Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Tình trạng chạy chức chạy quyền giảm rõ rệt

09/04/2013 03:20 GMT+7

Trao đổi với báo chí bên hành lang hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sáng qua, 8.4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (ảnh) đánh giá sau một năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng, mới đây nhất là thí điểm lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt của thành phố, chuyển biến rõ rệt nhất có thể thấy là “tình trạng chạy chức chạy quyền giảm một cách rõ rệt”.

Xử lý kỷ luật nhiều cán bộ chủ chốt

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Tình trạng chạy chức chạy quyền giảm rõ rệt
Ảnh: N.M

Hà Nội sẽ xử lý thế nào trước những sai lầm, khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ sau quá trình kiểm điểm vừa qua, chẳng hạn như tình trạng chạy chức, chạy quyền ở một số sở, ngành, đơn vị, thưa ông?

 

Một trong những chuyển biến cảm thấy rõ nét, tức là những người sống trong bộ máy đều thấy được, đó là tình trạng chạy chức chạy quyền giảm một cách rõ rệt, tức là khó chạy rồi chứ không phải dễ như trước

Từ “chạy” thì Nghị quyết T.Ư 4 nói nhiều lắm rồi, nó là biểu hiện của sự sa sút về phẩm chất, đạo đức, lối sống, không chỉ chạy chức, chạy chức là cái chạy lớn nhất, mà còn chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, rồi chạy chỗ... Để khắc phục, quan trọng nhất là chúng ta phải bắt đầu từ những cơ chế, biện pháp chung để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất, hay nói cách khác là những người muốn chạy không thể chạy được. Cái đó mới là biện pháp cơ bản nhất, còn đương nhiên ai vi phạm thì phải xử lý thật nghiêm minh, nếu phát hiện ra, nếu có sai phạm thì không loại trừ xử lý bất kỳ trường hợp nào.

Tôi thấy rằng trong thời gian vừa qua một trong những chuyển biến cảm thấy rõ nét, tức là những người sống trong bộ máy đều thấy được, đó là tình trạng chạy chức chạy quyền giảm một cách rõ rệt, tức là khó chạy rồi chứ không phải dễ như trước. Cái thứ 2 là đánh giá lấy phiếu tín nhiệm vừa rồi làm thí điểm, tới đây sẽ làm hằng năm, cái đó chạy khó lắm chứ, ông làm sao đi xin phiếu được tất cả mọi người? Một tập thể đông như vậy họ đánh giá thì tính khách quan cao hơn và ai đánh giá cao thì không cần chạy cũng được đề bạt, ngược lại tín nhiệm ông thấp thì ông chạy cũng không lên được vì có cấp lãnh đạo nào dám bổ nhiệm người có tín nhiệm thấp? Mình mà bổ nhiệm họ như vậy thì bản thân mình cũng xấu hổ lắm chứ. Tại sao mình lại để cho cái ông thấp (tín nhiệm thấp - PV) như thế làm lãnh đạo? Có thể nói đấy là những biện pháp rất dân chủ và tính giám sát rất cao.

Cụ thể thì các biện pháp mạnh Hà Nội đã thực hiện trong việc chấn chỉnh vi phạm, khuyết điểm của đội ngũ cán bộ, công chức vừa qua như thế nào, thưa ông?

Tôi lấy ví dụ vừa rồi trong quản lý trật tự xây dựng, rất nhiều cán bộ trong lĩnh vực thanh tra xây dựng và chính quyền các cấp bị xử lý kỷ luật, ở quận Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Sở Xây dựng, rồi ở các huyện, những nơi để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng về lĩnh vực xây dựng. Đợt vừa rồi bị xử lý kỷ luật khá nhiều chứ. Hình thức cao nhất thì có người cho hạ chức, thôi chức, còn cảnh cáo và khiển trách thì rất là nhiều. Cũng có những trường hợp lúc làm sai, thật ra cũng có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, sau đó tích cực khắc phục sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm, lập công chuộc tội thì có xem xét mức độ kỷ luật đủ răn đe, nhưng gì chứ đề bạt cất nhắc lên nữa thì chắc khó rồi.

Vừa rồi Ban Tuyên giáo Thành ủy đã điều tra xã hội học về thực hiện cải cách hành chính tại 5 sở, ngành và kết quả khảo sát cho thấy thái độ thiếu quyết liệt của lãnh đạo sở ngành trong thực hiện cải cách hành chính. Hà Nội sẽ xử lý ra sao trước kết quả khảo sát này?

Hôm trước trong phát biểu của tôi về cải cách hành chính đã có nói đến cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Ngoài 3 nguyên nhân khách quan như đã nêu thì cái chủ quan không thể né tránh được, đấy là ý thức, là tinh thần trách nhiệm, là tiêu cực, nhũng nhiễu. Bây giờ phải sửa đồng bộ chứ không thể duy ý chí được, mà cũng không thể sửa từng nơi, từng người cụ thể, đương nhiên ai vi phạm nặng quá, cá nhân nào, tập thể nào ở địa chỉ nào mà vi phạm nghiêm trọng thì nơi ấy phải bị xử lý trước, phải bị xử lý ngay.

Về xử lý kết quả điều tra xã hội học về thái độ các sở ngành địa bàn thành phố, sắp tới Hà Nội sẽ có cuộc họp chuyên đề về vấn đề này. Tất nhiên như tôi nói, phải rất nhiều biện pháp đồng bộ chứ không phải một biện pháp, cả về cơ chế chính sách, tiền lương, kể cả thu nhập, đãi ngộ như thế nào đó cho công bằng, khuyến khích người tốt, đi đôi với chuyện mình xử lý người sai thì người tốt sẽ tốt hơn nữa, người sai thì không dám sai nữa.

17 vụ việc với 116 cán bộ vi phạm

Tại Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sáng qua, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã trình bày dự thảo Báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4. Theo đó, trong năm 2012 Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định luân chuyển và điều động 31 cán bộ, trong đó có 3 phó chủ tịch UBND quận và một số lãnh đạo sở, ngành; đồng thời chỉ đạo xử lý kỷ luật khiển trách và cảnh cáo đối với 7 vị phó chủ tịch UBND quận và phó giám đốc sở, ngành có khuyết điểm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Qua kiểm điểm, Ban Thường vụ thành ủy đã chỉ đạo tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với 4 thành ủy viên là lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.

Thông qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 gắn với việc đánh giá cán bộ, phân loại tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên năm 2012, thành phố đã phát hiện 17 vụ việc với 116 cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm, hiện đang được cấp ủy các cấp chỉ đạo, xem xét xử lý theo quy định.

Bảo Cầm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.