Tinh thần khoa học

07/08/2011 01:33 GMT+7

Tiến sĩ Nguyễn Phạm Hoành Sơn vinh dự là người nước ngoài đầu tiên được Tổ chức Đào tạo Quản lý doanh nghiệp quốc gia (FNEGE - Pháp) trao giải thưởng Luận án xuất sắc nhất năm ở hạng mục quản lý chiến lược.

Anh hoàn toàn xứng đáng với giải thưởng danh giá này, vì những kết quả nghiên cứu có giá trị, nhưng hơn hết, vì tinh thần của một nhà khoa học thực thụ.

Điều này thể hiện rõ ở quyết định “dấn thân” vào đề tài được nhiều nhà khoa học đầu ngành nghiên cứu từ hơn 40 năm qua nhưng vẫn “nhiều câu hỏi hơn lời giải đáp”: mối tương quan giữa toàn cầu hóa và hiệu quả doanh nghiệp. Nếu chỉ làm luận án để được mang danh tiến sĩ, Nguyễn Phạm Hoành Sơn sẽ không mạo hiểm đến thế. Anh hoàn toàn có thể chọn hướng nghiên cứu tròn trịa hơn, an toàn hơn. Nhưng chính tinh thần khoa học đã khiến anh “bị cuốn hút bởi chiều sâu lịch sử của đề tài gây tranh cãi này”. Không ngại khó, tự tin vào bản lĩnh và chuyên môn của mình, TS Hoành Sơn đã tìm ra “phần mở đầu của câu trả lời” cho câu hỏi 40 năm. Một bước tiến lớn.

Với tinh thần khoa học thì làm luận án tiến sĩ chỉ là một cột mốc trên con đường vạn dặm khám phá tri thức.

Giáo sư Georges Canguilhem (1904 - 1997) là triết gia hàng đầu của Pháp về khoa học luận, về mối tương quan y học - triết học. Khi đã có đủ các loại bằng cấp của ngành triết, ông quyết định dành 10 năm để học và lấy bằng tiến sĩ y khoa. Không hành nghề bác sĩ, GS Canguilhem cho biết theo học ngành y để “bổ sung kiến thức”, phục vụ cho việc nghiên cứu triết học. Sách do ông viết đã trở thành kinh điển cho cả sinh viên khoa triết lẫn khoa y từ nhiều thập niên qua.

Giáo sư Albert Fert (Nobel Vật lý năm 2007) từng nhận định: “Khoa học luôn là một cuộc phiêu lưu dài kỳ. Nhà nghiên cứu phác họa những giả thuyết ban đầu, các khảo sát, thí nghiệm sẽ cho thấy những giả thuyết mới và cứ thế bức tranh kiến thức ngày càng mở rộng”. Dài kỳ và thiên biến vạn hóa, nên thường các giải Nobel chỉ được trao sau khi kết quả nghiên cứu đã được công bố từ trước đó nhiều thập niên. Như GS Fert, luận án tiến sĩ bảo vệ năm 1970 là điểm khởi đầu cho khám phá của ông về Hiệu ứng từ điện trở khổng lồ (GMR) năm 1988. GMR sau này được ứng dụng để sản xuất các linh kiện điện tử thế hệ mới, giúp thu nhỏ các sản phẩm công nghệ. 37 năm sau “điểm khởi đầu”, GS Albert Fert mới chạm tay vào giải Nobel.

Nhiều người bỏ cả đời nghiên cứu nhưng vẫn không có công trình mang tính đột phá để được trao giải thưởng. Nhưng thành quả của họ vẫn là nhịp cầu quan trọng để các thế hệ đi sau tiến đến những khám phá vĩ đại.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.