Châu Á nắng nóng chưa từng thấy

26/04/2023 07:00 GMT+7

Châu Á đang trải qua đợt nắng nóng khủng khiếp, với hàng trăm kỷ lục về nhiệt độ đồng loạt bị phá, đặc biệt ở Đông Nam Á và Nam Á.

Reuters tuần rồi dẫn cảnh báo của các nhà khoa học khí hậu rằng thế giới có thể phá vỡ kỷ lục trung bình về nhiệt độ trong năm 2023 hoặc 2024. Tình hình sẽ còn tệ hơn với sự tiếp sức của biến đổi khí hậu cũng như sự quay lại của hiện tượng El Nino.

Châu Á nắng nóng chưa từng thấy  - Ảnh 1.

Người dân chật vật trong bão bụi và thời tiết nóng bức ở Prayagraj (Uttar Pradesh, Ấn Độ) hôm 18.4

AFP

Những kỷ lục "phát sầu"

Theo thống kê của Financial Times, châu Á chỉ mất 8 năm gần đây nhất để phá vỡ hơn 1/3 số kỷ lục quốc gia về nắng nóng, và trong tháng 4 có hơn 12 quốc gia ở châu lục này trải qua cái nóng khủng khiếp. Sử gia về thời tiết Maximiliano Herrera, hiện ở Bangkok (Thái Lan), gọi những gì vừa xảy ra là "đợt nắng nóng tháng 4 kinh khủng nhất trong lịch sử châu Á", và tình hình đặc biệt gây quan ngại ở Thái Lan.

Thông thường, tháng 4 và 5 là những tháng nóng nhất ở Thái Lan. Tuy nhiên, lần đầu tiên nhiệt độ ở Thái Lan vượt ngưỡng 45 độ C, theo tờ The Washington Post. Tỉnh Phetchabun của nước này cũng ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 43,5 độ C. Trong khi đó, tại Myanmar, Kalewa chứng kiến nhiệt độ kỷ lục 44 độ C hôm 17.4. Lào cũng trở thành quốc gia mới nhất phá kỷ lục về nhiệt độ, bao gồm 42,7 độ C ở Luang Prabang, 41,5 độ C ở Phonhong, 41,4 độ C ở Vientiane và 41,6 độ C ở Sayaboury. Tờ The Guardian dẫn thông tin từ chuyên gia khí tượng Herrera cho biết tỉnh Sơn La của VN cũng ghi nhận mức nhiệt độ kỷ lục là 38 độ C trong tháng 4.

Cả thế giới có thể nóng kỷ lục trong năm nay vì El Nino trở lại

Còn ở Trung Quốc, hàng trăm trạm khí tượng công bố kết quả đo đạc cho thấy nước này đang trải qua tháng 4 nóng nhất. Cụ thể, 109 trạm quan trắc khí tượng ở 12 tỉnh đồng loạt phá kỷ lục cao nhất lịch sử tháng 4. Trong khi đó, dù Nam Á vẫn chưa phá kỷ lục về nhiệt độ trong tháng 4, Pakistan, Ấn Độ, Nepal đều chứng kiến nhiệt độ hơn 40 độ C kéo dài nhiều ngày liên tiếp. Đài CNN dẫn thông tin từ Cơ quan Khí tượng Ấn Độ, 48 trạm quan trắc ghi nhận nhiệt độ hơn 42 độ C ngày 18.4. Ở Bangladesh, nhiệt độ lên đến 43 độ C tại Ishurdi.

Nhiệt độ cao bất thường cũng xảy ra ở Trung Á, bao gồm Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan. Trong đó, Turkmenistan đạt nhiệt độ cao nhất trong lịch sử tháng 4 với 42,2 độ C.

Châu Á nắng nóng chưa từng thấy  - Ảnh 2.

Nước đá bán chạy vì thời tiết quá nóng ở Bangkok (Thái Lan) hôm 25.4

AFP

Trắng đêm vì quá nóng

Tại Thái Lan, cái nóng trên thực tế phải cao hơn thông số đo từ nhiệt kế. Chẳng hạn, Bangkok ghi nhận 42 độ C vào ngày 22.4, nhưng cơ quan thời tiết quốc gia Thái Lan cảnh báo cái nóng trên thực tế phải lên đến 54 độ C vì phải tính toán tác động từ độ ẩm cao. Giới hữu trách kêu gọi người dân cảnh giác trước nguy cơ say nắng và tránh những hoạt động ngoài trời trong thời gian này, báo The Nation đưa tin.

Thế giới hiện nóng nhất kể từ thỏa thuận Paris

Reuters dẫn báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố hôm 21.4 xác nhận thế giới đang trong giai đoạn nóng nhất kể từ khi giới lãnh đạo toàn cầu nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris về khí hậu vào năm 2015. Tám năm liên tục, từ 2015 - 2022, cũng là 8 năm nóng kỷ lục trên toàn cầu. WMO cho hay nếu không có hiện tượng La Nina trong 3 năm qua, tình hình thời tiết có lẽ còn tệ hại hơn.

Giảng viên Friederike Otto của Trường Cao đẳng Hoàng gia London (Anh), cảnh báo sự trở lại của El Nino có thể đẩy mọi thứ đến ngưỡng càng cực đoan hơn, bao gồm các đợt nóng dữ dội, hạn hán, cháy rừng.

Không ít quốc gia áp dụng biện pháp cho học sinh tạm thời nghỉ học nếu thời tiết nóng quá mức, trong số này có Ấn Độ, Philippines. Ít nhất 2 bang Ấn Độ là Tripura và Tây Bengal cho học sinh nghỉ trong tuần trước khi nhiệt độ tăng hơn 5 độ C so với mức bình thường. Còn ở Philippines, Bộ Giáo dục nước này nhắc nhở các hiệu trưởng phải đưa ra quyết định nhanh chóng nếu phát hiện thời tiết nóng quá mức. Vùng thủ đô Manila hôm 20.4 ghi nhận nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử tháng 4 là 36,2 độ C.

Giữa cái nóng vượt sức chịu đựng, một số khu vực ở miền đông Ấn Độ và Bangladesh còn chứng kiến tình trạng cắt điện vì thiếu năng lượng do thời tiết cực đoan. Sky News dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Bangladesh Nasrul Hamid nhắc nhở về "nỗi thống khổ không thể thốt thành lời" do trời quá nóng. Nhu cầu sử dụng năng lượng tăng vọt dẫn đến tình trạng thiếu điện, ông cho biết. Hiện vẫn chưa có cách giải quyết tình trạng này, và vì thế không ít người dân tiếp tục chịu đựng những đêm không ngủ vì cúp điện.

Báo The Straits Times hôm 20.4 đưa tin ít nhất 13 người tử vong do nắng nóng ở bang Maharashtra, miền tây Ấn Độ, sau khi tham dự sự kiện thu hút hơn 1 triệu người hôm 16.4. Ở Philippines, gần 150 học sinh ở tỉnh phía nam Manila gặp vấn đề sức khỏe khi trường học cúp điện. Hai người ở Thái Lan cũng tử vong vì nắng nóng trong tháng 4, theo CNA.

MIỀN TRUNG Việt Nam cao điểm nắng nóng có thể đến 45 độ C


Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hôm qua 25.4, ở Nam bộ nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C như: Biên Hòa (Đồng Nai) 37,6 độ C, Đồng Phú (Bình Phước) 37,1 độ C…

Trong 1 - 2 ngày tới, khu vực này tiếp tục có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Khu vực Tây nguyên có nắng nóng cục bộ. Từ ngày 28.4 nắng nóng ở Nam bộ giảm dần.

Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng thủy văn, cho biết tình trạng nắng nóng gay gắt hiện nay do áp thấp nóng từ khu vực Nam Á mở rộng sang VN. Áp thấp nóng này tạo ra các đợt gió mùa mang theo hơi nóng kéo dài từ nay đến tháng 8 và nóng cực điểm vào tháng 7. Cùng với xu thế thời tiết chuyển sang trạng thái El Nino, nguy cơ sẽ làm cho các đợt nắng nóng này thêm gay gắt.

Từ nay đến tháng 8, ở 3 miền đất nước sẽ hình thành 3 kiểu thời tiết khác nhau. Miền Bắc thông thường mùa mưa bắt đầu từ giữa tháng 5 kéo dài đến hết tháng 9 với những ngày mưa xen giữa những ngày nắng nóng dữ dội. Miền Nam cũng vào mùa mưa nhưng do chịu ảnh hưởng của gió mùa tây nam hoạt động mạnh nên mang đặc trưng sáng nắng chiều mưa. Hiện tại, cao điểm nắng nóng sắp qua và trong những ngày cuối tháng sẽ xuất hiện nhiều hơn các đợt mưa giông chuyển mùa giúp giải nhiệt nắng nóng. Sau đó, vẫn còn một vài đợt nắng nóng với cường độ nhẹ hơn và ít ngày hơn trước khi vào mùa mưa.

Đáng chú ý là miền Trung, thường nắng nóng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8 và cao điểm vào tháng 7. Nhưng năm nay nắng nóng đến sớm khi mới vào tháng 4 một số nơi nhiệt độ đã 38 - 39 độ C. Tại miền Trung, nắng nóng do hiệu ứng phơn vào giai đoạn cao điểm thường lên đến 41 - 42 độ C; với xu hướng nắng nóng hiện nay, cao điểm tháng 7 ở miền Trung có thể nắng nóng đến 44 - 45 độ C.

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.