhật thông tin về BN để thân nhân ngồi ngoài biết, không bị sốt ruột, lo lắng”, BS Anh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho rằng: “Tình trạng quá tải khiến BN và người nhà dễ bức xúc mỗi khi đến BV. Cải thiện được điều này sẽ phần nào giúp giải quyết vấn đề. Cần có phòng cách ly người nhà ở khoa Cấp cứu. Vì người nhà không nắm được chuyên môn dễ dẫn đến các phản ứng tiêu cực”.

Bên cạnh cải thiện hạ tầng, theo BS Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc BV Hoàn Mỹ: “Các BV cần có một phòng riêng để giải thích mọi thắc mắc của người bệnh, từ chi phí, BS, đến những ca tai biến, tử vong. Lưu ý là giải thích rõ ràng, khoa học, không mị dân. Đây cũng là một trong những giải pháp làm hạ nhiệt bức xúc của BN, thân nhân”. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cũng nhìn nhận: “Ngành y sẽ nỗ lực xây dựng hình ảnh về y đức, bởi bên cạnh những tấm gương tận tụy với nghề, vẫn còn "con sâu làm rầu nồi canh”...”.

Tăng cường đội ngũ tình nguyện viên

Giảm quá tải ở BV là một giải pháp giúp hạn chế bức xúc từ phía thân nhân người bệnh, đồng thời các BS có nhiều thời gian tập trung hơn cho chuyên môn, nhưng giải pháp này buộc phải đầu tư lớn (xây dựng thêm BV) và cần thời gian (đào tạo lực lượng chuyên môn)... Trước thực trạng này, nhiều ý kiến đề xuất cần tổ chức lực lượng tình nguyện viên (TNV) BV. Theo đó, TNV sẽ làm những công việc hướng dẫn BN các phòng khám, tư vấn, chia sẻ với thân nhân BN tại khu vực cấp cứu... Giám đốc BV Chợ Rẫy TP.HCM, BS Nguyễn Trường Sơn cho rằng: “Lực lượng TNV nếu có là rất tốt, nhưng cần được huấn luyện, đào tạo nắm bắt một số kiến thức cơ bản về y tế”. Tương tự, BS Nguyễn Hữu Tùng hồ hởi: “Thực tiễn nhiều vấn đề nảy sinh trong xã hội cần đến lực lượng TNV, BV cũng nên nghĩ đến việc này, nhất là những nơi đông đúc, quá tải. Nếu thật sự là TNV, nhân viên xã hội không ăn lương, không dính dáng gì đến lợi nhuận, tiền bạc thì sẽ rất hay. Họ không chỉ giúp BN những việc như hướng dẫn vòng ngoài mà còn chia sẻ, xoa dịu nỗi đau, sự lo lắng của người bệnh...”.

Thực tế hiện nay BV ĐH Y Dược TP.HCM đã triển khai mô hình sử dụng lực lượng TNV hướng dẫn BN. TS-BS Nguyễn Hoàng Bắc, Phó giám đốc BV, cho biết: “Xuất phát từ việc có những lúc lượng BN tăng lên cao, khả năng nhân viên BV không đáp ứng xuể trong việc hướng dẫn chi tiết, mới đây chúng tôi áp dụng lực lượng TNV. Khởi đầu là các bạn SV của trường ĐH Y Dược TP.HCM. Các TNV hướng dẫn BN về sơ đồ, quy trình BV như các phòng khám, một số thủ tục nhập và xuất viện, ghi các thông tin... Qua một thời gian ngắn triển khai cho thấy đội ngũ TNV đã giúp BN hài lòng hơn”. Hiện BV Đại học Y Dược “thu hút” gần 100 TNV, gồm SV trường ĐH Y Dược và ĐH KHXH-NV TP.HCM, làm việc từ 5 giờ 30 - 11 giờ 30 mỗi ngày (thời điểm tập trung lượng BN lớn nhất), từ thứ hai - thứ bảy. Mỗi buổi có từ 30 - 40 TNV được bố trí “chốt” ở nhiều nơi, mỗi nơi 2-3 TNV, còn tại bàn hướng dẫn có đến 5 TNV. Các TNV không chỉ hướng dẫn BN, thân nhân... tránh bị nạn “cò” BV, mà còn đẩy xe lăn giúp BN khuyết tật, hay dìu dắt những BN lớn tuổi... “Phải công nhận lực lượng TNV đã giúp giảm thời gian rất nhiều cho BN”, anh Phúc, nhân viên BV, nói.

Riêng tại BV Ung bướu TP.HCM, BS Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc BV, cho biết BV có sử dụng lực lượng TNV là những đoàn viên thanh niên của chính BV. Lực lượng này được bố trí đứng hướng dẫn người bệnh trong những đợt triển khai những chính sách mới về y tế, về BHYT...

Nâng cao khả năng giao tiếp, ứng xử

“BV cần sắp xếp, tổ chức để y, BS có những buổi nghe nói chuyện về góc độ tâm lý, xã hội học giao tiếp; hay lắng nghe chính những bức xúc của BN tại BV mình. Chứ hiện nhiều y, BS cứ mải làm chuyên môn mà bỏ qua vấn đề tưởng chừng nhỏ là cách giao tiếp. Cần hiểu là thân nhân người bệnh dễ mất thăng bằng tâm lý, tỏ ra bức xúc, giận dữ hoặc hành động không phải nếu trước sự việc mất mát người thân mà họ không nhận được sự giải thích rõ ràng, chia sẻ từ y, BS”, nhà xã hội học, TS Trần Thị Kim (TP.HCM).

Giải thích rõ ràng

“Ngoài đảm bảo chuyên môn, y, BS nơi khoa phòng cấp cứu cần tận tình tư vấn, giải thích rõ ràng khi thân nhân BN cần thông tin, không phân biệt đối tượng BN... Làm như thế hiếm khi nào BN, thân nhân lại bức xúc với y, BS”, BS Phan Văn Điền, BV đa khoa Lâm Đồng.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.