Từ tấm lòng tới chiến lược

14/04/2015 05:34 GMT+7

Tính đến ngày hôm qua, khoảng 80% số dưa hấu tồn đọng trên ruộng của bà con nông dân miền Trung đã được tiêu thụ sau khi Bộ Công thương, doanh nghiệp và nhiều cá nhân kêu gọi, làm đầu mối bán dưa giúp nông dân. Nhưng chương trình "mỗi trái dưa, một tấm lòng" chưa xong thì ở Đà Lạt, cả ngàn tấn hành tây rớt giá kỷ lục vẫn không bán được.

Tính đến ngày hôm qua, khoảng 80% số dưa hấu tồn đọng trên ruộng của bà con nông dân miền Trung đã được tiêu thụ sau khi Bộ Công thương, doanh nghiệp và nhiều cá nhân kêu gọi, làm đầu mối bán dưa giúp nông dân. Nhưng chương trình "mỗi trái dưa, một tấm lòng" chưa xong thì ở Đà Lạt, cả ngàn tấn hành tây rớt giá kỷ lục vẫn không bán được.
Tương tự, ở ĐBSCL giá gạo vẫn giảm dù Chính phủ có chương trình mua tạm trữ. Diêm dân ở Quảng Ngãi cũng đang điêu đứng khi giá muối chỉ còn chưa tới 1.000 đồng/kg... Đáng nói hơn, đây không phải là chuyện mới. Điệp khúc “được mùa, mất giá” dẫn đến “trồng chặt - chặt trồng” đeo bám người nông dân đã hàng chục năm qua, hết dưa hấu rồi đến thanh long, lúa gạo, cà phê, tiêu, rau, hoa, mía... Có thể nói, vô số loại nông sản tránh được kiếp nạn được mùa mất giá, rồi lại bị ép giá đến đổ bỏ. Không chỉ thế, nạn thương lái Trung Quốc dùng chiêu trò đẩy giá ảo, dẫn dắt bà con nuôi, trồng thu gom nông sản rồi lại mất hút diễn ra khắp nơi.
Vì thế, chắc chắn chúng ta không thể cứ tiếp tục kêu gọi "một trái thanh long, một ký muối, một củ hành tây... một tấm lòng" để giúp bà con tiêu thụ nông sản. Chung tay giúp bà con nông dân khi khó khăn là điều hết sức đáng quý, đáng trân trọng. Nhưng là nước nông nghiệp với hơn 70% dân số là nông dân, cái người dân cần là giải pháp dài hạn để họ yên tâm nuôi trồng, sản xuất chứ không chỉ kêu gọi mọi người ăn vải, ăn dưa hấu... khi ế đồng, dội chợ. Ngay trong chương trình “mỗi trái dưa, một tấm lòng” hiện nay cũng cho thấy, có nhiều việc đáng lẽ phải làm từ rất lâu rồi.
Đầu tiên là khâu phân phối. Chúng ta đều thấy, sau hơn 1 tuần phát động, 80% lượng dưa hấu bị tồn do mưa lũ đã được giải quyết. Có nghĩa là nhu cầu trong nước là không hề nhỏ. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất ở đây là giá cả. Chỉ cách ruộng dưa chưa đầy 5 km, giá dưa đội lên hàng chục lần. Dưa từ người nông dân đến tay người tiêu thụ ở các TP lớn, giá đẩy lên gấp 20 - 30 lần. Ngay tại thời điểm nông dân đổ dưa hấu cho bò ăn thì ở TP.HCM, giá dưa vẫn khoảng 10.000 đồng/kg, 1 trái dưa vẫn được bán với giá 20.000 - 30.000 đồng. Quá nhiều tầng nấc trung gian cộng với việc thương lái ép giá, đẩy giá là nguyên nhân của tình trạng này. Vậy nên phải tổ chức lại khâu phân phối để giá không bị đẩy lên quá cao. Với giá hợp lý, thị trường nội địa cũng hết sức tiềm năng.
Thứ hai là chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Chuyện xây dựng ngành công nghiệp chế biến cho nông sản đã được đặt ra hàng thập niên qua nhưng đến nay, hầu hết nông sản của ta đều xuất thô với giá rẻ. Thế mới có chuyện, chỉ cần chậm thu mua vài ngày là nhiều loại nông sản chỉ còn cách bán rẻ như cho hoặc đổ bỏ. Nông sản được thu hoạch tại ruộng là “lên đường”. Vì lý do gì đó không thể “lên đường” ngay được thì người nông dân chỉ còn cách khóc ròng.
Thứ ba là quy hoạch cụ thể vùng nào, địa phương nào trồng cây gì, nuôi con gì dựa trên nghiên cứu khoa học về thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường, giá trị nông sản chứ không thể mãi duy trì nước nông nghiệp nhưng nuôi - trồng theo phong trào để rồi rơi vào tình trạng chặt trồng - trồng chặt, được mùa - rớt giá.
“Mỗi trái dưa một tấm lòng” là điều vô cùng quý giá nhưng cần hơn cả vẫn là một chiến lược có tầm nhìn để đời sống của người nông dân của nước dẫn đầu thế giới vể xuất khẩu nhiều loại nông sản bớt bấp bênh hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.