Chim rừng từng ngày sập bẫy

22/12/2012 10:39 GMT+7

Bẫy chim trở thành nghề kiếm sống của một số người.

Theo chân đoàn để bẫy chim, các “thầy” (thợ săn chim” căn dặn không được quay phim, chụp hình vì sợ lộ bí quyết, với lại đây là nghề “không hay ho gì”, trước sau cũng bị cấm!

Chim rừng từng ngày sập bẫy
Chim cu đất dính bẫy

Chim mồi, lưỡi bẫy

 

Định giá chim

Kết thúc một chuyến đi bẫy, trên xe máy các thầy treo lủng lặng nhiều loại chim. Số chim này, các thầy đem về phân loại để bán cho các cửa hàng chim. Một thầy cho biết: “Giá chim thì bất thành văn, phụ thuộc vào người mua. Người yêu chim mua nuôi chơi, thường chọn chim bình dân, biết hót, dễ nuôi. Người nuôi với mục đích “chọi chim cá độ” thì thích chim khỏe mạnh, nhanh nhẹn, mỏ và móng nhọn, sắc. Những tay nuôi thuần dưỡng chuyên nghiệp, họ chọn nuôi chim quý, có giọng hót đặc biệt. Đối với chích chòe lửa, độ dài của đuôi chim tỷ lệ thuận với giá tiền, đuôi càng dài giá tiền càng cao (chim mới săn về có đuôi dài 20cm giá 500-700 ngàn đồng/con, nhưng khi đã thuần dưỡng lại 2-3 triệu đồng/con).

Đoàn thợ săn chim đến từ H.Bến Cát (Bình Dương) tới H.Bù Đăng và Bù Gia Mập (Bình Phước) để bẫy chim. Thợ săn tên H. chỉ nghề: “Ở vùng đất này, một số loại chim quý hiếm có giá bán cao rất trên thị trường như chích chòe lửa, chào mào, cu đất... Để bắt được chúng không hề đơn giản chút nào, cần có công nghệ săn bắt tinh vi và tốn nhiều công sức, thời gian (trung bình 3 ngày đến 1 tuần/chuyến đi), nhưng ngược lại có lời vài triệu đồng”.

Đi cùng đoàn, thợ săn T. cho biết: “Chim rừng bị đuổi bắt nhiều nên bây giờ tinh ranh lắm. Trong chuyến đi cần mang nhiều loại lưới, lồng bẫy, chim mồi, radio phát tiếng chim… để bắt chim trên những vùng đất mình đi qua. Muốn bẫy thành công, chúng tôi còn nghiên cứu kỹ đặc tính của từng loài chim rừng, từ đó có biện pháp dụ chim, nếu không chuyến đi công cốc”. Theo các “thầy”, lưới bẫy chim thường là lưới có nguồn gốc sản xuất từ Trung Quốc mới đa dạng chủng loại và bén chim. Lưới có nhiều khổ khác nhau, từ 10x20m đến 100x200m. Còn chim mồi thì phải đủ bộ, gặp chim rừng nào là có loại tương ứng gài bẫy ngay.

Chia sẻ về đặc tính của chim rừng, một thầy trong nhóm nói: “Mỗi cặp chim thường trú ngự ở những khu rừng nhất định. Chích chòe than thường sống thành cặp ở ven rừng hoặc các quả đồi; khi bị một cặp chim khác xâm phạm lãnh địa, chúng lập tức đến xua đuổi. Chim cu đất đi kiếm ăn theo bầy ở những vùng đất trống (rẫy mì/sắn mới thu hoạch, cánh đồng vừa gặt xong). Hiểu được đặc tính các loài, sau khi xác định khu vực chúng cư trú, việc bắt chỉ còn là thời gian”.

Tập kích chim rừng

Theo quan sát của chúng tôi, khi phát hiện cặp chích chòe lửa đậu trên ngọn cây cao, các thầy lập tức dàn trận. Một chiếc lồng có chim mồi được đặt cạnh khóm cây đó. Chú chim mồi nhảy nhót, hót líu lo. Nhưng ngay lập tức im tiếng khi thầy chim búng ngón tay. Một thầy chim khác ẩn nấp trong bụi rậm gần đó, rồi bật đài lên. Ít phút sau, cặp chích chòe lửa từ đâu bay lại đậu trên lồng, đòi “ăn thua” với chú chim mồi và lập tức bị sập bẫy.

Bẫy thành công cặp chích chòe lửa, các thầy lại dẫn đi bẫy đàn cu đất. Xác định khoảng bãi đất mì (sắn) mới thu hoạch xong và có vài chú chim cu đất ve vãn gần đó. Như lập trình sẵn, các thầy không cần bàn tính, mỗi người một việc. Hai thầy căng bẫy (Bẫy cu đất được làm bằng lưới dù, hai đầu tấm lưới được cố định bởi hai thanh gỗ, ở hai đầu lưới khác được cố định bởi hai sợi dây thừng: Một đầu buộc cố định, còn đầu kia có một thầy điều khiển để giật dây -PV). Một thầy khác đem chim mồi (đã được may mù hai mắt, chân cột dây) đặt ở giữa 2 cánh lưới. Chim mồi nhảy nhấp nhới, đàn chim cu rừng sà xuống theo. Các thầy liền giật dây, làm sập 2 cánh lưới, đàn chim đè dí xuống đất.

 Bài, ảnh: Nhật Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.