Cần kiên quyết cắt giảm đầu tư công

24/04/2011 00:16 GMT+7

Lạm phát năm 2011 sẽ khó kiềm chế được nếu như Chính phủ không quyết liệt cắt giảm đầu tư công.

Đó là nội dung các chuyên gia kinh tế đã trao đổi tại hội thảo "Chính sách tài khóa - tiền tệ và phát triển thị trường tài chính Việt Nam" do trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) tổ chức ngày 23.4.


Lạm phát chỉ có thể giảm khi Chính phủ quyết liệt thắt chặt chính sách tài khóa nói chung và cắt giảm đầu tư công nói riêng - Ảnh: D.Đ.M

Chỉ mới giảm được 1% đầu tư công

Tính đến hết quý 1/2011, kết quả sơ bộ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy đã cắt giảm được 1.387 dự án với tổng số vốn cắt giảm gần 3.400 tỉ đồng trong kế hoạch giảm các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2011. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, con số này chỉ như "muối bỏ biển" trong tổng nguồn vốn đầu tư công của Chính phủ. TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - phân tích: hiện đầu tư của khu vực công chiếm khoảng 40% đầu tư của toàn xã hội, tương đương 16 - 17 tỉ USD. Như vậy việc cắt giảm được 3.400 tỉ đồng chỉ tương đương giảm được hơn 160 triệu USD (bằng 1% tổng đầu tư công). Mức giảm này quá nhỏ sẽ khiến cho người dân cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước thiếu niềm tin vào khả năng cắt giảm chi tiêu công và đầu tư công của Chính phủ với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô trong năm nay. "Lạm phát của Việt Nam sẽ còn gia tăng và có thể đỉnh sẽ rơi vào tháng 6 - 7 năm nay với mức tăng 16 - 17% (so với cùng kỳ năm 2010). Vì vậy chính sách tài khóa và tiền tệ thắt chặt còn phải được theo đuổi kiên trì và phải xác định ổn định kinh tế vĩ mô là chiến lược trung hạn cũng như trong cả quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam", TS Võ Trí Thành nói.

Chi thường xuyên và đầu tư công liên tục tăng

TS Nguyễn Hồng Thắng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM dẫn chứng: Tỷ trọng của chi thường xuyên từ 47,9% năm 2004 đã lên đến 64,7% năm 2010. Tương tự, nhiều dự án và công trình trọng điểm có mức đầu tư lớn ngày càng được ra đời nhiều hơn. Xu hướng gần đây cho thấy Chính phủ ngày càng quan tâm đến những dự án có mức đầu tư hơn 1% GDP (dù chưa triển khai) như sân bay quốc tế Long Thành với mức đầu tư 5 tỉ USD, dự án hai nhà máy điện hạt nhân trị giá 14 tỉ USD,... trong khi hiệu quả đầu ra của các dự án này rất khó dự đoán. Ngoài ra, nợ công cũng tăng liên tục từ 9,41 tỉ USD năm 2002 đến 29 tỉ USD giữa năm 2010, tương đương khoảng 30% GDP. Do đó Chính phủ phải kiểm soát tham vọng tài khóa bằng khuôn khổ chi tiêu trung hạn trên phạm vi cả nước; khuyến khích khu vực tư phát triển; hạn chế tình trạng Chính phủ vay rồi cho doanh nghiệp nhà nước vay lại,...

Chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí cũng cho rằng tín hiệu cắt giảm đầu tư công vẫn chưa thuyết phục được người dân. Trong khi đó, với mức độ lạm phát có thể lên đến 8% trong 4 tháng đầu năm nay thì Chính phủ cần phải giảm ngay mục tiêu tỷ lệ bội chi/GDP xuống còn 4,5%. Giải pháp thực hiện là phải cương quyết cắt đầu tư công khoảng 2% GDP, tương đương 63.000 tỉ đồng (tức là cắt gần 20 lần so với con số đã công bố). Đây là chính sách khó làm nhưng quan trọng và cấp thiết nếu Chính phủ muốn truyền đạt thật sự thông điệp ngăn chặn lạm phát từ tháng 5 tới.

Đồng quan điểm trên, TS Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - giải thích nếu tính trên tổng số dự án đầu tư được cắt giảm thì mỗi dự án chỉ giảm được 2,5 tỉ đồng. Chính phủ phải quyết liệt cắt giảm ngay ngân sách từ trung ương mà không phải đợi kết quả "thương lượng" với các bộ ngành và tỉnh thành. Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Văn Trình - Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - Luật nhấn mạnh đến việc cắt giảm chi thường xuyên của Chính phủ để thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt. Có thể kể đến một số giải pháp thực hiện như tinh giản bộ máy nhân sự từ trung ương đến địa phương; giảm mua sắm trang thiết bị bên cạnh việc cắt bỏ đầu tư công vào những dự án không cần thiết hay kém hiệu quả...

Lãi suất có thể giảm từ quý 3

Một trong những vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư quan tâm là liệu lãi suất sẽ diễn biến như thế nào từ nay đến cuối năm? TS Lê Xuân Nghĩa dự báo lãi suất có thể giảm từ quý 3 năm nay. Do chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ thực sự phát huy được tác dụng từ tháng 5 và đặc biệt kể từ quý 3/2011. Một nguyên nhân khác được TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng cũng góp phần làm cho lãi suất có thể hạ nhiệt chính là việc cắt giảm đầu tư công xuống thấp. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, lãi suất tiền đồng có thể giảm xuống từ quý 3 nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục áp dụng một số biện pháp mới như giảm trạng thái ngoại tệ của ngân hàng thương mại từ 30% xuống còn 20%. Đồng thời áp dụng biện pháp hành chính để giảm tỷ lệ cho vay bằng USD. Đặc biệt, nếu Chính phủ thành công trong việc giảm lạm phát từ quý 3 do mức cung tiền đã giảm từ quý 1 năm nay thì lãi suất tiền đồng và ngoại tệ đều có thể giảm xuống.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đồng tình nếu muốn lãi suất giảm thấp hơn hiện nay thì Chính phủ phải quyết liệt thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt để song hành cùng chính sách tiền tệ. Bởi nếu chỉ áp dụng riêng chính sách tiền tệ thắt chặt thì nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp sẽ không chịu nổi trong khi lạm phát cũng không kiềm chế được. 

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.