Bí thư Thành ủy TP.HCM sẽ do Bộ Chính trị quyết định sau

18/10/2015 06:08 GMT+7

* Ông Lê Thanh Hải được phân công chỉ đạo Thành ủy TP.HCM; Phó bí thư thường trực Võ Văn Thưởng điều hành hoạt động của Thành ủy.

* Ông Lê Thanh Hải được phân công chỉ đạo Thành ủy TP.HCM; Phó bí thư thường trực Võ Văn Thưởng điều hành hoạt động của Thành ủy.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng tặng hoa cho ông Lê Thanh Hải tại đại hội - Ảnh: Diệp Đức MinhPhó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng tặng hoa cho ông Lê Thanh Hải tại đại hội - Ảnh: Diệp Đức Minh
Tại phiên bế mạc hôm qua 17.10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 đã công bố danh sách 69 người trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ khóa 10, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ khóa 10 diễn ra tối 16.10 cũng bầu ra Ban Thường vụ Thành ủy gồm 15 người; bầu 4 Phó bí thư Thành ủy, gồm: ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; ông Tất Thành Cang, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Phó bí thư Thành ủy. Riêng vị trí Bí thư TP.HCM sẽ được quyết định sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12.
Hội nghị cũng đã bầu Ủy ban Kiểm tra Thành ủy gồm 13 người, ông Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa 10.
Đại hội cũng thông qua danh sách Đoàn đại biểu Đảng bộ TP.HCM với 35 người đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.
Các đại biểu đã nghe dự thảo Nghị quyết đại hội và thống nhất biểu quyết thông qua. Theo đó, nghị quyết nêu lên 7 chương trình đột phá, 12 nhiệm vụ và đặt ra 14 chỉ tiêu từ nay đến 2020, cụ thể: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) bình quân hằng năm từ 8 - 8,5%; Tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GRDP bình quân hằng năm từ 35% trở lên; Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP; GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 đạt 9.800 USD; Đến năm 2020, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt 85% trong tổng số lao động làm việc; tạo việc làm mới cho 625.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4,5%; thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 3,5 lần (so với năm 2011); giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn chương trình “Giảm nghèo bền vững” bình quân 1%/năm; đảm bảo nước sạch cho 100% hộ dân; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8 m2/người; đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3 tuổi đến 18 tuổi); tỷ lệ 20 bác sĩ/10.000 dân, 42 giường bệnh/10.000 dân; xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%...
“Tổ chức cuộc sống người dân đàng hoàng hơn”
Sau khi kết thúc Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10, trưa 17.10, Ban tổ chức đã tổ chức buổi họp báo, do ông Võ Văn Thưởng chủ trì.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên: “Hiện nay, BCH Đảng bộ chưa bầu chức danh Bí thư Thành ủy TP, vậy kế hoạch bầu Bí thư Thành ủy TP.HCM ra sao?”, ông Võ Văn Thưởng cho biết: “Tôi biết vấn đề này được người dân rất quan tâm, phải khẳng định rằng, việc thực hiện các quy định của Đảng về công tác nhân sự của Đảng bộ TP khóa 10 trong thời gian qua có ý thức và trách nhiệm rất cao trong công tác chuẩn bị nhân sự Ban Thường vụ, nhất là Ban Thường vụ Thành ủy và các chức danh lãnh đạo của Thành ủy. BCH Đảng bộ TP đã báo cáo nhân sự về Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đánh giá rất cao. Theo quy định của Đảng, việc giới thiệu nhân sự đảm nhiệm chức danh bí thư thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị. Như chúng ta đã biết, TP.HCM là trung tâm kinh tế của vùng và cả nước mà như phát biểu của đồng chí Tổng bí thư là TP.HCM có một vị trí chính trị rất quan trọng của cả nước. Việc chuẩn bị nhân sự Bí thư Thành ủy TP.HCM gắn với công tác nhân sự của Bộ Chính trị khóa 12 của Đảng. Vì vậy, việc để sau Đại hội Đảng khóa 12, phân công Ủy viên Bộ Chính trị làm Bí thư Thành ủy TP.HCM là đúng với quy định của Đảng. Trước mắt đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo Thành ủy TP.HCM và Phó bí thư thường trực sẽ điều hành hoạt động của Thành ủy”.
PV Thanh Niên đặt câu hỏi: “Sau đại hội, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ mới sẽ có chỉ đạo cụ thể như thế nào để giải quyết vấn nạn kẹt xe và ngập nước, để người dân TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình như mục tiêu đã đề ra?”. Ông Nguyễn Thành Phong, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, cho hay mục tiêu của Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa 10 đặt ra là xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình và có vai trò động lực trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Như vậy, để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hiện nay tình trạng ngập nước, nhà trên kênh rạch, kẹt xe vẫn còn nhiều, thì trước hết, chúng ta phải giải quyết được các vấn đề đó. Mặc dù chính quyền TP nhiệm kỳ vừa qua đã tập trung nhiều giải pháp có hiệu quả nhưng nhìn lại vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu.
Sắp tới, TP sẽ phải tiếp tục tập trung nhiều giải pháp hơn nữa. Đó là đòi hỏi từ cuộc sống của người dân, Thành ủy sẽ có chủ trương đột phá hơn, cụ thể hóa hơn trong việc chỉnh trang và phát triển đô thị . Đặc biệt là xoay quanh vấn đề chỉnh trang, giải tỏa các căn nhà lụp xụp ở các vùng ven kênh rạch, giải tỏa các chung cư xuống cấp, phát triển các khu đô thị ngoại vi... làm sao để tổ chức cuộc sống cho người dân đàng hoàng hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.