20 năm bước tiến Việt-Mỹ - Kỳ 3: Cờ đỏ sao vàng ở Đại học Harvard năm 1992

08/07/2015 05:26 GMT+7

GS-TS Ngô Như Bình, giảng viên cao cấp Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, Đại học Harvard (Mỹ), là một trong những người trực tiếp cảm nhận những biến chuyển trên con đường kéo gần 2 nước Việt - Mỹ.

GS-TS Ngô Như Bình, giảng viên cao cấp Khoa Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á, Đại học Harvard (Mỹ), là một trong những người trực tiếp cảm nhận những biến chuyển trên con đường kéo gần 2 nước Việt - Mỹ.

>> 20 năm bước tiến Việt - Mỹ: Kỳ 2: Song trùng lợi ích
>> 20 năm bước tiến Việt - Mỹ: 'Không có 2 nước nào nỗ lực hơn'

GS-TS Ngô Như Bình đã gắn bó với công tác giảng dạy tiếng Việt hơn 20 năm qua tại Đại học Harvard	- Ảnh: NV cung cấp
GS-TS Ngô Như Bình đã gắn bó với công tác giảng dạy tiếng Việt hơn 20 năm
 qua tại Đại học Harvard - Ảnh: NV cung cấp
Trao đổi với PV Thanh Niên nhân dịp kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ VN - Mỹ, GS-TS Ngô Như Bình đã chia sẻ những câu chuyện thú vị.
Câu chuyện cờ đỏ sao vàng
Ông cho biết trong số 8 trường đại học danh giá nhất nước Mỹ (thường được gọi là nhóm Ivy League), thì 4 trường có chương trình tiếng Việt là Yale, Cornell, Columbia và Harvard. Bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á của Harvard giảng dạy 4 thứ tiếng là tiếng Việt, Nhật, Hàn Quốc và tiếng Hoa. Tiếng Việt cũng là ngôn ngữ Đông Nam Á duy nhất được dạy tại Harvard.
GS-TS Ngô Như Bình chính thức nhận công tác tại Bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á với vai trò là trợ giảng vào cuối tháng 8.1992. Lần đầu tiên bước vào khu nhà của bộ môn, một người Mỹ tự giới thiệu là đồng nghiệp và hỏi ông có phải là giảng viên tiếng Việt mới, người Hà Nội hay không. Vị giáo sư đồng nghiệp tỏ vẻ hồ hởi nói: “Khi còn là sinh viên và sau khi tốt nghiệp, tôi luôn có mặt trong các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh VN”. Lúc đó, GS-TS Ngô Như Bình trả lời: “Người VN chúng tôi biết ơn những người bạn Mỹ như ngài đã góp phần kết thúc cuộc chiến tranh đúng ra không nên có” và vị giáo sư kia trả lời ngay: “Đúng, cuộc chiến tranh lẽ ra không nên có”.
Sau đó khoảng 2 tháng, trong lúc đi ngang qua sân trường, GS Bình hết sức ngạc nhiên pha lẫn vui mừng khi thấy cờ đỏ sao vàng của VN bay phất phới bên cạnh cờ Mỹ phía bên trên bức tượng ông John Harvard. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi vào thời điểm đó (cuối năm 1992), Mỹ vẫn còn duy trì lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào VN và 2 bên mới đang chập chững những bước thăm dò cho quá trình bình thường hóa quan hệ.
“Lẽ ra phải làm từ lâu”
Đối với GS Bình, giảng dạy tiếng Việt không đơn thuần là dạy ngôn ngữ mà còn đưa người học đến với văn hóa, lịch sử, đất nước con người VN cũng như quan hệ nhiều duyên nợ với Mỹ. Ông kể: “Chủ điểm chiến tranh VN, hay như tôi nói với sinh viên rằng người VN gọi đó là cuộc chiến tranh chống Mỹ, là một chủ đề gây hứng thú và tranh luận. Tôi không chỉ giới thiệu cách nhìn của phía VN mà còn giới thiệu những cách nhìn khác. Chẳng hạn như tôi cho sinh viên xem phim tài liệu Từ trong nòng súng (From the Barrel of a Gun) do người Mỹ làm năm 1994. Bộ phim có cảnh ngày lễ Độc lập 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng chụp ảnh với mấy sĩ quan thuộc Cục Tình báo chiến lược Mỹ và người dân Hà Nội cầm cờ Mỹ tuần hành trên quảng trường Ba Đình.
Sinh viên thấy rõ vào năm 1945 người VN đã hy vọng vào Mỹ như thế nào trong việc ngăn thực dân Pháp trở lại. Hay sinh viên xem bộ phim Người Mỹ trầm lặng dựa theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Anh Graham Greene và đã viết bài rất hay về sai lầm của người Mỹ khi bắt đầu can thiệp vào VN từ đầu những năm 1950”.
GS Bình cũng nhớ như in thời điểm 30.4.1994 khi Tổng thống Bill Clinton ký thành luật về gỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với VN. Ông kể một giáo sư khác đã vui vẻ chúc mừng: “Hôm nay, Mỹ vừa mới bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế chống VN. Đây là một việc làm đúng, lẽ ra phải làm từ lâu rồi”. Đấy là chuyện cách đây hơn 20 năm. Mới đây, GS-TS Ngô Như Bình trao đổi với một đồng nghiệp Mỹ: “Tôi rất mừng là Mỹ và Cuba đã chính thức nối lại quan hệ ngoại giao”. Người đồng nghiệp trả lời: “Đúng ra Mỹ phải làm việc này từ lâu”.
“Ở đây có 3 điều tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh: thứ nhất là có rất nhiều người Mỹ đầy thiện ý với VN và những nước như Cuba. Thứ hai là họ rất có trách nhiệm với các vấn đề xã hội và thứ ba là các đại học Mỹ rất độc lập về mặt chính trị. Một giáo sư đại học có quyền phát biểu ý kiến riêng về các vấn đề chính trị xã hội và chịu trách nhiệm với những lời phát biểu của mình”, GS-TS Bình chia sẻ.
GS-TS Ngô Như Bình cho biết tiếng Việt đã bắt đầu được giảng dạy tại Đại học Harvard từ năm 1971, nhưng chưa có chương trình chính thức. Mỗi khi có sinh viên đăng ký học tiếng Việt, trường thuê một sinh viên cao học hoặc nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Việt giảng dạy.
Từ năm 1980, khi còn là nghiên cứu sinh ngành ngôn ngữ học của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, ông đã bắt đầu giảng dạy môn tiếng Việt và ngôn ngữ học tại Đại học Lomonosov Moscow. Đến năm 1992, GS Bình qua Mỹ dạy trong 3 tháng hè tại Học viện Đông Nam Á (SEASSI) thuộc Đại học Washington ở thành phố Seattle.
Trong thời gian này, ông tiếp tục nộp đơn vào Đại học Harvard và trở thành trợ giảng năm học 1992 - 1993. Đến năm 1994, Đại học Harvard chính thức thành lập chương trình tiếng Việt tại Bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á. GS-TS Ngô Như Bình trở thành giảng viên trong biên chế, phụ trách chương trình từ đó đến nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.