Cả làng bắt gỗ lậu

23/04/2015 09:00 GMT+7

Nhiều cây gỗ lớn thuộc vùng rừng ở xã Hà Tây, H.Chư Pah (Gia Lai) bị lâm tặc đốn hạ. Và sự bức xúc lên đến đỉnh điểm khi người dân làng Kon Sơ Lăl ra tay chặn bắt lâm tặc chở gỗ .

Nhiều cây gỗ lớn thuộc vùng rừng ở xã Hà Tây, H.Chư Pah (Gia Lai) bị lâm tặc đốn hạ. Và sự bức xúc lên đến đỉnh điểm khi người dân làng Kon Sơ Lăl ra tay chặn bắt lâm tặc chở gỗ.

Người làng vây bắt gỗ lậu - Ảnh: Trần Hiếu
Người làng vây bắt gỗ lậu - Ảnh: Trần Hiếu
Ngày 21.4, nhiều dân làng Kon Sơ Lăl ở xã Hà Tây tình nguyện dẫn chúng tôi vào rừng sâu để tận mắt thấy cảnh những cánh rừng ở đây tan hoang vì lâm tặc. Từ trung tâm làng, chúng tôi phải đi xe hơn 15 km, sau đó đi bộ vào rừng sâu. Và rồi con đường được mở rộng ra khá lớn giữa rừng, đầy những vệt bánh xe.
Cả bãi gỗ ngổn ngang giữa rừng khiến mọi người không khỏi xót xa vì những gốc cây, cánh rừng người làng hay để mắt, dù không phải chức năng của họ, chỉ một thời gian ngắn đã thành bãi gỗ. Một khoảng rừng trống hoác. Đi sâu vào bãi gỗ, chúng tôi thấy có cây gỗ bị chặt hạ có đường kính tới 1,5 m. Gần đó lại thêm một bãi gỗ lớn. Chúng tôi đếm được hơn 50 gốc gỗ sao xanh, gỗ dầu lớn, ước lên cả trăm mét khối gỗ.
Cách đây chừng 3 tháng, người làng Kon Sơ Lăl đã ngăn cản một nhóm người lạ khi họ đưa phương tiện máy móc làm đường vào rừng, đi qua những nương rẫy của người làng. Sau khi bị ngăn cản, một người tên là Aboy, trong buổi họp làng đã xin người làng cho làm con đường và xin đóng góp cho làng 10 triệu đồng/năm. Người làng nghi ngờ họ làm đường để vận chuyển gỗ lậu nên đã kiên quyết từ chối. Nhưng rồi một con đường mới thẳng vào rừng đã được mở sang hướng khác, không xâm phạm đến nương rẫy của dân. Con đường này là lối vào thẳng bãi gỗ. Từ đây, một con đường khác cũng được mở ra theo hướng lên tỉnh Kon Tum, không đi ngang UBND xã Hà Tây.
Rạng sáng 18.4, nhiều người làng Kon Sơ Lăl đang ngái ngủ bỗng bật dậy khi nghe đám thanh niên gọi vang: “Có xe chở gỗ lậu về rồi!”. Mọi người đổ ra con đường lớn. Hai chiếc xe độ oằn mình vì chở những khúc gỗ nặng trịch từ dốc lao xuống. Bỗng một trong hai chiếc bị nổ lốp khựng lại. Người dân đã đến vây quanh. Tài xế gọi điện cầu cứu và chỉ một thời gian ngắn, có một nhóm người lạ chạy xe máy đến, ngon ngọt thương lượng nhưng người làng không đồng ý. Tài xế đã đánh liều đổ gỗ xuống và tháo chạy. Người làng đã báo cơ quan chức năng. Ngay buổi sáng cùng ngày, Hạt Kiểm lâm H.Chư Pah cử cán bộ xuống làm rõ sự việc. Tổng cộng, lâm tặc đã chở 16 lóng gỗ sao xanh có đường kính từ 40 - 80 cm, khối lượng khoảng 8,9 m3.
Ông Nguyễn Quốc Thuận, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah, cho rằng: “Từ tháng 2 đến giờ, cứ tối thứ sáu (trùng với ngày người dân bắt gỗ, 18.4), chúng tôi lại rút toàn bộ người khỏi trạm ở làng Kon Sơ Lăl ra để tham gia trực chiến phòng cháy”. Phải chăng, đây là một sự trùng hợp đáng ngờ cho sự biến mất của những cây cổ thụ?
Củng cố hồ sơ khởi tố vụ phá rừng
Chiều 22.4, ông Nguyễn Ngọc Cư, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Pah, cho biết cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án. Theo thông tin ban đầu, vị trí vùng rừng bị lâm tặc tàn phá thuộc tiểu khu 187 do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah quản lý. Sơ bộ, lực lượng chức năng mới xác định được 38 gốc cây bị chặt hạ và nhiều lóng gỗ chưa đưa ra khỏi rừng. Ông Cư nói: “Sáng mai (23.4), chúng tôi sẽ cùng với cơ quan công an, Viện kiểm sát vào lại hiện trường cùng thống kê lại số gỗ bị chặt hạ và bị dân làng bắt giữ để củng cố hồ sơ, khởi tố vụ án”.
Rừng phòng hộ đầu nguồn chết đứng hàng loạt
Ngày 22.4, ông Trịnh Ngũ Hùng, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, cho biết vừa có văn bản đề nghị Công an huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) điều tra xác minh thủ phạm ken và đổ thuốc độc làm thông chết hàng loạt tại tiểu khu 114A. Khu rừng bị ken thuộc khu nông nghiệp công nghệ cao, trên địa bàn xã Đạ Sar (Lạc Dương), rộng 1.825 m2, gồm 90 cây đường kính từ 18 - 40 cm, chiều cao từ 14 - 16 m nằm cạnh diện tích đất của một gia đình ngụ TT.Lạc Dương. Theo ông Hùng, trước đây từng xảy ra tình trạng ken thông đổ thuốc độc nhưng lẻ tẻ với số lượng ít, còn đây là hành vi phá rừng quy mô lớn.
Lâm Viên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.