Bàn cách “cứu” môi trường làng nghề

08/11/2011 00:49 GMT+7

Tại phiên thảo luận về nội dung chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) sáng 7.11, nhiều ĐBQH tập trung mổ xẻ nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm làng nghề kèm theo đề xuất các biện pháp cấp bách để giải cứu...

 

Người dân ở làng nghề đối mặt với ô nhiễm - ảnh: Ngọc Thắng

Dân làng nghề giảm 10 năm tuổi thọ vì ô nhiễm

Trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề, Ủy ban TVQH dẫn lại báo cáo môi trường quốc gia năm 2008 với những con số đáng lo ngại: Ở một số làng nghề có mức độ ô nhiễm cao thì tuổi thọ trung bình của người dân giảm, thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn 5 - 10 năm so với làng không làm nghề.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường năm 2008, tại các làng sản xuất, tái chế kim loại, tỷ lệ người mắc các bệnh liên quan đến thần kinh, hô hấp, ngoài da, điếc và ung thư chiếm tới 60% dân số; tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, bệnh phụ khoa chiếm chủ yếu với 13 - 38%, bệnh về đường tiêu hóa chiếm từ 8 - 30%, bệnh viêm da chiếm từ 4,5 - 23%, bệnh đường hô hấp chiếm từ 6 - 18%, bệnh đau mắt chiếm từ 9 - 15%…

ĐB Thân Đức Nam (Đà Nẵng) nhấn mạnh: Theo đánh  giá của Ngân hàng Thế giới, VN có thể chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên đến 5,5% GDP trong 1 năm.

Đánh giá lãnh đạo qua chỉ số môi trường

ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) so sánh: Chúng ta dường như quan tâm nhiều đến dự án tỉ USD, trăm triệu USD của các nhà đầu tư mà không quan tâm vai trò nhà nước trong việc hỗ trợ tổ chức sắp xếp để làm sao làng nghề truyền thống có thể phát huy được và gắn truyền thống với hiện đại để hội nhập và phát triển. Bóng dáng nhà nước với vai trò "bà đỡ" cho làng nghề phát triển dường như rất ít. Theo ĐB Lịch, “nếu làng nghề phát triển thì mới giải quyết được vấn đề giảm dần việc di cư chuyển từ nông thôn ra đô thị, áp lực đô thị hóa”.

Hưởng ứng việc cần quy hoạch lại tổng thể làng nghề trong cả nước, ĐB Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) nói thêm: Nhà nước cần đầu tư cơ sở hạ tầng về xử lý rác thải, sau đó bàn bạc với các chủ doanh nghiệp, với chủ sản xuất cơ sở để thu phí sau khi hoàn thiện hệ thống chung xử lý thải chung cho cả làng nghề đó.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đề nghị quy định trách nhiệm rõ ràng cho người đứng đầu các cơ quan đơn vị, địa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng như bổ sung tiêu chí thực thi hiệu quả chính sách bảo vệ môi trường vào các tiêu chí đánh giá cán bộ thời gian tới.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.