Bệnh nhân Việt Nam có thể được ghép tim nhân tạo

05/09/2015 07:27 GMT+7

Giáo sư Alain Carpentier, chuyên gia hàng đầu thế giới về tim mạch có bài giới thiệu tại Viện Tim TP.HCM về công trình nghiên cứu suốt hơn 25 năm của ông - tim nhân tạo toàn diện.

Giáo sư Alain Carpentier, chuyên gia hàng đầu thế giới về tim mạch, hôm qua (4.9) có bài giới thiệu tại Viện Tim TP.HCM về công trình nghiên cứu suốt hơn 25 năm của ông - tim nhân tạo toàn diện. 

Tim nhân tạo Carmat - Ảnh: AFP
Giáo sư (GS) Carpentier không hề xa lạ với người VN. Nhà khoa học Pháp này là người góp công rất lớn trong phát triển ngành phẫu thuật tim mạch tại nước ta. Ông là người đồng sáng lập Viện Tim TP.HCM và từ nhiều năm qua đã lập quỹ để hỗ trợ chi phí mổ tim cho các bệnh nhân nghèo.
Từ thập niên 1980, GS Carpentier đã lập dự án chế tạo thiết bị nhân tạo có nguồn gốc sinh học (sử dụng mô động vật) mô phỏng tim người. Sau đó, ông được sự hỗ trợ của Hãng Matra (nay thuộc Tập đoàn hàng không và quốc phòng EADS) để dẫn đến sự ra đời của Công ty Carmat vào năm 2008.
Do đó, quả tim nhân tạo Carmat mà GS Carpentier thuyết trình cho các thầy thuốc VN vào chiều 4.9 là sản phẩm kết hợp giữa chuyên môn và kinh nghiệm của một chuyên gia tim mạch hàng đầu thế giới với công nghệ và kỹ thuật siêu cấp trong ngành hàng không của EADS. “Tuyệt phẩm y khoa” này sẽ là niềm hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân trên thế giới, bao gồm những bệnh nhân nghèo ở VN.
Hỗ trợ bệnh nhân nghèo VN ghép tim Carmat
Ca ghép tim Carmat đầu tiên - cũng là lần đầu tiên trên thế giới một bệnh nhân được ghép tim nhân tạo toàn diện - thực hiện vào tháng 12.2013 tại Bệnh viện Georges - Pompidou (Paris, Pháp). Các bệnh nhân tình nguyện được ghép thử nghiệm đều có cùng tiêu chí: lớn tuổi (trên dưới 70 tuổi); suy tim giai đoạn cuối, chỉ còn sống được vài ngày hoặc vài tuần; biến chứng ở phổi…
Những người lớn tuổi và bị suy tim dẫn đến biến chứng ở phổi sẽ không thể được ghép tim do người khác hiến tặng nên chắc chắn tử vong nếu không ghép tim nhân tạo. Bệnh nhân đầu tiên sống được thêm 74 ngày. Bệnh nhân thứ 2 tham gia thử nghiệm lâm sàng được ghép vào tháng 8.2014 sống được 270 ngày. Mới nhất, bệnh nhân thứ 3 được ghép tim Carmat ngày 8.4 vừa qua đã xuất viện ngày 3.9, sức khỏe rất tốt sau giai đoạn phục hồi chức năng và được huấn luyện cách sống với tim máy.
Giai đoạn thử nghiệm đầu tiên với 4 bệnh nhân tại Pháp đã gần hoàn tất, giai đoạn tiếp theo, số lượng bệnh nhân sẽ tăng lên 30 người, trong đó dự kiến có nhiều ca ở nước ngoài.
Giáo sư Alain Carpentier giới thiệu về tim nhân tạo tại hội thảo ở Viện Tim TP.HCM - Ảnh: Lan Chi
Theo truyền thông Pháp, tim nhân tạo của Carmat một khi kết thúc thử nghiệm và chính thức được lưu hành trên thị trường, dự kiến sẽ có giá từ 140.000 - 180.000 euro (3,5 - 4,5 tỉ đồng). Đây là cái giá không quá cao đối với các nước phát triển, nhưng với bệnh nhân VN, đặc biệt là những người nghèo thì sao? GS
Carpentier trả lời: “Đối với tôi, sự nghèo khó của bệnh nhân chưa bao giờ là hạn chế của việc thực hiện các thủ thuật can thiệp tim mạch, nếu các thủ thuật này thật sự hiệu quả. Hiện quả tim Carmat vẫn đang trong quá trình thử nghiệm. Ở giai đoạn tiếp theo sẽ có nhiều ca ghép tại nước ngoài, tôi sẽ ưu tiên thực hiện tại những trung tâm tim mạch mà tôi quan tâm. Và nơi mà tôi dành nhiều tình cảm nhất là Viện Tim TP.HCM. Để tình nguyện tham gia thay tim, bệnh nhân cũng phải đáp ứng các yêu cầu như: suy tim giai đoạn cuối, vẫn còn tỉnh táo”.
Ngoài ra, do “phiên bản” hiện tại của tim Carmat nặng khoảng 900 gr, khá lớn nên bệnh nhân cũng cần phải to cao. GS
Carpentier và các cộng sự vẫn tiếp tục nghiên cứu cải tiến để tạo ra tim nhân tạo nhỏ gọn hơn, phù hợp với những bệnh nhân có hình thể nhỏ bé như người châu Á. Theo GS Carpentier, ngay cả khi tim nhân tạo đã chính thức được lưu hành, những bệnh nhân nghèo vẫn có hy vọng được ghép miễn phí tại Viện Tim TP.HCM nhờ vào các quỹ nhân đạo. Hồ sơ có thể gửi cho ông thông qua ban giám đốc của viện này.
GS Carpentier cho biết đã có bài báo cáo về 2 ca ghép tim Carmat đầu tiên vào ngày 31.8 tại Hội nghị tim mạch châu Âu được tổ chức tại London (Anh). Trước đó, nhóm nghiên cứu của ông cũng đã phân tích 2 ca này trên chuyên san y khoa uy tín The Lancet.
Kết quả thử nghiệm rất khả quan: Nhờ có nguồn gốc sinh học nên tim Carmat giúp bệnh nhân hạn chế tối đa tình trạng thải ghép và các biến chứng như huyết khối, huyết tán… Bệnh nhân ngưng dùng thuốc chống đông máu chỉ vài tuần sau khi được ghép tim nhân tạo. Nguyên nhân gây tử vong là vấn đề về điện tử, hiện đã được các kỹ sư của Carmat khắc phục.
VN đầu tư làm thủy tinh thể nhân tạo
Hôm qua, Ban Quản lý khu công nghệ cao TP.HCM trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “Sản xuất thủy tinh thể nhân tạo phục vụ điều trị bệnh đục thủy tinh thể tại VN”, do Công ty cổ phần Nhà máy thiết bị y học và vật liệu sinh học (MEDEP JSC) làm chủ đầu tư. Tổng giá trị đầu tư dự án là 293,370 tỉ đồng (tương đương 13,773 triệu USD). Dự án sẽ khởi công vào tháng 10.2015 và chính thức đi vào hoạt động tháng 10.2016, vận hành đến năm 2019 sẽ đạt 100% công suất thiết kế. Theo ông Đào Thượng Quân, Chủ tịch HĐQT MEDEP JSC, quy mô công suất thiết kế sản xuất tối đa là 250.000 sản phẩm/năm với doanh thu dự kiến hơn 15 triệu USD/năm. Ông Lê Hoài Quốc, Giám đốc Ban Quản lý khu công nghệ cao, cho rằng đây là dự án sản xuất thủy tinh thể nhân tạo đầu tiên tại VN. “Nhu cầu thủy tinh thể trong nước rất lớn nhưng lâu nay chúng ta đều nhập khẩu. VN hiện có hơn 300.000 bệnh nhân (nhu cầu 600.000 thủy tinh thể) cần mổ thay thủy tinh thể mỗi năm nên ý nghĩa, giá trị, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn theo công nghệ cao mà dự án mang lại là rất lớn.
Ng.Nga
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.