Châu Á - Thái Bình Dương giữa nỗi lo lạm phát 'quay xe'

07/09/2023 07:28 GMT+7

Dù tình hình lạm phát được kiềm chế đáng kể tại châu Á - Thái Bình Dương, nhưng giới chuyên gia quốc tế vẫn có một số lo ngại liên quan vấn đề này.

Ngày 6.9, tờ Financial Times dẫn lời ông Christopher Waller, một quan chức cấp cao của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cho hay Fed đã thêm thời gian để đánh giá "cẩn thận" việc thắt chặt tiền tệ hơn nữa sau khi những dữ liệu mới nhất trong tuần gần đây được đánh giá là "tuyệt vời". Một trong các dữ liệu "tuyệt vời" là việc kiềm chế lạm phát đang có dấu hiệu tích cực. Đây cũng chính là dấu hiệu chung ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Lạm phát khả quan

Trả lời Thanh Niên cùng ngày 6.9, TS Steven Cochrane (Kinh tế gia trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty phân tích tài chính Moody's, Mỹ) đánh giá: "Lạm phát đang giảm ở hầu hết các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Điều này có ý nghĩa hơn khi nền kinh tế khu vực đang cảm nhận được tác động từ sự phục hồi chậm chạp của Trung Quốc".

Châu Á - Thái Bình Dương giữa nỗi lo lạm phát 'quay xe' - Ảnh 1.

Ấn Độ đã ngưng xuất khẩu gạo để kiềm chế giá gạo trong nước

Reuters

Tương tự, cũng trả lời Thanh Niên, GS David Dapice (chuyên gia kinh tế tại Trung tâm ASH thuộc Trường Chính sách công Kennedy của Đại học Harvard, Mỹ) chỉ ra: "Đối với các nước khu vực Đông Á (bao gồm cả ASEAN cùng Trung Quốc, Hàn Quốc…) thì lạm phát nhìn chung ở mức thấp dù Indonesia và Philippines vẫn duy trì mức 5,5% trong năm nay. Lạm phát ở Trung Quốc sẽ rất thấp, còn các nước khác trong khu vực sẽ là 5% hoặc ít hơn. Ở khu vực còn lại của châu Á, Ấn Độ có thể giữ mức lạm phát 5,5%". Những số liệu này được GS Dapice dẫn trích từ tờ The Economist.

"Lạm phát từ 5% trở xuống thường được coi là chấp nhận được", ông lạc quan.

Có nguy cơ lạm phát có thể tăng trở lại trong thời gian tới. Nguyên nhân là do giá năng lượng và giá gạo tăng cao. […] Các nhà hoạch định chính sách và ngân hàng trung ương cần theo dõi lạm phát ít nhất là cho đến cuối năm nay.

TS Steven Cochrane (Kinh tế gia trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Công ty phân tích tài chính Moody's, Mỹ)

Nỗi lo đảo chiều

Tuy nhiên, GS Dapice cũng lo ngại: "Hiện nay, vụ thu hoạch lúa ở nhiều quốc gia vốn có sản lượng trồng lúa lớn lại không đạt hiệu suất cao. Thêm vào đó, Nga vẫn chưa đồng ý nối lại thỏa thuận ngũ cốc ở biển Đen và Ả Rập Xê Út đã giảm sản lượng khai thác dầu để đẩy giá dầu lên. Đó là những áp lực khiến cho lạm phát sẽ không được kiềm chế một cách hiệu quả bởi các chính sách thắt chặt tiền tệ. Nghĩa là, cần phải giảm một lượng lớn nhu cầu để giảm giá gạo, giá năng lượng".

Châu Á - Thái Bình Dương giữa nỗi lo lạm phát 'quay xe' - Ảnh 3.

Fed đã liên tục tăng lãi suất thời gian qua để kiềm chế lạm phát

"Lạm phát ở khu vực đang ở mức bình thường nhưng mức giá cụ thể sẽ gây lo ngại", GS Dapice đặt vấn đề.

Cùng quan điểm, TS Cochrane cảnh báo: "Có nguy cơ lạm phát có thể tăng trở lại trong thời gian tới. Nguyên nhân là do giá năng lượng và giá gạo tăng cao. Giá năng lượng đang tăng do Ả Rập Xê Út cắt giảm sản lượng khai thác, khiến giá dầu thô Brent tăng từ mức 72 USD/thùng vào cuối tháng 6 lên mức 88,5 USD/thùng gần đây".

"Ngoài ra, giá gạo toàn cầu cũng tăng vọt do thời tiết bất thường ở Ấn Độ và Thái Lan. Nên giá lương thực có thể tăng trở lại. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách và ngân hàng trung ương cần theo dõi lạm phát ít nhất là cho đến cuối năm nay", TS Cochrane nói thêm.

Tương tự như thế, ông Christopher Waller cũng cảnh báo rằng cần xem xét các tín hiệu khả quan về lạm phát là một "xu hướng" hay chỉ là một "sự may mắn". "Lạm phát giảm vào năm 2021, nhưng rồi đã đảo ngược vào năm sau. Cần hết sức cẩn thận khi nói rằng chúng ta đã giải quyết được vấn đề lạm phát", ông Waller nhắc nhở.

Theo GS Dapice, cũng vì nỗi lo đó mà "hầu hết các nước ASEAN và Đông Bắc Á đã khá thận trọng trong chính sách tiền tệ và chưa để tăng trưởng tín dụng lên nhanh".

"Trong bối cảnh như vậy, câu hỏi mang tính chính trị được đặt ra là liệu giá lương thực và năng lượng cao hơn thì người dân có được chính phủ các nước trợ giá hay không, với cách thức thế nào? Các quốc gia khác nhau đưa ra những lựa chọn khác nhau. Ví dụ, Ấn Độ và Indonesia cắt giảm hoặc cấm xuất khẩu (gạo và dầu cọ) khi giá tăng. Về bản chất, đây là "đánh thuế" vào nông dân và trợ cấp cho người tiêu dùng", GS Dapice nêu ra.

Thực tế mới đây, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ngày 1.9 ban hành mức trần đối với giá gạo nhằm bảo vệ người tiêu dùng giữa lúc mức giá cao có nguy cơ thúc đẩy lạm phát trong tháng 8 tăng lên lần đầu tiên trong 7 tháng. Đây có thể xem là áp dụng chính sách để trợ giá cho người dân. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.