Châu Âu vật lộn vì thiếu hụt nhân sự ngành điện ảnh bổ sung cho Hollywood

Đỗ Tuấn
Đỗ Tuấn
25/11/2021 10:17 GMT+7

Hollywood đổ xô đến châu Âu làm phim điện ảnh , truyền hình trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát khiến khu vực này trở thành một điểm thu hút không thể cưỡng lại đối với những gã khổng lồ phát trực tuyến do được giảm thuế.

Tuy nhiên, giờ đây, một số công ty sản xuất phim có thể phải bỏ ra nhiều hơn những gì họ có thể thu về vì châu Âu - một trong những trung tâm điện ảnh lớn nhất thế giới, đã có một bước nhảy vọt kỷ lục trong lĩnh vực kinh doanh phim và truyền hình với doanh thu khoảng 1 tỉ USD trong năm nay.

Họ, giống như nhiều đồng nghiệp trên toàn cầu, đang vật lộn để tìm đủ nhân viên có trình độ bắt kịp với chứng “thèm ăn” vô độ của các “ông lớn” như Netflix, Amazon, Apple cạnh tranh với nhau để cung cấp những bộ phim mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong mùa đại dịch khi mà nhiều rạp chiếu phim bị đóng cửa trên khắp thế giới.

Diễn viên Rosamund Pike tham dự buổi ra mắt loạt phim của Amazon The Wheel of Time ở London (Anh) ngày 15.11.2021

REUTERS

Ngay cả Korda Studios của Hungary, gã khổng lồ trong lĩnh vực sân khấu với dàn âm thanh lớn nhất thế giới, cũng nói với Reuters rằng họ đang tập trung vào ít phim hơn để duy trì chất lượng. Korda Studios đang nhập khẩu máy quay phim và các đội xây dựng phim trường từ các quốc gia như Slovakia, Romania, Croatia.

Các công ty sản xuất khác đang thuê nhân viên ít kinh nghiệm hơn và trong một số trường hợp từ chối hoàn toàn những dự án phim mới, theo các cuộc phỏng vấn với một số giám đốc điều hành và công nhân trong ngành.

Những thách thức ở châu Âu bắt đầu phát sinh, nơi gần đây tổ chức quay bộ phim khoa học viễn tưởng Dune và loạt phim giả tưởng The Wheel of Time của Amazon, phản ánh sự thiếu hụt công nhân sản xuất lành nghề trên khắp thế giới, từ Hollywood đến Queensland. Jonathan Olsberg, chủ tịch điều hành của công ty tư vấn ngành công nghiệp điện ảnh Olsberg SPI có trụ sở tại London (Anh) nói: “Đây là một vấn đề toàn cầu cơ bản và chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự này trong nhiều năm tới”.

Trung Âu từ lâu cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân sự lành nghề thuộc ngành công nghiệp điện ảnh. Thị trường lao động eo hẹp - ví dụ như tỉ lệ 2,8% công nhân điện ảnh thạo việc của CH Séc được xếp vào hàng thấp nhất ở châu Âu - khiến một số công ty gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân và giới chuyên môn.

Pavlina Zipkova, người đứng đầu Ủy ban Điện ảnh Séc cho biết tình trạng thiếu kỹ năng trong ngành sản xuất phim của nước này là trầm trọng, mặc dù không có ước tính cụ thể. Zipkova nói với Reuters: “Có áp lực lên các ủy ban điện ảnh quốc gia và các tổ chức điện ảnh cũng như các hãng phim, công ty sản xuất phim địa phương”.

Netflix, Amazon và Apple từ chối bình luận về tình trạng thiếu nhân viên sản xuất trong khu vực và những hậu quả có thể xảy ra.

Một nhân viên làm việc trong kho trang phục và đạo cụ của Barrandov Studio ở Prague, CH Séc

REUTERS

Đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm, chi phí lao động thấp hơn, các ưu đãi thuế hào phóng đã thu hút các nhà làm phim đến Cộng hòa Séc và Hungary trong thập kỷ qua. Khu vực này hiện được xếp hạng là trung tâm sản xuất phim quốc tế lớn nhất ở châu Âu sau Anh, với cảnh quan vùng nông thôn, đồi núi và các lâu đài lý tưởng cho các bộ phim lịch sử và giả tưởng.

Năm nay, các khoản đầu tư vào các dự án quay phim ở Hungary và Cộng hòa Séc tất nhiên sẽ vượt qua con số kỷ lục của năm 2019 lần lượt là khoảng 405 triệu USD và 512 triệu USD, theo các quan chức ngành công nghiệp quốc gia.

Một vấn đề mà các công ty sản xuất nhỏ phải đối mặt là các dự án khổng lồ, như bộ phim kinh dị hành động trị giá 200 triệu USD của Netflix - Grey Man vừa kết thúc ở Prague (CH Séc), thu hút rất nhiều tài năng địa phương, theo những người trong ngành. Kết quả là họ đang cạnh tranh để có được nguồn kiến ​​thức chuyên môn quý giá.

Công ty Dazzle Pictures có trụ sở tại Praha, nơi có các hợp đồng làm phim với Netflix và Amazon, giám đốc điều hành Geoffrey Case cho biết xưởng hậu kỳ nhận được đề nghị hằng ngày từ các khách hàng tiềm năng trên khắp thế giới tìm kiếm sự trợ giúp trong việc hoàn thiện phim điện ảnh và truyền hình.

Geoffrey Case cho biết: “Hầu hết các nghệ sĩ làm việc tại công ty chúng tôi đều được nhiều công ty cạnh tranh tiếp cận. Họ liên tục nhận được lời đề nghị”.

Vojta Ruzicka, người đã làm việc gần 20 năm với tư cách là chuyên gia hậu cần cho các dự án bom tấn ở Prague bao gồm Mission Impossible 4Captain America: The Winter Soldier, xác nhận chuyện cạnh tranh chất xám tạo cơ hội cho những người muốn thâm nhập vào ngành điện ảnh hoặc muốn có một bước tiến nhanh hơn trong nghề nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.