Áp thấp lại mạnh lên thành bão

20/07/2010 00:34 GMT+7

Chiều qua 19.7, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát đã có cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão T.Ư để triển khai các biện pháp đối phó với bão số 2, khắc phục hậu quả cơn bão số 1.


Bản đồ dự báo đường đi của bão số 2 - Nguồn: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Xử lý nghiêm ngư dân cố tình không vào bờ tránh bão

Ông Phát nói: "Đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 1 tại các tỉnh tôi thấy vẫn còn tình trạng chủ tàu cố ý ở lại ngoài biển, thậm chí bất chấp mưa gió vẫn ra biển vào lúc bão đang vào để rồi bị đắm tàu. Nhiều chủ lồng bè buộc người làm công ăn lương ở lại chòi canh khi bão đổ bộ trong khi bản thân lại vào bờ trú tránh. Người lao động vì miếng cơm manh áo mà chấp nhận hiểm nguy, thậm chí một số còn chống đối lực lượng chức năng để ở lại chòi canh". Theo ông Phát, cần phải có hình thức xử lý phù hợp đối với những người không chấp hành chỉ đạo của Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão các cấp, gây hậu quả nghiêm trọng để răn đe, ngăn chặn các hành vi tương tự tái diễn. "Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn tiến hành rà soát ngay văn bản pháp quy liên quan để có cơ sở pháp lý xử lý những đối tượng này", ông Phát chỉ đạo.

Về thiệt hại do cơn bão số 1 gây ra, đại diện Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, tính đến chiều qua vẫn còn 16 ngư dân của Quảng Ngãi bị mất tích tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão T.Ư, mưa bão cũng đã làm tốc mái 628 ngôi nhà tại Quảng Ninh và Hải Phòng; 43 tàu bị đắm và vỡ, 21 lồng bè bị hư hỏng; 42.505 ha lúa của nông dân các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định bị ngập, hư hại…

Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục tìm kiếm cứu nạn 16 ngư dân và các tàu bị nạn của tỉnh Quảng Ngãi tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa, khắc phục nhanh các sự cố và thiệt hại về điện, thu dọn cây xanh bị đổ, giải tỏa giao thông, khôi phục sản xuất. Các tỉnh Ninh Bình, Thái Bình và Nam Định khẩn trương bơm tiêu úng cứu lúa vụ hè thu.

Bão số 2 hoành hành trên biển Đông

Hôm qua 19.7, sau khi vượt qua đảo Luzong (Philippines) vào biển Đông, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão. Đây là cơn bão số 2 trong mùa mưa bão năm nay ở nước ta, có tên quốc tế là Chanthu. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, hồi 19 giờ cùng ngày, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,6 độ vĩ bắc; 116,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 490 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và còn tiếp tục mạnh thêm.

Lúc 19 giờ tối nay 20.7, bão số 2 mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 - cấp 12, tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ vĩ bắc; 114,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 200 km về phía đông đông bắc. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và còn có khả năng mạnh thêm. Khoảng 19 giờ ngày mai 21.7, tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 120 km về phía đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 12, cấp 13. Sau đó, bão giữ nguyên hướng di chuyển, rồi đổ bộ vào bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) với cường độ mạnh cấp 9, cấp 10.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía đông quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Theo ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, diễn biến của bão số 2 sẽ còn phức tạp, chưa thể khẳng định liệu bão có ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta hay không bởi cơn bão số 1 cách đây vài ngày cũng ở vị trí tương tự như vậy, những tưởng nó đổ bộ vào Trung Quốc nhưng cuối cùng chỉ sạt qua phía nam Hải Nam và đổ bộ vào miền Bắc nước ta.

Tại cuộc họp chiều qua, ông Cao Đức Phát yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương thông báo cho tàu thuyền biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng biển nguy hiểm trong 24 giờ tới (được xác định là phía bắc vĩ tuyến 13). Trong đó, các tỉnh, thành phố ven biển từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa rà soát lại và nắm chắc thông tin về từng tàu thuyền đang hoạt động trên biển, đặc biệt cần khẩn trương yêu cầu các tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động trong khu vực quần đảo Hoàng Sa vào bờ để đảm bảo an toàn. Ông Phát lưu ý, các địa phương phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, đồng thời phải giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ tàu thuyền, duy trì lực lượng thường trực tìm kiếm cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Báo cáo nhanh của Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 18 giờ chiều qua, đã liên lạc và thông báo cho 190.266 người trên 42.298 tàu, thuyền biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động về bờ hoặc di chuyển đến nơi an toàn. Trong đó, hiện còn 110 tàu với 1.407 ngư dân đang hoạt động ở khu vực nguy hiểm (quần đảo Hoàng Sa) và chưa liên lạc được với 21 tàu/624 ngư dân của Quảng Nam.

Quang Duẩn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.