Xả lũ và thủy điện

29/03/2015 06:00 GMT+7

Mưa lũ thuận mùa hay bất thường rõ ràng là chuyện của thiên nhiên. Miền Trung có mưa lớn vào mùa này là bất thường lắm, nhưng chúng ta cũng chỉ có thể ngước mắt nhìn trời mà xót xa cho những thiệt hại hoa màu, tài sản của người dân. Chúng ta không thể ngược thời gian để lấy lại những thảm rừng tự nhiên, dòng chảy tự nhiên đã mất.

Mưa lũ thuận mùa hay bất thường rõ ràng là chuyện của thiên nhiên. Miền Trung có mưa lớn vào mùa này là bất thường lắm, nhưng chúng ta cũng chỉ có thể ngước mắt nhìn trời mà xót xa cho những thiệt hại hoa màu, tài sản của người dân. Chúng ta không thể ngược thời gian để lấy lại những thảm rừng tự nhiên, dòng chảy tự nhiên đã mất.
Và biến đổi khí hậu là câu chuyện của cả thế giới, cũng giống như xây dựng thủy điện là yêu cầu bắt buộc của phát triển năng lượng. Do vậy, công bằng mà nói, không nên cứ mỗi khi có lũ lớn lại réo thủy điện mà mắng.
Thực ra, không có thủy điện thì lũ lụt vẫn gây hại (dù có thể ít hơn). Trên thực tế, thủy điện ngoài chức năng phát điện còn có chức năng điều tiết lũ, giữ nước mùa mưa để cân bằng với mùa khô. Câu chuyện ở đây là sự kiểm soát. Đúng là có chuyện thủy điện chỉ ưu tiên việc tích trữ nước tối đa, đảm bảo việc phát điện và ưu tiên cho an toàn hồ đập. Có việc xả lũ vô trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng lại chưa có chế tài xử phạt. Ngoài quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ, chúng ta cần phải xây dựng và thiết lập quy trình xử phạt việc vận hành thủy điện, xả nước bởi nước là tài nguyên của đất nước. Người dân phải có quyền giám sát việc vận hành thủy điện, giống như giám sát việc chi tiêu ngân sách. Người dân, xã hội hy sinh cho thủy điện phát điện thu tiền, thủy điện gây thiệt hại thì phải đền bù, thế mới công bằng.
Chuyện thủy điện xả lũ bất ngờ, dân trở tay không kịp, gây thiệt hại nặng hơn (thậm chí đã từng có thiệt hại về người hồi năm 2013) là chuyện khó chấp nhận. Khi thiệt hại xảy ra, câu trả lời thường là các hồ đập đều “xả lũ đúng quy trình”. Vấn đề ở đây là quy trình nào? Quy trình ấy có căn cứ thực tiễn để mà dự báo, cảnh báo, giảm thiểu rủi ro hay không?
Hiện VN có trên 7.000 hồ đập, nhưng theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, loại cực nhỏ chiếm tới 70%. Và việc giám sát, quản lý rủi ro đối với những hồ đập nhỏ này lại được giao cho các chính quyền sở tại, nơi thiếu cả nhân lực và trình độ để nhận dạng, dự báo, đánh giá thiên tai.
Theo yêu cầu của Quốc hội, năm 2014 Chính phủ đã rà soát loại ra hơn 400 dự án thủy điện; xác định các vùng hạ du bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thủy điện xả lũ. Nhưng trách nhiệm thuộc về ai thì vẫn chưa rõ, không ai chịu trách nhiệm đền bù cho dân khi có sự cố xảy ra. Sự thiếu hụt về chính sách, chế tài ấy sẽ khiến cho việc xâm phạm quyền lợi của người dân hạ du trở thành chuyện dài “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” đáng tiếc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.