Ai dễ dãi để người tiêu dùng bị lừa?

05/03/2011 00:04 GMT+7

Không chỉ bị lừa gạt qua việc mua các sản phẩm quảng cáo (SPQC) trên truyền hình, mà người tiêu dùng cũng bức xúc: tại sao lại để các công ty bán hàng quảng cáo không trung thực như thế?

 

 Kem làm trắng, trang phục giúp eo thon, ngực nở được quảng cáo rầm rộ trên các kênh truyền hình cáp - ảnh: T.Tùng

Nhà đài nói "duyệt" rất kỹ

Nhằm làm rõ về quy trình tiếp nhận, xử lý quảng cáo SP trên truyền hình, PV Thanh Niên đã có buổi làm việc với ông Lê Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm truyền hình cáp - Đài truyền hình TP.HCM (HTVC) - một trong những đơn vị có phát sóng quảng cáo một số SP mà chúng tôi đã đề cập trong những ngày vừa qua.

Ông Hùng cho biết: “Việc tiếp nhận các SPQC trên truyền hình, nếu thuộc lĩnh vực mỹ phẩm, thuốc men thì phải có các giấy phép tiếp nhận quảng cáo của cơ quan y tế. Sở Y tế TP là đơn vị duyệt kịch bản nội dung quảng cáo những SP có liên quan đến lĩnh vực quản lý của y tế. Còn đối với những SP tiêu dùng thì phải có giấy chứng nhận của Chi cục 3 - Cục Quản lý chất lượng. Nếu có đầy đủ giấy tờ duyệt nội dung quảng cáo của một trong hai cơ quan trên thì chúng tôi mới tiếp nhận quảng cáo. Nói chung, một SP khi quảng cáo trên HTVC thì phải được sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Điển hình, đối với một số SPQC mỹ phẩm, thì nội dung kịch bản, lời bình quảng cáo SP đều được Sở Y tế TP.HCM duyệt đóng dấu xác nhận hẳn hoi”.

Ông Hùng cũng khẳng định thêm: “Khi tiếp nhận quảng cáo một SP nào đó, chúng tôi làm rất bài bản và có cơ sở. Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép đầy đủ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là những SP liên quan đến y tế, chứ không phải DN đưa gì chúng tôi cũng đưa lên sóng. Tất cả đều được thực hiện đúng quy trình, thủ tục”.

Riêng phía nhà đài SCTV chúng tôi có liên lạc nhiều lần, nhưng người có trách nhiệm cho biết đang bận họp nên không gặp được.

Thế nhưng…

Nhà quản lý chuyên ngành ở đâu?

“Vấn đề không chỉ đơn giản ở việc "mất một mớ tiền" mà người tiêu dùng đã bị lừa gạt trắng trợn với sự vô tình (hay cố ý) giúp sức của một số… bộ phận. Những nhà quản lý chuyên ngành ở đâu mà để các công ty nhập về toàn những thứ vớ vẩn rồi quảng cáo láo, nâng lên thành SP “số 1” để lừa bịp, móc túi người tiêu dùng công khai như thế?”, một bác sĩ ở TP.HCM bức xúc.

Thanh Tùng

Thực tế cho thấy không hoàn toàn như nhà đài nói. Bằng chứng là hai mặt hàng “dây chuyền vàng nano” và viên “kim cương nhân tạo” của Công ty TNHH một thành viên trang sức Ngọc Bích (địa chỉ: 128F Phạm Văn Hai, P.3, Q.Tân Bình, TP.HCM). Công ty này đã lừa dối khách hàng, quảng cáo thổi phồng sự thật trong thời gian dài (Thanh Niên đã phản ánh) nhưng vẫn được phát sóng. Hồ sơ nhập khẩu hai mặt hàng nói trên (xuất xứ từ Trung Quốc) có ghi rõ vòng đeo cổ bằng kim loại (bằng kim hoàn giả) chứ không phải “vòng đeo cổ vàng nano”. Đáng nói hơn, kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thì “dây chuyền vàng nano” thực chất chỉ có đồng, kẽm…chứ không hề có vàng, và “kim cương nhân tạo” như người bán thông tin đó chỉ là đá zirconia thuộc cấp thấp nhất - với chỉ vài chục ngàn đồng/viên 2 cara.

Nếu nói làm đúng quy định như ông Lê Đức Hùng vậy thì tại sao, với hai SP trên, không có cơ quan nào chứng nhận “vàng nano” hay “kim cương nhân tạo”, mà đài vẫn tiếp nhận và để cho công ty thổi phồng? Ngoài HTVC thì SCTV và một số đài tỉnh cũng phát rôm rả cho các SP “lừa dối” này.

Ngoài hai mặt hàng trên, thì với một số mặt hàng mỹ phẩm… công ty bán hàng phải đăng ký nội dung kịch bản quảng cáo ở Sở Y tế. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì Sở Y tế TP.HCM đã từng có công văn gửi HTVC và SCTV (Công ty TNHH truyền hình cáp SaigonTourist) yêu cầu nhà đài ngưng phát sóng vì nội dung quảng cáo trên đài không đúng với nội dung công ty đã đăng ký với cơ quan y tế. Cụ thể, gần đây nhất là trong năm 2010, Sở Y tế đã 2 lần ra công văn gửi SCTV và HTVC yêu cầu ngưng phát sóng 4 loại SP rao quảng cáo không đúng với những gì đã xin phép, đó là: SP viên nang WII aFgF; WII Navores; SP nhuộm tóc Biohair Solution (đều của Công ty TNHH MTV Siêu, Q.Tân Bình, TP.HCM), và SP kem làm trắng da Super yuna BB Cream của Công ty CP mua sắm Hạnh Phúc (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Hoặc một loại mỹ phẩm được quảng cáo “nổ” rằng: “mỹ phẩm chỉ định trang điểm cho các hoa hậu” - công ty bán SP không hề đăng ký nội dung này với Sở Y tế, nhưng kênh SCTV vẫn cho phát sóng!

Ngoài ra, Sở Y tế còn gửi cho các công ty bán SP, và nhiều cơ quan chức năng khác.

 

Vàng nano dỏm và một mắt vàng bị đen xì sau khi hơ lửa - ảnh: T.Tùng

Câu chữ gây ngộ nhận

Qua kiểm chứng một số SP mỹ phẩm phải đăng ký nội dung kịch bản quảng cáo tại Sở Y tế TP.HCM, chúng tôi thật bất ngờ khi nhận thấy, ngay trong kịch bản được Sở Y tế duyệt nội dung lời rao quảng cáo trên truyền hình cũng có những câu chữ rất dễ khiến người tiêu dùng ngộ nhận. Chẳng hạn, kịch bản quảng cáo của mỹ phẩm Super yuna BB Cream có những câu chữ được duyệt như “SP này là “tứ đại thiên vương...”; hay có mỹ phẩm thì được duyệt rao: “một giọt có thể giải quyết vấn đề về da”; hoặc “chỉ cần một giọt chăm sóc toàn bộ”… Một cán bộ của Sở giải thích: “Trong thực tế, có những SP mà các DN “nổ” chung chung như cụm từ “tứ đại thiên vương” thì cơ quan chức năng rất khó buộc, cấm họ không được dùng, vì không có điều luật nào cấm; hoặc họ dùng những câu từ thêm vào để “lách” mà cơ quan chức năng cũng khó bắt được như “có thể” giải quyết vấn đề về da”... “Nhiều lúc chúng tôi rất căng thẳng với DN. Vì có DN hỏi, luật không cấm thì tại sao Sở không cho? Chẳng hạn như việc các công ty sử dụng hình ảnh trước và sau khi dùng SP - chi tiết này ở thuốc thì không được, nhưng ở mỹ phẩm thì chưa có quy định cấm”, một cán bộ phụ trách về mỹ phẩm của Sở Y tế thanh minh.

Nhóm PV CT – XH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.