Bơm vốn cho nền kinh tế

15/06/2013 01:56 GMT+7

Trả lời chất vấn trước QH hôm qua, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm, bình quân mỗi tháng sẽ có khoảng 40.000 tỉ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Bức xúc với tốc độ tái cơ cấu nền kinh tế còn quá chậm, là người đầu tiên bấm nút, ĐB (ĐB) Nguyễn Bá Thuyền đề nghị Phó thủ tướng làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp cũng như trả lời cử tri về việc liệu lợi ích nhóm có phải là lực cản lớn đối với quá trình này?

Tháo gỡ khó khăn, hướng dòng vốn tín dụng vào các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có thị trường, cho vay tiêu dùng cá nhân, kích thích sức mua, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 là 12%, bình quân hàng tháng sẽ có thêm khoảng 40 nghìn tỉ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phó thủ tướng đã nêu 4 nguyên nhân gây cản trở, bao gồm thể chế, thị trường tài chính khó khăn, nguồn nhân lực và điều hành. Tuy nhiên, ông cũng nêu rõ quá trình này đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc đổi mới đầu tư công, phê duyệt các đề án tái cơ cấu tập đoàn, sắp xếp lại các ngân hàng. "Bên cạnh những yếu tố khách quan, quá trình tái cơ cấu chậm có nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của chúng tôi, các ngành, các địa phương", ông nhìn nhận.

“Lạc quan hay bi quan”

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) làm “nóng” hội trường khi chất vấn về kết quả tái cơ cấu hai tập đoàn (TĐ) Vinashin và Vinalines. Ví hai “Vina” này như những gam màu tối, ĐB Tiến đề nghị cho biết kết quả tái cơ cấu. “Thông điệp đưa ra của Phó thủ tướng sau câu trả lời này là lạc quan hay bi quan?", ông Tiến nhấn mạnh.

Phó thủ tướng nói rõ, đối với Vinashin, nguyên nhân đổ bể do quản trị lỏng lẻo, gây thất thoát vốn. Tiền nhà nước giao đầu tư mở rộng khắp nơi, không quản lý. Ngoài ra, do khủng hoảng kinh tế, khu vực ảnh hưởng trực tiếp tới ngành vận tải biển. Quá trình xử lý, theo ông là rất nghiêm khắc, ngoài bắt tạm giam ông Phạm Thanh Bình - Chủ tịch HĐQT, cũng khởi tố bắt tạm giam 8 người trong TĐ, khởi tố 18 bị can và hiện vẫn đang trong quá trình tố tụng. Về kết quả tái cơ cấu, hiện đã có sự ổn định và quản lý tốt hơn. Trong số 216 doanh nghiệp (DN) không giữ lại đã sắp xếp được 36 đơn vị, số lao động còn khoảng 59.000 người, giảm 41.000 người. Trong 3 năm qua, Vinashin tiếp tục đóng tàu và bàn giao 174 tàu lớn, xuất khẩu 66 tàu lớn với trị giá 1,25 tỉ USD. Nếu không tiếp tục sản xuất thì số lỗ tăng thêm ít nhất 10.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo tái cơ cấu nợ, khi 19 ngân hàng trong nước giảm nợ cho Vinashin được 7% tổng số nợ xấu, số trái phiếu quốc tế phát hành 750 triệu USD cũng được tích cực xử lý và đây là tiền đề quan trọng để tái cơ cấu TĐ trong thời gian tới. Hiện nay Vinashin vẫn đang lỗ nặng, do tái cơ cấu chậm, nhiều khó khăn thách thức. Chính phủ vẫn đang quyết tâm tái cơ cấu toàn diện, triệt để, không để Vinashin giải thể, phá sản; phấn đấu đến năm 2016 thì đạt mức thu cao hơn chi.

Đối với Vinalines, qua báo cáo năm 2012 doanh thu đạt 21.000 tỉ đồng, nộp ngân sách 670 tỉ đồng. Năm 2013 thoái vốn tại 16 DN, hoàn thành cổ phần hóa đơn vị. Chính phủ chỉ đạo tái cơ cấu tài chính, nợ và bán một số tàu cũ không hiệu quả, bố trí lại nhân sự. 

Trả lời câu hỏi của các ĐB về giải pháp đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu đề ra, Phó thủ tướng cho biết sẽ triển khai các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho DN thông qua tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục, thực thi các chương trình hỗ trợ, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực; Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất đối với các khoản tín dụng đã vay; Tháo gỡ khó khăn, hướng dòng vốn tín dụng vào các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có thị trường, cho vay tiêu dùng cá nhân, kích thích sức mua, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 là 12%, bình quân hằng tháng sẽ có thêm khoảng 40 nghìn tỉ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

tăng trưởng tín dụng
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: Ngọc Thắng

Căn bản giải quyết đơn thư khiếu nại

Cho rằng chiếc “ghế nóng” Phó thủ tướng đang ngồi đòi hỏi phải có trách nhiệm rất cao, không chỉ vấn đề xử lý hai TĐ trên, ĐB Lê Như Tiến chất vấn về giải pháp đột phá để phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phó thủ tướng cho biết đã chỉ đạo đồng bộ, tập trung xây dựng thể chế, chính sách, tăng cường giám sát, kiểm tra nhưng cũng nhìn nhận vẫn còn hạn chế, vẫn để xảy ra vụ tham nhũng nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp.

ĐB Tiến tiếp tục:  “Xin Phó thủ tướng sử dụng từ tôi thay cho chúng ta để không làm mờ nhòe trách nhiệm cá nhân với trách nhiệm thường trực Chính phủ. Từ khi nhận trọng trách, Phó thủ tướng đã đưa ra ánh sáng được bao nhiêu vụ tham nhũng điển hình, các vụ tồn đọng kéo dài. Bài học nào là tâm đắc sâu sắc nhất, cả thành công lẫn chưa thành công từ các vụ nóng, nhạy cảm?”.

Phó thủ tướng cho biết năm 2011, được phân làm Phó ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng ông đã đôn đốc, xây dựng thể chế, tăng cường kiểm tra giám sát. Công tác khiếu nại tố cáo có tiến bộ đáng mừng, khi 528 vụ tồn đọng, kéo dài đã xử lý dứt điểm được 462 vụ… “Các lĩnh vực tôi phụ trách có cố gắng, với sự cộng tác hỗ trợ các bộ, ngành. Bài học tâm huyết nhất của tôi là đã giải quyết đơn thư, khiếu nại của người dân một cách căn bản. Bài học lớn nhất là tôi chịu trách nhiệm trước Thủ tướng vấn đề mình được phân công”, Phó thủ tướng nói.

Liên quan đến chất vấn của ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) về tội phạm xã hội, Phó thủ tướng trả lời: “Chính phủ nhận rõ trách nhiệm khi để tội phạm, băng nhóm xã hội đen diễn ra thời gian qua. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có sự cố gắng khi triệt phá một số băng nhóm, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh. 5 tháng 2013, điều tra khám phá trên 17.000 vụ tội phạm trật tự xã hội, xử lý 39.500 đối tượng, 900 băng nhóm tội phạm, 144 vụ vi phạm tham nhũng kinh tế”. Ông cho biết giải pháp quan trọng sắp tới, là các cấp, ngành phải triển khai nghiêm túc Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị. Cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thứ hai, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu từ cấp ủy, chính quyền chịu trách nhiệm an ninh, trật tự và tội phạm trên địa bàn.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.