'Bồi thường tuổi xuân' cho phụ nữ khi ly hôn

28/07/2013 11:05 GMT+7

Bên cạnh những vấn đề được dư luận quan tâm trong dự thảo luật Hôn nhân - gia đình sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi như hôn nhân đồng giới, mang thai hộ..., ông Lương Phan Cừ (ảnh), nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề xuất cần có điều khoản bồi thường tuổi xuân cho phụ nữ khi ly hôn.

'Bồi thường tuổi xuân' cho phụ nữ khi  ly hôn

 

Luật Hôn nhân - gia đình hiện hành và các quy định của pháp luật nói chung hiện chưa đề cập đến “bồi thường tuổi xuân”, vì sao ông lại có đề xuất này?

Xét ở góc độ giới và gia đình, từ xa xưa cho tới nay, kể cả con số thống kê và nhận định, phần thiệt thòi luôn là người phụ nữ. Sau ly hôn, rất nhiều phụ nữ ở vậy nuôi con và thường gặp khó khăn trong cuộc sống. Khi ly hôn, các tài sản lớn cũng thường thuộc về người chồng. Do đó, đề xuất trên nếu được thực hiện sẽ góp phần giúp người phụ nữ bớt thiệt thòi. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải xác định, lao động trong gia đình cũng là một loại lao động, khi ly hôn phải trả công.

Hôn nhân như hợp đồng kinh tế

 

Chúng ta cũng cần phải xác định, lao động trong gia đình cũng là một loại lao động, khi ly hôn phải trả công

Đề xuất này nghe rất hợp lý, song lại khá mới mẻ với Việt Nam, liệu đưa vào luật có khả thi?

Ở các nước, đây là chuyện bình thường bởi vì người ta quan niệm hôn nhân như một hợp đồng kinh tế đặc biệt. Khi anh ký hợp đồng, chính quyền chứng nhận quan hệ đó, anh phải đảm bảo quan hệ vợ chồng tốt. Khi tan vỡ hay nói cách khác, khi người đàn ông phá vỡ hay chấm dứt hợp đồng là anh vi phạm, phải nộp phạt hoặc bồi thường. Ở nước ta, hôn nhân là quan hệ tình cảm nên không được phân định một cách cụ thể, chúng ta chưa quen với loại hợp đồng này, nhưng tôi cho rằng sau này lớp trẻ sẽ đi theo con đường mới. Những thiệt hại trong quá trình hôn nhân đổ vỡ của người phụ nữ phải được bù đắp. Thay vì chọn biện pháp đứng tên chung tài sản như hiện nay, chúng ta nên chọn biện pháp bồi thường tuổi xuân. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Xã hội phát triển, ở nhiều gia đình trụ cột chính là phụ nữ chứ không phải nam giới. Có ý kiến cho rằng, quy định này vô lý bởi nếu có bồi thường, phải bồi thường cho cả nam giới?

Đúng là cũng có những trường hợp như vậy và đòi hỏi trên hoàn toàn xác đáng. Nhưng như tôi phân tích, phần thiệt thòi đa số là phụ nữ và thực tế nam giới đứng đằng sau phụ nữ rất ít. Những trường hợp đổ vỡ cũng ít hơn. Chúng ta nên đặt vấn đề mang tính phổ quát, phụ nữ ngoài 30 tuổi tái giá không hề đơn giản.

Ở mỗi giai đoạn khác nhau, chúng ta có những chính sách khác nhau. Khi nào đạt được nam nữ bình quyền, người phụ nữ quyết đoán mọi việc như nam giới, lúc đó chúng ta có thể sửa đổi, tính đến bồi thường cho cả hai bên.

Ấn định khoản bồi thường

Vậy theo ông, làm thế nào để phân định những “thiệt hại” để bồi thường cho phụ nữ khi ly hôn?

Từ xưa đến này, việc phân định tài sản của hai vợ chồng thường không rõ, nên có nhiều trường hợp người chồng tẩu tán tài sản. Mặt khác, nền kinh tế của Việt Nam là nền kinh tế dùng tiền mặt, chúng ta rất khó kiểm soát thu nhập của nhiều gia đình nên làm rõ tài sản của họ cũng là một vấn đề khó. Thế thì, theo tôi việc bồi thường nên đặt ra một khoản "automatic" nào đó, cụ thể là bao nhiêu thì các chuyên gia, người làm chính sách sẽ ngồi với nhau, nghiên cứu chi tiết. Theo kinh nghiệm các nước, cứ ly hôn là phụ nữ được bồi thường một khoản tiền, còn tài sản thì chia đôi hoặc chia 1/3 (trong trường hợp phụ nữ không đi làm). Dù tài sản giàu kếch sù, hay nghèo đều phải chia.

Nếu đề xuất này trở thành hiện thực, sự bất công, thiệt thòi với người phụ nữ có được san lấp?

Thực ra bảo san lấp về mặt tình cảm khó lắm. Đây chỉ là bù đắp một phần công sức cho người phụ nữ hay nói cách khác giúp người phụ nữ tạo dựng lại cơ sở vật chất để sống và đảm bảo cuộc sống sau này. Ngoài ra, biện pháp đó đặt ra cho người nam phải cân nhắc trước khi tính tới chia tay.

Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.