500.000 m3 nước sạch/ngày biến mất

18/04/2015 09:00 GMT+7

Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), tỷ lệ thất thoát nước trên địa bàn TP.HCM tính đến cuối năm 2014 là 33,5%, tức 500.000 m3 mỗi ngày.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), tỷ lệ thất thoát nước trên địa bàn TP.HCM tính đến cuối năm 2014 là 33,5%, tức 500.000 m3 mỗi ngày. 
Ống nước sạch bể ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM khiến nước tràn lênh láng trên đườngỐng nước sạch bể ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM khiến nước tràn lênh láng trên đường
Theo các chuyên gia, tỷ lệ thất thoát nước 33,5% là rất cao, có thể thuộc hàng top thế giới, vì tỷ lệ này ở phần lớn các quốc gia chỉ 5 - 7%. Ngay trong nước, tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu tỷ lệ thất thoát nước hiện chỉ còn 8%.
Hàng tỉ đồng trôi xuống đất mỗi ngày
Chuyên gia giao thông, TS Phạm Sanh cho rằng để tỷ lệ thất thoát nước cao như vậy trách nhiệm chính thuộc về Sawaco và những cấp có trách nhiệm cao hơn là Sở GTVT, UBND TP. Ông Sanh đề nghị phải làm rõ hiệu quả các dự án giảm thất thoát nước đã và đang thực hiện, nhất là các dự án có vốn ODA, bên cạnh giải pháp mở rộng xã hội hóa, kêu gọi chuyên gia đóng góp giải pháp. “Không thể để tình trạng mỗi ngày lượng nước sạch thất thoát tương đương công suất một nhà máy nước được”, ông Sanh nói.
Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM, nhìn nhận Sawaco đã có những cố gắng nhất định trong việc kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước tại TP.HCM từ trên 40% trước đây xuống còn 33,5% như hiện nay. Thế nhưng, “mỗi ngày có đến nửa triệu m3 nước sạch, tương đương hàng tỉ đồng trôi xuống lòng đất là một sự lãng phí không nhỏ (giá nước thấp nhất Sawaco đang bán cho khách hàng trong định mức 4 m3/người/tháng là 5.300 đồng/m3, ngoài định mức 11.000 đồng/m3 - PV). Chỉ cần giảm được 1% lượng nước sạch thất thoát là đủ cung cấp nước cho 1 phường ở TP”, ông Khoa nói.
Mỗi ngày có đến nửa triệu m3 nước sạch, tương đương hàng tỉ đồng trôi xuống lòng đất là một sự lãng phí không nhỏ. Chỉ cần giảm được 1% lượng nước sạch thất thoát là đủ cung cấp nước cho 1 phường ở TP
Ông Đặng Văn Khoa, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM
Dân phải gánh chịu
TS Ngô Hoàng Văn, Hội Nước và môi trường TP.HCM, cho rằng tỷ lệ thất thoát nước cao chứng tỏ hiệu quả của hệ thống cấp nước thấp. Việc đầu tư giảm thất thoát nước là hết sức cần thiết, nhưng đầu tư thế nào để mang lại hiệu quả thực sự là vấn đề cần làm rõ, phải giám sát chặt chẽ, phải xây dựng lại đội ngũ quản lý. “Tại hội thảo chuyên đề cấp nước do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức vào tháng 1.2015, đề án tăng giá nước phải tạm gác lại vì các đại biểu không đồng ý khi tỷ lệ thất thoát nước quá cao. Nhiều đại biểu đề nghị ra nước ngoài tham khảo tại sao tỷ lệ thất thoát nước của họ thấp còn TP lại cao chót vót. Thế nhưng, theo tôi không cần đi nước ngoài làm gì cho tốn kém, vì ngay trong nước là tỉnh Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu tỷ lệ thất thoát nước hiện chỉ còn 8%. Tôi cho rằng hiệu quả của dự án chống thất thoát nước tại TP.HCM do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vừa qua không đạt yêu cầu”, ông Văn nói.
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP.HCM, nhận định: “Tỷ lệ thất thoát nước càng cao thì dẫn đến giá nước sinh hoạt càng cao và cuối cùng người dân là đối tượng gánh chịu. Muốn giảm thất thoát nước, trước hết phải xác định rõ nguyên nhân để khắc phục”. Mới đây, trong buổi giám sát tại Sawaco, Phó chủ tịch HĐND TP Trương Thị Ánh cũng yêu cầu đơn vị này phải có lộ trình giảm thất thoát nước cụ thể, tập trung nguồn lực đầu tư mới hệ thống đường ống để giảm tối đa nguồn nước sạch bị thất thoát. Theo bà Ánh, tuy tỷ lệ thất thoát nước có giảm qua từng năm nhưng hiện vẫn còn ở mức trên 30% là quá cao, điều này không những gây lãng phí mà còn là nguyên nhân tác động làm tăng giá nước.
Phải kéo giảm thất thoát nhanh hơn
Một cán bộ thuộc Sawaco “than” có hàng trăm nguyên nhân khiến lượng nước sạch bị thất thoát cao như trên. Chẳng hạn hệ thống cấp nước của TP.HCM có đến 500.000 - 600.000 mối nối, trong khi ở các đô thị khác số lượng mối nối không quá 100.000; do nhiều đơn vị thi công đào đường lắp đặt, sửa chữa công trình hạ tầng kỹ thuật làm xì, bể ống gây thất thoát nước... Bên cạnh đó, ông này cũng nhìn nhận có nguyên nhân yếu kém trong quản lý.
Trong khi đó, một kỹ sư cấp nước đang làm việc tại đơn vị trực thuộc Sawaco phân tích nguyên nhân chính khiến thất thoát nước tại TP.HCM quá cao là phần lớn hệ thống ống quá cũ kỹ, được xây dựng cách nay hơn 30 năm, nhiều đường ống bằng thép, gang, bê tông được xây dựng từ thời Pháp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP không chung một đầu mối quản lý thống nhất, chưa có bản đồ công trình ngầm. Bên cạnh đó, hệ thống ống cấp nước chưa được bố trí lối đi riêng, độc lập với các loại ống khác như điện, cáp... Nhiều ống cấp nước đang bị cống thoát nước đè lên hoặc đi lồng vào nhau nên khi thi công các công trình khác, ống cấp nước rất dễ bị hở, bể. Nhiều trường hợp gian lận trong quá trình sử dụng nước của một số khách hàng, thi công gian dối, vật tư kém chất lượng... ở các dự án cấp nước khiến đường ống cấp nước mau chóng xuống cấp. TP.HCM hiện có hơn 3.350 km đường ống, trong đó có tới 700 km đường ống cũ kỹ, chưa kể 3.500 km đường ống lẻ nối với các hộ dân.
Nhiều khu vực không có nước sạch, dân phải đi mua từng can về dùng - Ảnh: Diệp Đức MinhNhiều khu vực không có nước sạch, dân phải đi mua từng can về dùng - Ảnh: Diệp Đức Minh
Tuy nhiên, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: “Nếu thất thoát nước do lỗi thiết bị (đường ống cũ kỹ, rò rỉ…) thì rõ ràng 100% lỗi do công ty cấp nước. Các công ty cấp nước không thể chỉ muốn thu tiền nước mà vẫn sử dụng ống cũ, mục, thu tiền mà không phục vụ khách hàng. Còn nếu do khách hàng gian lận thì suy cho cùng cũng thuộc trách nhiệm của Sawaco và các công ty kinh doanh trực thuộc, bởi anh kinh doanh phải có trách nhiệm của chủ thể kinh doanh. Sawaco không thể lấy tiền của người thật thà để bù cho khoản tiền nước thất thoát do người gian lận”.
Sawaco đặt mục tiêu đến năm 2025 kéo giảm nước thất thoát xuống còn 25%, mỗi năm kéo giảm 1 - 2%. Giải pháp ưu tiên hàng đầu của Sawaco là phân vùng, tách mạng bằng cách thiết lập các DMA, tức là chia nhỏ nhiều khu vực với quy mô từ 1.000 đến 3.000 đồng hồ nước để kiểm soát. Sawaco cũng sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như hệ thống quản lý mạng lưới cấp nước trên cơ sở ứng dụng GIS; trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật phục vụ giảm thất thoát nước và quản lý mạng lưới như: thiết bị dò tìm rò rỉ, định vị GPS; đẩy mạnh thay thế đường ống cũ, mục... Theo ông Đặng Văn Khoa, để kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống thấp hơn và lộ trình nhanh hơn, HĐND TP và UBND TP.HCM cần quan tâm hơn nữa công tác này. Sawaco cần thành lập các bộ phận chuyên trách giải quyết vấn đề thất thoát nước. Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín khẳng định tình trạng thất thoát nước luôn là mối quan tâm lớn của TP. “Trong tuần tới TP sẽ họp bàn với các sở ngành để có phương án hữu hiệu sớm khắc phục tình trạng này”, ông Tín nói.
Cần 68.000 tỉ đồng đầu tư hệ thống cấp nước
Theo phê duyệt của Chính phủ về quy hoạch phát triển mạng lưới cấp nước tại TP.HCM, cần kinh phí khoảng 68.000 tỉ đồng để TP thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới cấp nước đến năm 2025. Trong đó, ưu tiên đầu tư xây dựng Nhà máy nước Thủ Đức 3, Tân Hiệp và mạng lưới cấp nước khoảng 15.000 tỉ đồng. Mục tiêu đến năm 2015, 100% dân cư khu vực nội thành cũ và 98% nội thành mới, khu vực ngoại thành được sử dụng nước sạch. Đến năm 2025, toàn bộ dân cư TP.HCM được sử dụng nguồn nước sạch. TP cũng sẽ ưu tiên phát triển mạng lưới đường ống giảm thất thoát nước, cải tạo, nâng cấp đường ống chuyển tải cấp 1, 2, 3.
Đ.M
Hàng nghìn hộ dân khát nước sạch
Trong khi 500.000 m3 nước sạch mất đi mỗi ngày thì rất nhiều khu vực tại TP.HCM không có nước sinh hoạt. Chẳng hạn, gần 3.000 hộ dân ngụ tại khu dân cư ấp 2, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh nhiều năm nay hoàn toàn không có nước sạch. Năm 1999, chủ đầu tư khu dân cư là Công ty CP xây dựng Bình Chánh (BCCI) đã đầu tư giếng ngầm cho cả khu dân cư. Đã 15 năm trôi qua, nguồn nước ngầm tại đây do bị khai thác cạn kiệt nên ngày càng thiếu hụt, vào mùa khô càng khan hiếm và kém chất lượng. Nhà cửa tại đây bị sụt lún nghiêm trọng do khai thác nước ngầm. Trong khi đó, khu vực này đã có tuyến ống cấp nước đường kính 350 mm của Sawaco đi qua QL50. Đã có rất nhiều kiến nghị của người dân yêu cầu được cấp nước sạch của hệ thống cấp nước TP nhưng đều không kết quả, do chủ đầu tư từ chối hợp tác với đơn vị cấp nước.
Tại P.Long Phước, Q.9, hiện còn trên 200 hộ dân, tập trung tại KP.Trường Khánh, vẫn chưa có nước sạch. Hàng trăm hộ dân ngụ hẻm 567 Lê Văn Khương, P.Hiệp Thành, Q.12 hàng chục năm nay phải xài nước giếng nhiễm phèn dù đường chính Lê Văn Khương đã có ống nước. Người dân đã nhiều lần làm đơn đề nghị đơn vị cấp nước nhưng không được giải quyết...
Đ.M
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.