'Báo chí chính thống luôn trong tâm thế đuổi theo mạng xã hội'

07/08/2015 19:25 GMT+7

(TNO) “Báo chí bỏ mặc cho thông tin trôi nổi không rõ đúng sai trên mạng xã hội. Còn chúng ta, vẫn phải chờ đợi một quyết định theo kiểu làm báo của mấy thập niên trước”, Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamplus Lê Quốc Minh bày tỏ.

(TNO) “Đáng ngạc nhiên là dường như cơ quan quản lý không tìm ra một giải pháp bền vững nào và dường như chúng ta luôn trong tình thế đuổi theo mạng xã hội. Báo chí bỏ mặc cho thông tin trôi nổi không rõ đúng sai trên mạng xã hội. Còn chúng ta, vẫn phải chờ đợi một quyết định theo kiểu làm báo của mấy thập niên trước”.
dai-hoi-nha-baoKhai mạc Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 10 - Ảnh: Ngọc Lành
Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamplus Lê Quốc Minh bày tỏ băn khoăn trên khi phát biểu tại Đại hội lần thứ 10 - Hội Nhà báo Việt Nam vừa khai mạc sáng nay 7.8, tại Hà Nội. 
Không thể để báo chí tự bươn chải
Theo các đại biểu dự đại hội, hiện nay người làm báo được tạo môi trường thuận lợi để hành nghề và phát triển. Tuy nhiên, cơ chế thị trường cũng làm cho người làm báo rất khó khăn để tự chiến thắng mình và để có những tác phẩm báo chí đặc sắc phản ánh đúng hiện thực xã hội và nhịp thở cuộc sống.
Trong tham luận gửi tới đại hội, đại diện Liên chi hội nhà báo Ban Tuyên giáo T.Ư nhận định: “Môi trường xã hội hiện nay đang chứa đựng nhiều mâu thuẫn và nhiều điều nghịch lý, làm cho môi trường báo chí dễ nảy sinh chủ nghĩa cá nhân và những tư tưởng lệch lạc. Không ít các nhà báo bị dao động, cám dỗ, thậm chí sa ngã. Nhiều cơ quan báo chí, nhiều tờ báo và nhiều người làm báo đã chạy theo lợi nhuận, hiếu kỳ, câu khách vì sự mưu sinh của họ. Hệ lụy là, ít có những tác phẩm báo chí vừa đạt được cả tính hấp dẫn, vừa đạt được cả tính chiến đấu, tính thuyết phục cao. Đã có nhiều nhà báo, tổng biên tập bị kỷ luật, cách chức; nhiều tờ báo phải chịu xử phạt nặng nề”.
Đại diện Liên chi hội nhà báo Ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh, nếu không giải quyết được nghịch lý trên, không chỉ bản thân nhà báo mà cả sự nghiệp báo chí nước nhà khó có thể thoát ra khỏi những hạn chế trong ít nhất 5 năm, 10 năm tới.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tồn tại trong hoạt động báo chí, theo nhà báo Nguyễn Tiến Mạnh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh, Tổng biên tập báo Quảng Ninh, các cấp hội chưa thật sự chủ động phối hợp chỉ đạo đổi mới hoạt động báo chí, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, đến rèn luyện, đào tạo đội ngũ hội viên, còn tư tưởng khoán trắng cho các cơ quan báo chí. “Chúng ta “dễ dãi” trong thành lập, in ấn các tác phẩm báo chí, trong quản lý tòa soạn. Với số lượng khổng lồ các cơ quan báo chí, các ấn phẩm báo chí chúng ta đang chấp nhận tình trạng “cái gì cũng đăng” “viết kiểu gì cũng đăng”.
Bỏ mặc thông tin trôi nổi không rõ đúng sai trên mạng
Không chỉ chịu sự tác động của nền kinh tế thị trường, hoạt động báo chí hiện nay còn chịu sự cạnh tranh gay gắt của mạng xã hội trong kỷ nguyên số. Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamplus Lê Quốc Minh cho hay, từ các vụ việc được coi là “nhạy cảm” như sự cố máy bay cho đến những vụ việc trong cuộc sống hàng ngày như tai nạn giao thông, hỏa hoạn, tội phạm…, sau khi sự việc xảy ra, hình ảnh đã có đầy trên mạng xã hội. Trong khi thông tin chính thức phải chờ đợi, thậm chí chờ đến một vài ngày.
“Đáng ngạc nhiên là dường như cơ quan quản lý không tìm ra một giải pháp bền vững nào và dường như chúng ta luôn trong tình thế đuổi theo mạng xã hội. Báo chí bỏ mặc cho thông tin trôi nổi không rõ đúng sai trên mạng xã hội. Còn chúng ta, vẫn phải chờ đợi một quyết định theo kiểu làm báo của mấy thập niên trước”. Hậu quả nghiêm trọng hơn khi mạng xã hội đăng tải thông tin sai lệch mà báo chí chính thống không phản ứng kịp thời hoặc quá chậm”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ di động cũng như truyền thông xã hội, trên thế giới đã xuất hiện xu hướng tòa soạn “social-first” (coi mạng xã hội là nền tảng ưu tiên để đăng tải thông tin) và đi cùng với nó là báo chí xã hội. Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể tách rời của báo chí hiện đại. Mạng xã hội một thời bị coi là kẻ thù của báo chí, nhưng ở một khía cạnh nào đó cũng là bạn. Đây là một thực tế không thể chối bỏ và không có cách gì thay đổi. Ông Minh nhìn nhận, truyền thông xã hội là một công cụ tuyệt vời cho các nhà báo với điều kiện sử dụng một cách đúng đắn.
Đồng quan điểm trên, thiếu tướng Phạm Văn Miên, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Bộ Công an, Tổng biên tập Báo Công an nhìn nhận: mạng xã hội đã làm thay đổi cách làm báo truyền thống và gây áp lực cho hoạt động tác nghiệp của phóng viên. Với sự bùng nổ của thông tin trên mạng xã hội, mạng xã hội tạo ra thách thức lớn cho báo chí. Một nhà báo sẽ trở nên lạc hậu “quê mùa” trong vòng xoáy thông tin nếu không tự đổi mới.
Trong bối cảnh báo chí trong nước và thế giới đang có những thay đổi sâu sắc về nhiều mặt, ông Hà Minh Huệ nhấn mạnh: “Những nội dung thảo luận tại đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do đại hội đề ra sẽ có ý nghĩa thiết thực góp phần thúc đẩy nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp; chủ động hội nhập với báo chí khu vực và thế giới, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc Việt Nam”.
Đại hội lần thứ 10 - Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 7 - 9.8. Tham dự có 503 đại biểu là những nhà báo ưu tú, tiêu biểu thay mặt cho hơn 22.000 hội viên nhà báo thuộc 63 Hội nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 Chi hội trực thuộc trong cả nước. Đại hội sẽ tập trung thảo luận, xây dựng, hoàn thiện báo cáo chính trị; thảo luận, xem xét sửa đổi bổ sung Điều lệ Hội và bầu ra Ban chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh chủ chốt của Hội trong nhiệm kỳ khóa 10.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.