Bị đánh chết sau khi cự cãi với CSGT: Hủy toàn bộ bản án sơ thẩm

28/01/2015 13:21 GMT+7

(TNO) Ngày 28.1, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ 'bị đánh chết sau khi cự cãi với cảnh sát giao thông' để điều tra, xét xử lại.

(TNO) Ngày 28.1, TAND TP.HCM xét xử phúc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vụ “bị đánh chết sau khi cự cãi với cảnh sát giao thông” để điều tra, xét xử lại.

Hai bị cáo đứng nghe tuyên án sáng nayHai bị cáo tại tòa sáng nay
Trước đó (ngày 13.11), TAND quận Tân Phú tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Bằng (37 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) 12 năm tù, Võ Văn Tòng (19 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) 4 năm tù về cùng tội "Cố ý gây thương tích”.

Bị cáo Bằng và Tòng là người trực tiếp gây ra cái chết cho anh Trần Văn Hiền (43 tuổi, ngụ tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM), sau khi thấy anh Hiền cự cãi tổ tuần tra cảnh sát giao thông (CSGT) chốt tại số 512 Lê Trọng Tấn, phường Tân Thạnh, quận Tân Phú.

Sau phiên sơ thẩm, bị cáo Bằng có kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm số tiền bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại. Theo đó, phía gia đình bị hại cũng có kháng cáo đề nghị hủy án điều tra lại.

Nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân?
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại phân tích, 3 cú đấm tay không và 1 cú đánh bằng cùi chỏ vào vùng mặt của nạn nhân gây té ngã (theo kết quả điều tra) và không gây tổn thương bên ngoài (theo kết quả khám nghiệm tử thi) nhưng gây chấn thương sọ não (chảy máu trong) và dẫn đến cái chết cho nạn nhân là không cơ sở y học. Nạn nhân đang đội mũ bảo hiểm làm sao có thể gây chấn thương vùng chẩm, đỉnh đầu theo kết luận pháp y?.
“Tôi nghi vấn có thêm đồng phạm, có hung khí hoặc anh Hiền bị bị cáo Bằng nắm đầu đập vào cột điện tại hiện trường”, luật sư Hưng nói.

Ngoài ra, luật sư Hưng cũng đề nghị các cơ quan tố tụng làm rõ nghi vấn có hay không mối quan hệ trên mức bình thường giữa tổ tuần tra CSGT và hai bị cáo.
Tại tòa, bị cáo Bằng khai, do bất bình khi chứng kiến việc anh Hiền điều khiển xe gắn máy vi phạm luật giao thông, bị CSGT xử phạt còn đứng la lối chửi bới, và đang bực tức vì vợ đòi tự tử trong khách sạn nên bị cáo rủ Tòng đánh Hiền. “Bị cáo chỉ có ý định đánh cảnh cáo nhưng không ngờ anh Hiền chết”, bị cáo Bằng phân bua.

Sau khi nghe vợ anh Hiền trình bày kháng cáo, Hội đồng xét xử (HĐXX) phân tích, không nên quan tâm đến việc ai là người xúi giục hai bị cáo đánh anh Hiền bởi cứ xoay quanh vấn đề này thì vụ án sẽ phức tạp hơn. “Về  mối quan hệ giữa các bị cáo và lực lượng CSGT, Cơ quan điều tra (CQĐT) qua nhiều lần điều tra nhưng không chứng minh được CSGT có tác động đến việc gây án của các bị cáo”, tòa nói.

Theo đó, Viện KSND nhận định, lời khai của bị cáo Bằng mâu thuẫn với lời khai tại CQĐT và không phù hợp với lời khai của nhân chứng. Bản án sơ thẩm xác định, khi nạn nhân bị té ngã ngữa, đập đầu xuống lề đường vẫn đang đội mũ bảo hiểm. Nhưng tại phiên phúc thẩm, Bằng khai không nhớ được thời điểm nạn nhân ngã xuống có đội mũ bảo hiểm hay không, nên không thể xác định được nguyên nhân gây ra cái chết của bị hại. Vì vậy, Viện KSND đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.

Đồng tình với quan điểm của Viện KSND, HĐXX nhận thấy lời khai của bị cáo Bằng ở cấp phúc thẩm có sự mâu thuẫn với bản án sơ thẩm.

HĐXX nhận định, việc xác định nạn nhân ngã xuống đường trên đầu vẫn còn đội mũ bảo hiểm là mâu thuẫn với biên bản khám nghiệm và thực nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, cấp phúc thẩm không thể sửa được, nên tuyên hủy bản án này, chuyển toàn bộ hồ sơ cho Viện KSND quận Tân Phú giao cho CQĐT để điều tra, xét xử lại.

“Chồng tôi chết oan uổng quá”

Chị Nguyễn Thị Thêm (40 tuổi, ngụ quận Bình Tân), là vợ nạn nhân chia sẻ trong nước mắt: “Chồng tôi chết oan uổng quá. Với mức án dưới 20 năm tù thì quá nhẹ cho hành vi của các bị cáo. Chồng tôi không quen biết gì với họ mà họ nỡ ra tay đánh chết chồng tôi, bỏ qua lời van xin, cầu cứu của anh ấy”.

Theo một số người trong gia đình chị Thêm, họ sẽ không nhận bồi thường của gia đình bị cáo cho đến khi cái chết của nạn nhân được sáng tỏ.

“Từ ngày xảy ra vụ án đến nay, cuộc sống gia đình tôi bị đảo lộn và gặp nhiều khó khăn. Nỗi đau mất con vẫn còn nguyên vẹn. Tôi chỉ chờ đợi đến sự công minh của pháp luật”, bà Mã Thị Sáng (72 tuổi, mẹ nạn nhân) nói trong nước mắt.

Bản án sơ thẩm xác định, khoảng 9 giờ tối 9.4.2013, sau khi nhậu với em rể và em ruột, anh Trần Văn Hiền ra về.

Trên đường về, trước bãi xe Thanh Bằng (đường Lê Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), anh Hiền bị CSGT Công an quận Tân Phú yêu cầu dừng xe kiểm tra và lập biên bản giữ xe vì nồng độ cồn trong hơi thở của anh vượt quá giới hạn quy định.

Anh Hiền có hành vi đưa tiền hối lộ cho CSGT xin bỏ qua, nhưng lực lượng làm nhiệm vụ không đồng ý. Bực tức, anh Hiền cự cãi với tổ CSGT này và dọa chụp hình CSGT bằng điện thoại.

Một lát sau, khi đón xe ôm đi được 300 m để về nhà thì anh Hiền bị hai thanh niên lạ mặt (là bị cáo Bằng và Tòng) đuổi theo. Rượt đuổi chừng 500 m, Bằng chặn đầu xe rồi đấm một cái vào mặt anh Hiền.

Anh Hiền xuống xe bỏ chạy vào phía trong lề đường. Bằng đuổi theo, dùng tay tiếp tục đánh vào mặt Hiền 2 cái. Mặc dù anh Hiền xin tha nhưng Bằng vẫn dùng tay trái nắm dây quai mũ bảo hiểm anh Hiền đang đội, dùng cùi chỏ đánh vào mặt làm anh ngã xuống đất. Người lái xe ôm hoảng sợ bỏ chạy, còn anh Hiền nằm bất tỉnh trên đường. Hai thanh niên lên xe SH, rời khỏi hiện trường.

Sau đó, anh Hiền được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong do chấn thương sọ não.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.