36 năm Ngày thống nhất đất nước: Nghe mẹ nói chuyện hòa bình

30/04/2011 01:01 GMT+7

Với những mất mát của mình, Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè có quyền kể về những đau thương mà cuộc chiến đã gây ra, nhưng bà đã dành nhiều thời gian hơn để nói về hòa bình.

 

Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè

Tôi đến thăm bà Bùi Thị Mè vào chiều hôm qua, với chủ đích là được nghe kể về chiến tranh, để hiểu thêm về cuộc chiến, những hy sinh của thế hệ cha anh. Nhưng dự định của tôi đã bị phá sản, một bức tranh chiến tranh mà tôi muốn tái hiện, một dự định kể lại truyền thống chiến đấu cho lớp trẻ đã nhanh chóng nhường chỗ cho câu chuyện về hòa bình của bà. Chuyện chiến tranh, có chăng, cũng chỉ để tôn vinh giá trị hòa bình.

Nỗi lòng người mẹ

Cô nói với ông Zumwalt rằng: nước tôi nhỏ bé, dân tôi yêu chuộng hòa bình, nhưng không hiểu sao hàng ngàn năm qua luôn bị nước khác gây chiến. Cuộc chiến của chúng tôi trước người Mỹ là để đạt được hòa bình, không phải vì chúng tôi thích chiến tranh

Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè

“Khi nghe ba đứa con hy sinh gần như cùng lúc hồi năm 1968, cô đã sụp đổ, cứ nghĩ rằng chắc mình bỏ cuộc thôi. Nhưng rồi cô tập trung sức lực, lùa nước mắt vào tim”, bà Mè hồi tưởng. Bà tự ý thức rằng, trên dải đất Việt Nam này, hàng ngàn năm trôi qua, với hằng bao nhiêu cuộc chiến tranh vệ quốc, những bà mẹ đều chịu những nỗi đau đứt ruột khi tiễn con ra chiến trường để rồi không bao giờ được đón con trở về. Giờ đây, đến lượt bà, bà cũng phải hy sinh như bao bà mẹ khác. Ý thức ấy đã giúp bà không ngừng chiến đấu cho đến ngày hòa bình, và đến hôm nay, khi đã ngoài 90, bà vẫn không ngơi nghỉ. “Các con cô từng hứa sẽ chiến đấu vì sự nghiệp thống nhất, đến khi hòa bình, sẽ đem hết sức ra xây dựng đất nước. Các con chỉ mới hoàn thành vế đầu, nên cô phải làm công việc còn lại”, bà giải thích.

Bà nhớ lại những ngày mới thống nhất, sau đêm đầu tiên “mừng không thể nào nhắm mắt”, là “một nỗi buồn âm thầm xâm chiếm tâm hồn”. Nỗi buồn ấy chính là, bà đã “bước đi cùng với bốn con, khi về chỉ còn có một”. Nhưng giữa những nỗi đau còn lại của quá khứ, bà vẫn phải sống cho hiện tại, cho những gì đang diễn ra xung quanh. Đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh dài và ác liệt. Khi thời khắc đầu tiên của hòa bình đến, cũng là lúc người ta cần chung tay tái thiết, để hướng tới một tương lai tươi đẹp hơn. Bà làm công tác từ thiện, xã hội, từ hội phụ nữ tới hội chữ thập đỏ. Trong những ngày mới thống nhất, chính bà, sau khi nghe ông Võ Văn Kiệt kể về hoàn cảnh của ông Dương Văn Minh, đã tìm tới nhà ông Minh với đề nghị sẻ chia khó khăn, “hạt muối cắn đôi nghe anh Minh”.

Hàn gắn vết thương chiến tranh

Quyết định nghỉ hưu vào năm 1979 đã không khiến bà dừng chân. Mỗi ngày, bà vẫn tham gia các hội đoàn từ thiện, và đặc biệt, công việc mà bà coi như là sứ mệnh của mình là trò chuyện, trao đổi với các nhà sử học nước ngoài, nói chuyện tại trường đại học, các tổ chức và thậm chí tại công ty đa quốc gia. Bà nói về cuộc chiến tranh trong quá khứ, để từ đó nhấn mạnh giá trị của hòa bình, bà nói về việc áp dụng kinh nghiệm lãnh đạo trong chiến tranh vào lãnh đạo doanh nghiệp. “Phải nói cho họ hiểu rằng dân mình tốt lắm, rất yêu chuộng hòa bình. Phải nói cho họ hiểu rằng mình đâu có thích chiến tranh và chiến tranh gieo đau khổ lên mọi người dân. Cô không nói chuyện chính trị, chỉ kể chuyện của nước mình và của bản thân. Những câu chuyện thực tế ấy rất có tác dụng”.

Nhớ lại cuốn Chân trần, Chí thép của cựu chiến binh Mỹ James G.Zumwalt, trong đó dành hai chương viết về bà và gia đình bà với một thái độ đầy khâm phục, tôi hỏi: “Tác giả Zumwalt thừa nhận rằng trong lần đầu tiên gặp các cựu chiến binh VN vào năm 1994, trong lòng ông ấy vẫn còn nhiều thù hận. Còn với bà, trong lòng bà như thế nào khi lần đầu tiên gặp ông ta, con trai của người đã ra lệnh rải chất độc da cam tại Việt Nam?”. “Cô bảo ông ta rằng: tôi thấu hiểu nỗi đau của những bà mẹ Mỹ mất con trên chiến trường. Chúng tôi là những bà mẹ mất con và nỗi đau của chúng tôi cũng như nhau. Có khác chăng, là con chúng tôi ngã xuống vì thống nhất đất nước, mang lại tự hào cho chúng tôi. Con của các bà mẹ Mỹ đã ngã xuống trong một cuộc chiến đen tối của nước Mỹ. Cô biết cha ông Zumwalt đã làm gì đối với Việt Nam thời chiến tranh. Nhưng cô không thù hận. Chiến tranh qua rồi, mình không nên coi người ta là kẻ thù, rồi chửi bới người ta”.

Nhưng vì đâu bà quyết định chia sẻ câu chuyện của mình cho ông ta? “Nói để cho người Mỹ hiểu về người Việt Nam mình, về động cơ chiến đấu ngày trước cũng như thiện chí bây giờ. Cô nói với ông Zumwalt rằng: nước tôi nhỏ bé, dân tôi yêu chuộng hòa bình, nhưng không hiểu sao hàng ngàn năm qua luôn bị nước khác gây chiến. Cuộc chiến của chúng tôi trước người Mỹ là để đạt được hòa bình, không phải vì chúng tôi thích chiến tranh”. Bà muốn qua câu chuyện của mình, người Mỹ sẽ hiểu hơn về những khổ đau, mất mát mà chiến tranh gieo lên đầu người dân thường, để từ đó hiểu hơn giá trị của hòa bình. Và ông Zumwalt đã bị thuyết phục bởi tấm lòng nhân hậu và cởi mở của bà.

Bà còn nói về việc hàn gắn sau những mất mát và chia rẽ do chiến tranh gây nên: “Đừng có vỗ ngực xưng mình là người chiến thắng. Nếu mình đến với họ bằng cả tấm lòng thì những ai còn lấn cấn, mắc mớ gì rồi cũng hiểu. 

Đến giờ thì nỗi đau mất con vẫn trầm tích trong cơ thể người mẹ đã gần 100 tuổi này. Nhưng trong nỗi đau ấy, còn có niềm tự hào về những hy sinh cho công cuộc thống nhất đất nước. “Lòng mẹ có đau nhưng tự hào về các con”, bà đã viết như thế trong hồi ký. Rồi bà kể: “Cô treo hình các con trên tường. Cô hình dung các con vẫn còn sống, cùng tham gia sinh hoạt gia đình”. Mỗi dịp đến ngày đất nước thống nhất và nhiều dịp khác, bà lại tới nghĩa trang, cắm lên mộ con những đóa hồng màu trắng, rồi tâm sự với các anh.

Bà mải mê kể, chỉ đến khi đồng hồ điểm 16 giờ, gợi nhắc cho bà cuộc hẹn tiếp một nhà xã hội học người Mỹ, bà mới ngừng lại. Tôi chia tay bà, và từ bậu cửa, bà lại cười, một nụ cười thật thanh thản.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn sau những đau thương. Đất nước lại đứng lên sau cơn đau. Và bà mẹ anh hùng này cũng thế, vẫn đứng vững sau những đau thương của quá khứ, như những nhánh cây rừng vẫn nảy mầm sau chiến tranh bom đạn, như tâm sự của chính bà khi rời chiến khu ở Lộc Ninh lúc đất nước vừa thống nhất: “Cảm ơn thiên nhiên bất khuất với những cây trơ cành vì bom đạn, lại nảy lộc đâm chồi tiếp tục sống làm đẹp rừng xanh”.

Một trái tim nhạy cảm như thế, thật khó hình dung, cũng là một trái tim thép - như cách nói của tác giả Zumwalt.

 

Cựu chiến binh Mỹ Zumwalt bày tỏ sự trân trọng đối với Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè - Ảnh: Diệp Đức Minh

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.