Xin hãy thương hoa

13/04/2011 00:26 GMT+7

Chỉ còn vài ngày nữa (ngày 16 và 17.4), lễ hội hoa anh đào sẽ diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Việt Nam (Hà Nội). Vậy là, sau một năm vắng bóng, những cành hoa anh đào xinh đẹp từ Nhật Bản lại đến với người dân Việt Nam.

Đây là lần thứ tư (kể từ năm 2007), lễ hội hoa anh đào được tổ chức. Điều khiến nhiều người băn khoăn nhất là liệu những hình ảnh không hay có còn tái diễn tại lễ hội như những năm trước?

Hình ảnh những nam thanh, nữ tú “bẻ cành, vặt hoa, xả rác” tại các lễ hội trước đây từng khiến dư luận lên tiếng, lo ngại về văn hóa ứng xử của nhiều người trẻ. Những cánh hoa anh đào đẹp đẽ bị vặt trụi không thương tiếc, chỉ còn lại thân cây xác xơ. Người có lòng tự trọng nhìn vào đều cảm thấy xót xa, xót xa cho hoa và cho cả… sự xuống cấp văn hóa của người tham dự lễ hội.

Đã có lần, ban tổ chức thay hoa thật bằng hoa giả, nhưng tình trạng trên vẫn không có gì thay đổi, hoa giả cũng chẳng được tha. Những hàng rào được dựng lên, lực lượng bảo vệ đông hơn, nhưng cũng chẳng thể ngăn được lòng ham muốn, quyết tâm bằng mọi cách có được cành hoa mang về.

Chẳng phải chỉ ở lễ hội hoa anh đào, mà trong lễ hội hoa của Hà Nội, người ta cũng chứng kiến cảnh người người chen nhau, giành lấy từng chậu hoa, lễ hội kết thúc trong cảnh tan hoang.

Có nhà nghiên cứu văn hóa lý giải hành động đó xuất phát từ thói ích kỷ, tham lam, muốn sở hữu cho riêng mình. Có người cho đó là tâm lý đám đông, thấy người khác vặt được thì mình cũng phải… vặt theo, không thì thiệt.

Dù không dễ dàng, nhất là khi Nhật Bản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai liên tiếp đổ xuống, nhưng ban tổ chức lễ hội vẫn quyết định chuyển hai trăm cành hoa anh đào tươi từ Nhật sang để người dân chiêm ngưỡng.

Ban tổ chức đã huy động số tình nguyện viên lên tới 500 người, dựng các hàng rào chắn để bảo vệ hoa, nhưng thiết nghĩ lễ hội có thành công hay không thì lại phụ thuộc vào chính ý thức của người đi hội.

Lễ hội năm nay còn có ý nghĩa là cầu nối để người dân Việt Nam chia sẻ, ủng hộ người dân Nhật Bản. Mong rằng những người tham dự hiểu được những ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội, tự có ý thức, biết trân trọng, nâng niu loài hoa biểu tượng cho vẻ đẹp, văn hóa Nhật Bản và những tấm biển “Xin hãy thương hoa” rồi đây sẽ trở nên thừa thãi.

Minh Ngọc 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.