Cẩn trọng khi đi chữa bệnh ở Singapore

31/03/2011 00:04 GMT+7

Bệnh viện công lớn nhất Singapore đã chính thức xin lỗi về những sai sót trong các hóa đơn viện phí, sau khi PV Thanh Niên phản ánh từ một số bệnh nhân VN.

 

Bệnh nhân điều trị nội trú tại Singapore cần lưu ý các hóa đơn trước khi trả tiền - Ảnh: Thục Minh

Sai sót liên tục

Bà Q., có con là chị M. đang chữa bệnh ung thư hạch tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Singapore (Singapore General Hospital - SGH). Cho đến nay, chị H. đã qua 2 đợt vào hóa chất. Đợt đầu từ 3 - 17.11.2010 với tổng chi phí hơn 20.000 SGD (gần 340 triệu đồng). Bà Q. thanh toán đầy đủ số tiền nói trên và không giữ các hóa đơn.

Sau đó, bà Q. nghe nhiều người nói rằng các hóa đơn (HĐ) của BV thường bị sai sót, gây thiệt hại cho bệnh nhân, nên cảnh giác hơn. Hôm xuất viện sau đợt điều trị thứ hai (từ 8 -17.12.2010), BV ra HĐ với tổng số tiền 9.858,39 SGD. Kiểm tra trong trang tiền thuốc (số tiền 3.246,80 SGD), bà Q. phát hiện rất nhiều sai sót. Cụ thể, ngày 8.12 HĐ ghi một mũi tiêm kích bạch cầu Filgrastim 30MU/0,5ml với đơn giá 109,59 SGD mà trên thực tế bệnh nhân không dùng. Ngày 12.12, bệnh nhân có tiêm một mũi Filgrastim, là thuốc từ nhà đem tới, nhưng HĐ ghi đến 3 mũi, thành tiền 328,77 SGD.

Ngoài ra, trong 9 ngày nằm viện, mỗi ngày chị M. được cho uống 1 viên Omeprazole 200mg bảo vệ dạ dày và một số thuốc khác, mỗi thứ 1 viên, nhưng trong HĐ số lượng mỗi loại thuốc lên đến 14 viên.

Bà Q. đã lập tức gặp các y tá và nhân viên thu ngân để yêu cầu kiểm tra lại. Sau khi sửa sai, số tiền thuốc còn lại 2.801,29 SGD, giảm 445,51 SGD.

Trước đó, bệnh nhân người Việt tên H., điều trị bệnh ung thư phổi tại SGH trong khoảng thời gian tháng 10-11.2010, cũng cho biết sau khi phát hiện sai sót trong các HĐ, bà khiếu nại và lấy lại được hơn 1.000 SGD (gần 17 triệu đồng).

Đủ loại “chi phí”

Tìm gặp PV Báo Thanh Niên để phản ánh thực trạng này, bà Q. còn bức xúc với nhiều khoản phí mà bà cho là “vô lý”. Chẳng hạn, ngày 8.12 có khoản phí “tắm rửa” (dressing) 24,44 SGD mà bà không hề biết tới. Ngày 14.12, có khoản phí “tư vấn dinh dưỡng” (Med nutrition therapy) 55,12 SGD. “Khi nằm viện, sáng nào bác sĩ cũng đến thăm khám, nhắc nhở thuốc men, ăn uống... thế mà “tư vấn dinh dưỡng” vẫn tự đến, nói 10 phút rồi tính tiền 55,12 SGD”, bà Q. cho biết.

Trong tập HĐ 4 trang trình với PV Thanh Niên, bà Q. cũng đánh dấu, gạch chân và đặt dấu chấm hỏi với nhiều thủ thuật xét nghiệm và chi phí khác.

PV Thanh Niên phản ánh sự việc với SGH và đề nghị gặp trực tiếp đại diện BV để làm rõ chi tiết. Thế nhưng BV không đồng ý gặp mà chỉ “điều tra nội bộ” và có e-mail phản hồi vào ngày 21.3.2011 như sau: “Chúng tôi xin lỗi bệnh nhân M. vì sơ sót trong dịch vụ và nỗi phiền toái gây ra cho bệnh nhân và gia đình”.

Không trả lời cụ thể vào những sai sót cũng như thắc mắc về những khoản phí mà thân nhân người bệnh cho là “vô lý”, e-mail phản hồi chỉ thừa nhận HĐ sai do gồm cả thuốc bệnh nhân chưa sử dụng: “Khi bệnh nhân xuất viện, BV đã ra một HĐ tạm thời cùng lời giải thích rằng các chi phí sẽ được tính toán lại trong HĐ cuối cùng khi mà các thuốc chưa dùng được hoàn trả lại cho quầy thuốc sau khi bệnh nhân ra viện”.

Trong trường hợp bệnh nhân M., SGH thừa nhận: “Khi HĐ cuối cùng được in ra, gia đình bệnh nhân đã phát hiện ra sai sót, chúng tôi đã lập tức sửa sai và hoàn trả lại tiền cho gia đình”. Điều đó cho thấy rằng “HĐ cuối cùng” và “HĐ tạm thời” không có gì khác biệt nếu bệnh nhân không tự kiểm tra và phát hiện sai sót gây thiệt hại cho mình, để yêu cầu BV điều chỉnh.

Tự bảo vệ mình

Trên thực tế, HĐ tạm thời ghi rõ “làm ơn thanh toán ngay lập tức khi nhận được HĐ này” nên bệnh nhân phải trả đủ khoản tiền ghi trên đó và ra viện. Việc BV tự điều chỉnh HĐ và tự liên hệ trả lại tiền dư (từ các thuốc men chưa xài) cho bệnh nhân sau khi đã ra viện là không thực tế.

Mặc dù SGH hứa hẹn: “Chúng tôi đã nhắc nhở các nhân viên phải cẩn thận và nhanh chóng trả thuốc bệnh nhân chưa xài ngay khi bệnh nhân xuất viện để tránh những sai sót tương tự trong tương lai”, lời khuyên của những người có kinh nghiệm dành cho bệnh nhân điều trị nội trú tại bất kỳ BV nào là “hãy tự bảo vệ mình”. Cách tốt nhất là người nhà bệnh nhân nên ghi lại những thủ thuật, thuốc men dùng hằng ngày để tiện việc đối chiếu với HĐ.

Ngoài ra, bệnh nhân và người nhà nên hạn chế yêu cầu thêm các vật dụng như drap trải giường, áo quần, khăn lau, giấy vệ sinh… vì BV đáp ứng với giá rất cao. Trong những trường hợp không nguy hiểm, bệnh nhân cũng nên biết từ chối việc thăm khám, đo nhiệt độ… liên tục bởi các y tá, sinh viên thực tập. Vì tất cả những thủ tục này đều có thể bị tính phí.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.