“Cấp cứu” bác sĩ cấp cứu!: Cứu người sao lại bị hành hung?

23/08/2011 00:38 GMT+7

“Lâu nay, phần lớn bệnh nhân (BN) và người nhà luôn tôn trọng y, bác sĩ (BS). Vì sao gần đây liên tục xảy ra những vụ thưa kiện, phản ứng, thậm chí hành hung y, BS? Đó là sự dồn nén những bức xúc của BN, thân nhân đối với thái độ giao tiếp, thờ ơ trước những nguy kịch, tai biến, cái chết của BN...” - chính những người trong ngành y đề nghị cần nhấn mạnh điều này.

 

Cấp cứu tại BV Đồng Nai - ảnh: Kim Cương

“Người bệnh ít ai muốn gây sự với bác sĩ”

BS Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, TP.HCM cho rằng, từ những vụ khiếu nại bằng đơn thư gửi đến cơ quan chức năng, báo chí, đến những vụ việc nghiêm trọng hơn, tỏ thái độ tức thì - hành hung, thậm chí đâm chết BS, đứng trên phương diện người nhà BN cũng như giới y khoa, có thể thấy có những nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía. “Thực tế y, BS có những sai sót về chuyên môn cũng như thái độ giao tiếp, ứng xử. BS luôn nâng cái tôi của mình lên quá mức khi tiếp xúc với BN, không chịu lắng nghe BN, do vậy nhiều BS phạm phải những sai lầm trong chẩn đoán và xử trí, dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc đã xảy ra. Cũng như không quan tâm đến việc giao tiếp, giải thích cho BN, người nhà của họ những khi BN bị tai biến, hoặc tử vong”.

BS Võ Thị Bạch Sương, giảng viên trường ĐH Y Dược TP.HCM, dù cho rằng “rất buồn trước những trường hợp y, BS bị hành hung”, nhưng cũng bảo: “Thực tế cũng có nguyên nhân do sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, hoặc giao tiếp chưa khéo của y, BS với BN. Tình trạng quá tải, mệt mỏi trong công việc, hoặc chưa thực hiện tốt y đức là nguồn gốc sâu xa của nhóm nguyên nhân này”.

BS Trương Thế Hiệp - Phó khoa Cấp cứu (BV Chợ Rẫy, TP.HCM) cũng chia sẻ: “BN và thân nhân rất tôn trọng BS, chỉ thiểu số rất ít người quá khích, nhất là những người có dùng chất kích thích (rượu, bia, chất gây nghiện...) trước khi vào viện mà thôi”. BS Hiệp dẫn chứng vụ một điều dưỡng của khoa trong lúc đưa BN đi chụp X-quang đã bị con của BN tát vào mặt. Qua tìm hiểu, lãnh đạo khoa mới biết, là do cách giao tiếp của điều dưỡng này khiến con của BN có hành động trên.

BS Nguyễn Hữu Tùng (Tổng giám đốc BV Hoàn Mỹ) cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa nhất của vấn đề mà Báo Thanh Niên đang nêu là mối quan hệ giữa y, BS với BN. Bản thân người bệnh ít ai muốn gây sự với BS, thậm chí BS nói gì người bệnh cũng rất dễ nghe theo. Nhưng, những sự việc xảy ra vừa rồi cho thấy, đó là giọt nước tràn ly, làm vỡ òa những bức xúc của người bệnh lâu nay”.

Tâm lý “bệnh của mình là nặng nhất”

Nhìn nhận ở góc độ tâm lý cấp cứu, BS Trương Thế Hiệp cho biết: “Qua làm việc ở khoa cấp cứu, chúng tôi nhận thấy, có những yếu tố tâm lý và bệnh lý cấp cứu cần quan tâm. Cụ thể, phần lớn thân nhân BN luôn xem người thân của mình là nặng nhất, họ mong muốn, thậm chí đòi hỏi cấp cứu cho người thân họ trước. Còn BS thì tập trung vào bệnh lý cấp cứu (tập trung giải quyết những ca nặng trước). Nếu không được đáp ứng, hoặc thấy y, BS thờ ơ sẽ dễ dẫn đến sự lo lắng, giận giữ, hoặc hành xử không đúng”.

BS Tăng Hà Nam Anh phân tích thêm: “Khi vào cấp cứu, hầu như ai cũng than phiền, sao thấy BS bình thản quá, chậm chạp quá. Khi nghe BS bảo có chỉ định mổ cấp cứu, người thân BN cũng thường thấy, sao BS chậm vậy, sao không đẩy đi mổ liền? Tuy nhiên, mọi người cần hiểu rằng, có những tình huống bệnh tật cần phải có thời gian, cần tiến hành một cách thận trọng. Cần phải hiểu là, khi cấp cứu BN, sự bình tĩnh của người BS là quan trọng, sự an toàn của BN là trên hết. Đó là lý do cần phải xem xét mọi góc cạnh, mọi xét nghiệm cần thiết để biết rằng mình không làm hại thêm cho BN của mình”.

Chia sẻ ở góc độ xã hội, nhà xã hội học - PGS-TS Nguyễn Minh Hòa (Chủ nhiệm bộ môn Đô thị học, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, TP.HCM) nói: “Hệ thống y tế của ta quá tải, y, BS áp lực, mệt mỏi khiến BS thường bàng quan, trong nhiều trường hợp tỏ ra thờ ơ trước người bệnh. Tâm lý lo lắng, cộng với sự lạnh lùng, dửng dưng của y, BS dễ khiến BN, thân nhân bức xúc, thậm chí hành động không hay”. Yếu tố đáng lưu ý, theo PGS-TS Nguyễn Minh Hòa là cuộc sống đang có những áp lực lo toan về kinh tế, điều đó đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tinh thần nhiều người. Sự căng thẳng cộng với bực dọc, bức xúc trước thái độ của y, BS lâu nay, dễ dẫn đến xung đột. 

Bức xúc của bệnh nhân và người thân

Hôm qua, Báo Thanh Niên nhận được rất nhiều phản ánh từ bạn đọc về bài viết “Cấp cứu” bác sĩ cấp cứu!. Một mặt chia sẻ sự vất vả của nghề y, nhưng chiếm phần lớn là những bức xúc về thái độ giao tiếp, ứng xử của BS, nhân viên y tế.

Chị T. (nhà ở Q.10, TP.HCM): “Mới đây, tôi đưa con vào cấp cứu tại một BV chuyên về chỉnh hình ở TP.HCM chứng kiến cảnh một nam BS quát tháo một BN nam giống như BN là người ăn xin. Trong khi BN này đang rất đau đớn”.

Ông Hòa (TP.HCM) nói: “Đến bây giờ tôi vẫn không quên được sự việc, vợ chồng tôi tha thiết xin BS tại một BV ở TP.HCM cho con trai tôi nhập viện sớm. Nhưng, chúng tôi nhận được sự lạnh lùng, thờ ơ của BS, mãi hơn 3 giờ sau con tôi mới được nhập viện, để rồi cháu đã tử vong sau đó”.

Anh Dân (ở Q.10): “Tôi đưa vợ đi sinh ở một BV sản phụ khoa tại trung tâm TP vào ban đêm, vợ tôi đau đớn nhưng ê-kíp trực thờ ơ, suýt nữa thì tôi mất con. Hôm ấy tôi rất giận dữ, nhiều người nhà BN có mặt khi đó cũng rất bức xúc”.

Chị N.T.L (Hải Phòng): “Khi đưa người nhà bị thương đến khoa cấp cứu chỉ mong được y, BS chăm sóc tận tình, cứu chữa tức thời. Tuy nhiên, lúc đầu chỉ có 1 BS khám qua, rồi để người nhà tôi nằm đó, chờ đợi lâu, nóng ruột, mà BS cứ bình chân như vại”. 

Thanh Tùng 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.