Bảo hiểm hưu trí tự nguyện 'cứu' quỹ bảo hiểm xã hội khỏi nguy cơ vỡ quỹ

30/07/2014 19:00 GMT+7

(TNO) Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo 'Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động' do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 30.7

(TNO) Đó là ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo 'Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động' do Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức ngày 30.7. 

 
Tham gia BHHTTN người LĐ sẽ có thêm nguồn thu nhập khi về hưu - Ảnh: N.Thắng

Thêm nguồn thu nhập cho người lao động

Trước cảnh báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) vào năm 2034, để khắc phục tình trạng mất cân đối thu - chi của Quỹ BHXH, tránh nguy cơ vỡ Quỹ BHXH, theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, việc triển khai hình thức Bảo hiểm hưu trí tự nguyện (BHHTTN) được cho là một trong những giải pháp nhằm giảm gánh nặng của quỹ BHXH, tăng an sinh xã hội cho người dân.

“Mọi tầng lớp nhân dân có thể tự tham gia, đóng góp, giúp có thêm nguồn thu nhập ổn định khi đến tuổi về hưu. Ngoài ra, dòng vốn từ các quỹ hưu trí sẽ được tái đầu tư trở lại nền kinh tế, góp phần cho sự phát triển chung của nền kinh tế”, ông Lộc nói.

Theo các chuyên gia, loại hình BHHTTN sẽ phát triển song song cùng với loại hình BHXH, bổ sung trụ cột vào hệ thống hưu trí đơn lẻ hiện nay, giúp cải cách hệ thống hưu trí Việt Nam dần trở thành hệ thống đa trụ cột, đem lại sự bền vững cho hệ thống hưu trí. Ông Phạm Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay, với đại đa số người lao động (NLĐ), hưu trí cơ bản (BHXH hiện nay) là nguồn thu nhập duy nhất. Trong khi, hầu hết các nước, hưu trí cơ bản không được coi là nguồn thu nhập hưu trí duy nhất. Tại Thái Lan, hưu trí cơ bản chiếm 60% tổng thu nhập người nghỉ hưu, Pháp chiếm 20-25% và Mỹ 58%. Trong khi, BHHTTN chiếm 20% tổng thu nhập người nghỉ hưu ở Thái lan, chiếm 55-60% ở Pháp và 30% ở Mỹ.

Ông Giang cho rằng, với lực lượng lao động hơn 58% dân số, đến năm 2020, con số này là gần 62% người Việt Nam đang có cơ cấu “dân số vàng”, đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện BHHTTN. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng để thực hiện BHHTTN đã sẵn sàng với 46 công ty quản lý quỹ, 9 ngân hàng có chức năng giám sát, các tập đoàn, doanh nghiệp bảo hiểm. Do đó nên thực hiện càng sớm càng tốt vì việc trì hoãn sẽ làm cho việc đảm bảo cuộc sống người nghỉ hưu khó khăn hơn.

Ông Giang phân tích: “Tham gia quỹ BHTTTN lợi ích của NLĐ được cải thiện, giúp NLĐ tiết kiệm chi tiêu lúc trẻ để dành cho tuổi già, đảm bảo cho cuộc sống hưu trí không phải phụ thuộc vào con, cháu và phúc lợi xã hội của nhà nước; giúp đa dạng hóa và cải thiện lương hưu cho NLĐ khi nghỉ hưu, giảm rủi ro phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ hưu trí cơ bản; giảm gánh nặng cho các thế hệ lao động kế cận. Đặc biệt, thông qua việc quản lý bằng tài khoản cá nhân, NLĐ có thể biết rõ thu nhập tương lai của mình, từ đó thúc đẩy động lực tiết kiệm. thiết kế đa tầng, đan xen và hỗ trợ nhau cũng như dễ dàng chuyển đổi”.

Đóng, hưởng linh hoạt

Ông Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban phản biện chính sách Hội đồng các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ, thủ tục BHXH hiện nay rất nhiêu khê và phiền hà, ngoài ra yêu cầu NLĐ phải có hợp đồng lao động nên đối tượng tham gia còn khiêm tốn. Việc triển khai sớm BHHTTN sẽ khắc phục những hạn chế. Xét về lợi ích lâu dài, theo ông Vũ Xuân Tiền, đây sẽ là biện pháp thu hút nhân tài, giữ chân NLĐ. Loại hình bảo hiểm này có tác động trực tiếp tới quyền lợi cá nhân của NLĐ, với cơ chế thông thoáng, quyền lợi được hưởng được rộng hơn. Đồng tình ý kiến trên, theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, BHHTTN còn tạo ra sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa nghĩa vụ đóng góp và quyền lợi được hưởng, cũng như sự lựa chọn quyết định của người tham gia bảo hiểm. 

Theo tính toán của các chuyên gia, nếu nam giới 40 tuổi, đóng góp 2 triệu đồng/tháng (1 triệu đồng từ doanh nghiệp - 1 triệu đồng từ NLĐ) trong vòng 20 năm, tính cả khoản đầu tư gốc, các khoản thuế được hoãn và miễn, cộng lãi đầu tư, khách hàng sẽ thu về 1,018 tỉ đồng. Đối với doanh nghiệp, một doanh nghiệp có 200 nhân viên, khoản đóng góp vào chương trình BHHTTN là 12 triệu đồng/mỗi nhân viên/năm và với thuế thu nhập doanh nghiệp 22% sẽ tiết kiệm được 528 triệu đồng/năm.

 

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên triển khai chương trình BHHT, ông Phạm Anh Đức, Chủ tịch hội đồng tư vấn công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sun Life, cho biết chương trình chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn đầu tích lũy trước tuổi về hưu, các khoản đóng góp sẽ được chuyển vào tài khoản hưu trí cá nhân. Người tham gia sẽ được hưởng quyền lợi lãi tích lũy trên giá trị tài khoản của mình. Các chuyên gia đầu tư sẽ sử dụng khoản tiền này đầu tư vào các kênh đầu tư đã được Nhà nước cho phép. 

Khi đến tuổi về hưu, chương trình chuyển sang giai đoạn chi trả. Người tham gia lúc này sẽ được nhận quyền lợi hưu trí theo lựa chọn hàng tháng, quý, năm theo nhu cầu tài chính của mình. Tài khoản hưu trí cá nhân lúc này vẫn tiếp tục được sinh lãi hàng tháng.

Ưu điểm vượt nổi bật của loại hinh này là thời gian, số tiền đóng và hưởng linh hoạt. Trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, NLĐ không còn làm việc tại doanh nghiệp đó, NLĐ hoàn toàn có thể tiếp tục đóng bảo hiểm với tư cách cá nhân. Đây là bảo hiểm dài hạn, nên NLĐ phải tham gia cho đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, NLĐ cũng có thể tạm dừng hợp đồng trong một thời gian nào đó. Nếu chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp có tham gia đóng bảo hiểm, thì NLĐ có thể yêu cầu chuyển hợp đồng đóng bảo hiểm sang đơn vị mới với chi phí không đáng kể.

“Nếu người mua bảo hiểm chẳng may qua đời, giá trị tài khoản tích lũy không mất đi mà sẽ được chuyển toàn bộ cho người thụ hưởng - người có tên thừa kế trong hợp đồng. Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ căn cứ trên yêu cầu trên hợp đồng đã được để thực hiện. Còn nếu không có thừa kế thì xử lý theo luật pháp”, ông Đức Anh nói.  

Theo đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện (HTTN) tại Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 144/2014 ngày 20.1.2014, đến năm 2020, có khoảng 400 - 500 doanh nghiệp, với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí, hoặc đóng góp vào các Quỹ HTTN theo hình thức ủy thác đầu tư. Đến năm 2020, doanh số tích lũy của các Quỹ HTTN để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, thị trường chứng khoán khoảng 10.000 - 12.000 tỉ đồng. Dự kiến trong quý 1/2015, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quỹ hưu trí bổ sung theo mô hình ủy thác.

Thu Hằng

>> Đừng xem xét tăng giảm độ tuổi lao động chỉ vì sợ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội
>> Thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội
>> Quỹ Bảo hiểm y tế: Đi vay để chi trả
>> Bội chi quỹ bảo hiểm y tế trên 37 tỉ đồng
>> Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đang bị “rút ruột”
>> Cần triển khai nhanh Quỹ bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp­­­­

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.