Tinh giản bộ máy

02/04/2015 05:30 GMT+7

Họp về cải cách thủ tục hành chính với các bộ, ngành hôm 31.3, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định: Cần đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không đáp ứng yêu cầu cải cách, những cán bộ nhũng nhiễu đòi hỏi thủ tục vô lý phải xử lý ngay.

Họp về cải cách thủ tục hành chính với các bộ, ngành hôm 31.3, Thủ tướng Chính phủ một lần nữa khẳng định: Cần đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ không đáp ứng yêu cầu cải cách, những cán bộ nhũng nhiễu đòi hỏi thủ tục vô lý phải xử lý ngay.
Điều này cho thấy người đứng đầu Chính phủ đã sốt ruột như thế nào với những rào cản về thủ tục và quyết tâm cải cách bộ máy.
Trước đó, tháng 11.2014, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 108/2014/NĐ-CP quy định về việc tinh giản biên chế ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc hệ thống Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Với 7 đối tượng phải tinh giản biên chế, nghị định mang kỳ vọng và quyết tâm lớn làm trong sạch bộ máy, loại được những công chức thoái hóa biến chất ra khỏi các cơ quan hành chính nhà nước.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, những ai tâm huyết với cải cách hành chính, theo dõi một cách có hệ thống thì sẽ thấy, kể từ năm 2007 đến nay, chúng ta đã có rất nhiều đề án, quyết định về tinh giản biên chế. Nhưng sau 3 đợt tinh giản, theo báo cáo năm 2013 của Bộ Nội vụ, số lượng công chức trong bộ máy không giảm mà lại tăng gần 25%. Đánh giá lại thì đa số người tinh giản trong các đợt tinh giản là những người sắp đủ tuổi hưu có nguyện vọng nghỉ trước. Còn các đối tượng không làm được việc, sách nhiễu, thoái hóa thì hầu như không xử lý được.
Lâu nay, chúng ta không thiếu các quy định, không thiếu những phát biểu quyết tâm, nhưng lại rất thiếu kế hoạch tổng thể, biện pháp tổ chức căn cơ. Nói là cần loại khỏi bộ máy những công chức không đáp ứng yêu cầu công việc, có thái độ sách nhiễu, gây khó dễ người dân, doanh nghiệp, nhưng hỏi quy trình nào để làm việc đó? Thủ tục thế nào? Bắt đầu từ đâu? thì lại rơi vào bế tắc.
Vấn đề của chúng ta là luật Cán bộ, công chức đã được ban hành, nhưng trong đó không đề cập đến hành vi vi phạm công vụ như thế nào thì bị buộc thôi việc? Các quy định trong Nghị định 108 về đối tượng tinh giản rất rối rắm, thiên về định tính nên rất khó thực hiện. Đó là chưa kể, thực tế của chúng ta, cơ quan sử dụng công chức hầu như không toàn quyền xử lý sai phạm công chức, đặc biệt là khi xử lý hình thức buộc thôi việc...
Để biến quyết tâm chính trị của Đảng, Chính phủ thành hiện thực, để các đề án, nghị định về tinh giản biên chế khả thi, cần có những giải pháp mạnh, những hành động thực sự, cụ thể. Thứ nhất, cần tuyên bố bãi bỏ quy định biên chế suốt đời, thay vào đó là chế độ hợp đồng linh hoạt đối với cán bộ, công chức. Thứ hai, bổ sung chế định sát hạch định kỳ cán bộ công chức để có cơ sở đánh giá. Cùng với đó, việc kiểm tra, giám sát đạo đức công vụ phải được đặt lên hàng đầu. Và không thể thiếu là quy trình tuyển chọn cán bộ phải thay đổi, chọn người tài giỏi, có đạo đức thì sẽ hạn chế tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, cửa quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.