Chính phủ dự thảo 11 nhiệm vụ trọng tâm 2023

Mai Hà
Mai Hà
03/01/2023 11:17 GMT+7

Chính phủ vừa báo cáo dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách, cải thiện môi trường kinh doanh , nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Sáng 3.1, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành trong cả nước, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã trình bày tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự hội nghị

nhật bắc

Theo dự thảo Nghị quyết, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có nhiều thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn như: hậu quả đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tiếp tục ở mức cao; kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại; một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế.

Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Xử lý 6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ

Với bối cảnh, ý nghĩa của năm 2023, dự thảo Nghị quyết xác định 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với 142 nhiệm vụ.

Trong đó, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài đã được Bộ Chính trị cho chủ trương (6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Ngân hàng Phát triển Việt Nam…); tiếp tục xây dựng, hoàn thiện phương án xử lý đối với 4 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả còn lại để trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.

Tập trung ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.

Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu, chú trọng khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái trình bày tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ

nhật bắc

Tiếp tục quản lý, điều hành chặt chẽ giá các hàng hóa quan trọng, dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước định giá, nhất là giá điện, xăng dầu, hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, thao túng, tăng giá bất hợp lý; có giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Đặc biệt, tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, không để dịch chồng dịch; tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm

Dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và tình trạng công chức, viên chức xin nghỉ việc.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tinh giản biên chế theo Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị; trình cấp có thẩm quyền thành lập các đơn vị hành chính đô thị; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị và chính quyền cấp xã.

Sớm hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, thực hiện hiệu quả Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo tinh thần năm 2023 là "Năm dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới".

Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu nâng hạng các chỉ số về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh đến năm 2025; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên kết vùng và hạ tầng đô thị lớn.

Bảo đảm tiến độ đầu tư, xây dựng các công trình nguồn điện, lưới điện trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn để đưa các dự án nguồn điện lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định từ năm 2023...

Triển khai Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm, có giải pháp xử lý các vướng mắc của các dự án sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để đưa các nguồn lực vào phát triển.

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; nâng cao năng lực hệ thống, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; nâng cao năng lực điều trị của tất cả các tuyến; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, giá dịch vụ y tế.

Các đại biểu tham dự hội nghị sáng 3.1

nhật bắc

Tập trung triển khai Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược; củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.

Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...

Box: Chính phủ xác định chủ đề điều hành của năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành như sau:

Một là, bám sát Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết chuyên đề, các kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Hai là, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nhưng cũng không hoang mang, dao động; luôn bình tĩnh, tự tin, bản lĩnh, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành giật cục.

Ba là, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án thích ứng hiệu quả.

Bốn là, đồng bộ, thống nhất và quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài, vừa kịp thời ứng phó hiệu quả với những vấn đề cấp bách, bất ngờ.

Năm là phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Sáu là, tiếp tục củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.