Cần dẹp bỏ nạn lạm thu ở trường học

05/09/2010 22:43 GMT+7

Sau khi các bài viết Năm học mới, nỗi lo cũ; Phối hợp hành động để dứt điểm việc lạm thu đăng trên Thanh Niên, nhiều phụ huynh học sinh (PHHS) đã bày tỏ bức xúc về những khoản thu vô lý của nhà trường trong dịp đầu năm học.

Cần thiết nhưng phải phù hợp

Tôi là giáo viên ở vùng quê. Điều tôi bức xúc là đầu năm học vừa qua, có những trường vận động PHHS sắm cả laptop cho giáo viên chủ nhiệm, đèn chiếu và màn hình cho lớp, thậm chí cả máy lạnh cho phòng làm việc của Ban giám hiệu. Đó là điều mà theo chúng tôi là rất bất hợp lý vì "khoan" vào túi tiền PHHS cho những nhu cầu chưa thực sự thiết yếu trong dạy và học. Lại có chuyện một số trường đưa tên HS không ủng hộ đóng góp lên bảng thông báo, đây là điều quá đáng trong môi trường giáo dục, vì việc PHHS ủng hộ hay không là theo tình hình tài chính của họ chứ họ có phải thiếu "nợ" đâu mà lại "lên danh sách đòi nợ".

Dương Văn Ngọc (Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu)

Đủ các loại thu

Hiện nay, các trường hay đặt ra rất nhiều các khoản phí buộc HS phải nộp như:  bồi dưỡng các cô nấu bếp nếu các cháu ăn trưa tại trường, vệ sinh trường, nước uống trong lớp hoặc đôi khi bán vé tổ chức đi xem múa rối, hội họa... với giá rất cao. Ngoài ra, đến mùa tựu trường, các trường bán luôn sách vở, đồ dùng học tập, quần áo đồng phục... với giá cao hơn ở ngoài. Ôi đủ thứ tiền, nếu cứ như vậy thì những gia đình đến ăn cũng phải lo từng bữa thì lấy đâu ra tiền để lo tiền học, rồi tiền sách vở, phụ đạo, quỹ hiếu học... Khi HS chưa kịp đóng tiền hoặc vì lý do khó khăn, thầy cô giáo sẽ nêu tên các em trong lớp học hoặc thông báo tại trường khiến cho các em tự ti mặc cảm đối với bạn bè, thầy cô. Theo tôi, cơ quan chức năng cần phải lập ban thanh tra kiểm tra những khoản tiền đóng góp này có đúng với chủ trương của Bộ GD-ĐT đề ra hay không?

Phạm Nguyễn Duy Anh (Nguyễn Thiện Thuật, TP Nha Trang)

Sao lại “đẩy” việc chống lạm thu cho PHHS?

Trong bài trả lời trên Báo Thanh Niên ngày 5.9, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói rằng muốn chống lạm thu triệt để và có hiệu quả thì PHHS phải phản ứng và kiên quyết không nộp các khoản không đồng ý, ngoài quy định. Nghe thì có lý nhưng có PHHS nào dám “hy sinh" con mình để “gây sự” với thầy cô và nhà trường, nơi mà họ muốn "đì” con mình lúc nào cũng được. Nhà trường là bên thu, bên đề ra các khoản để thu còn PHHS là bên bị thu. Vì vậy, theo tôi để giải quyết tình trạng lạm thu thì phải có biện pháp chế tài đối với bên thu, đó là trách nhiệm của Nhà nước. Thật vô lý khi cho rằng PHHS phải có trách nhiệm chủ động trong chuyện này.

Đào Trọng Hưng (dthung9109@yahoo.com)

 Ban CTBĐ (tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.