Bao nhiêu cho đủ ?

23/12/2012 03:15 GMT+7

Tập đoàn điện lực VN (EVN) nói rằng, các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50 kWh/tháng sẽ không bị tác động do giá điện bậc này vẫn giữ nguyên (993 đồng/kWh). Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng sẽ chỉ tăng chi 6.600 đồng/tháng...

Tính toán này của EVN không sai nhưng chưa đủ  họ mới chỉ tính toán tác động trực tiếp (tiền điện phải trả hằng tháng), trong khi việc tăng giá điện sẽ tạo ra hiệu ứng tăng giá cộng hưởng và hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sẽ là người bị tác động mạnh nhất.

Cũng giống như hồi đầu năm, lần tăng giá điện này của EVN được cho là khá “đột ngột”. Dường như đã được rút kinh nghiệm từ một số lần đề nghị tăng giá không thành, EVN chỉ chọn cách tăng giá 5% để khỏi phải trình Chính phủ (chỉ cần trình Bộ Công thương). Cộng cả 2 lần tăng giá trong năm nay, mức tăng hơn 10% (so với đề xuất tăng hơn 13% bị Chính phủ bác hồi cuối năm ngoái), chưa đạt kỳ vọng nhưng quan trọng là đỡ lùm xùm, tránh được sự chú ý của dư luận.

Các năm trước, mỗi khi đề nghị tăng giá điện, EVN đều nại lý do giá thấp, kinh doanh lỗ. Nhưng kết quả kiểm toán năm 2011 cho thấy kinh doanh điện của EVN không hề lỗ, thậm chí nếu tính đúng còn có thể giảm 34 đồng/kWh. Còn khoản lỗ hơn 20.000 tỉ hoàn toàn là do đầu tư ngoài ngành (bất động sản, viễn thông, chứng khoán...), hệ quả từ sự quản lý yếu kém của EVN.

Và lý do mà Chính phủ không đồng ý cho EVN tăng giá điện hồi cuối năm ngoái như nói ở trên là: Chính phủ không cho phép tăng giá để bù đắp đầu tư ngoài ngành (Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh trả lời báo chí bên hành lang QH tháng 10.2011).

Thế nhưng, trên thực tế EVN đã quyết tăng giá để bù lỗ cho những năm trước. Thế nên mới có chuyện năm 2012, EVN công bố lãi 4.500 tỉ mà giá điện vẫn tăng như đã biết. Và với kế hoạch bù đủ lỗ trong vòng 5 năm, hứa hẹn giá điện sẽ còn tiếp tục tăng. Người tiêu dùng đang phải trả tiền cho sự quản lý tồi tệ và những quyết định đầu tư thiếu trách nhiệm của lãnh đạo EVN.

Nền kinh tế hiện vẫn trong giai đoạn khó khăn, người dân phải thắt lưng buộc bụng, doanh nghiệp đang tìm cách giảm giá thành để thúc đẩy nhu cầu mua sắm, nên việc EVN tăng giá điện giống như dội một gáo nước lạnh vào những nỗ lực của toàn xã hội. Điều này quá xa lạ sứ mệnh của một tập đoàn nhà nước như EVN là đầu tàu kinh tế, điều phối thị trường.

Đầu tư không đúng chức năng, làm thất thoát tài sản của nhà nước thì trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo EVN, phải bỏ tiền túi ra mà đền. Không thể và không nên bù các khoản lỗ bằng cách tăng giá điện, đánh vào người tiêu dùng.

Điện cũng giống như xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu khác, doanh nghiệp bán bao nhiêu thì người dân phải chấp nhận mua bấy nhiêu, không có quyền mặc cả. Giải quyết vấn đề của ngành điện không còn là chuyện bức xúc của người tiêu dùng với hóa đơn điện hằng tháng mà là đòi hỏi về một cơ chế cạnh tranh minh bạch và vận hành hiệu quả tiền đầu tư của nhà nước, vốn là tiền đóng thuế của dân.  

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.