Bún nóng

07/09/2012 03:10 GMT+7

Có những sớm mai giật mình thức dậy, ngơ ngác tưởng như nghe tiếng ai gọi rủ đi ăn bún nóng. Nhưng rồi nhận ra chẳng ai rủ mình như vậy cả. Tự bản thân đã trôi xa về miền ký ức tuổi thơ, với những ngày tháng ở quê xưa.

Lò bún của dì Năm Quá ở cách nhà ông bà ngoại tôi một căn. Dì Năm, con nít trong xóm thường gọi như vậy, có cả thảy sáu đứa con gái. Các chị dù đi học, lớn lên đi làm, lấy chồng hay còn độc thân, người nào việc nấy đều có nhiệm vụ rõ ràng để mỗi sớm mai cho ra đời hàng chục mẻ bún ngon lành nóng hổi.

Một buổi sáng. Theo bà ngoại ăn bún tại lò. Ôi thôi đông đúc người già lẫn trẻ con - vốn có hàm răng và bao tử phù hợp với độ mịn màng, mềm mại của từng sợi bún. Ăn bún không với nước mắm, hai ngàn đồng một tô. Chả giò ba trăm đồng một cuốn, ai ăn mấy cuốn thì nói để dì Năm cắt. Bún nóng mua đem về, tôi nhớ dì cân một ký sáu ngàn.

Lò bún được ông thợ làng nào thiết kế rất hay. Giống như một số nhà hàng trên phố thời bây giờ, cố tình làm bếp lộ thiên cho thực khách trầm trồ quan sát, cái “cơ sở” của dì Năm hồi đó cũng mô hình bếp lộ thiên. Không chỉ con nít tò mò thấy cái gì cũng ngó, phần đông người lớn đều có thói quen, tới nơi vào lò đảo qua một vòng rồi mới trở ra bàn đợi dọn tô. Hai người con rể của dì Năm, thanh niên khỏe mạnh, chia nhau xay - trộn bột và thả bột vào thùng nước sôi vắt ra con bún. Phụ nữ phụ trách các phần việc như chiên chả giò, lặt rau, bưng bê, dọn rửa tô chén... Riêng dì Năm một mình đứng ngay “quầy tiếp tân” - mặt tiền của lò, những tô bún ấm tay thơm hấp dẫn từ quầy này được bưng đi liên tục tỏa ra các bàn.

Dù chỉ là bữa điểm tâm hết sức bình dân với những thực khách bình dân, dì Năm vẫn phải lắm khi “cười méo” do chín người mười ý. Đương vểnh tai nghe một bà léo nhéo sao nước mắm bữa nay mặn quá, thì một bà khác gạt phăng: tui thấy lạt nhách chớ mặn gì. Chưa kịp thở phào khi có một bà “giảng hòa”, gật gù nước mắm rất vừa miệng, đã nghe một ông càu nhàu chả giò chiên sẵn làm gì để quá nguội dai nhách! Rồi thì người thích sợi bún mềm oặt nóng hổi vừa thổi vừa ăn, người đòi sợi bún dai dai chỉ nóng hâm hẩm, người nhất quyết yêu cầu bún thiệt nguội để không “rã” khi chan nước mắm. Nhưng đòi ăn bún nguội chắc chỉ có người trẻ với con nít, chứ các cụ già thích bún nóng đến nỗi có người khẳng định hồi đêm ngủ hít hà ra được mùi, sáng dậy phải lật đật đi ăn...

Chúng tôi rời xa quê, đôi lần về lại mới hay lò bún không còn. Nhà dì Năm vẫn ở đó, xây mới khang trang, vài người con gái và con rể của dì hùn tiền mở quán bún riêu, bán buổi chiều tối thay vì sáng sớm như hôm xưa có lò bún nóng. Đi ngang nhà dì, thấy xe hơi đậu san sát, những chiếc xe đưa khách đến ăn bún riêu. Lòng thầm mừng vì dì Năm lớn tuổi rồi, đã có thể nghỉ ngơi, yên tâm trông cậy vào con cháu. Những cụ già quanh xóm, vốn là thực khách trung thành hôm xưa của dì, phần lớn đã qua đời. Vài cụ sống khỏe, mỗi sáng thường kêu con cháu chạy xe đi mua bún nóng ở lò khác, xa hơn. Tôi chắc quê tôi vẫn còn vài lò bún như thế này, nhưng không chắc lắm có ai trong đêm mơ thấy mình ngửi được mùi thơm dịu dàng của từng sợi bún...

Đăng Khôi

>> Bún chả cá
>> Bún cá Ninh Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.