Tiến hóa lùi

30/08/2012 03:15 GMT+7

So sánh cách điều hành giá xăng dầu hiện nay với “khẩu khí” của Bộ Tài chính trong cuộc “tranh luận nảy lửa” hồi tháng 9 năm ngoài, thấy có bước thụt lùi.

>> Găm xăng chờ giá, có trị được không ?
>> Giá xăng tăng 650 đồng/lít
>> Thêm nhiều cây xăng "hết xăng
>> Xăng dầu lại đồng loạt găm hàng

Chẳng hạn như việc giảm “bước sóng” điều chỉnh giá (khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh) từ 30 ngày xuống 10 ngày (không chừng chỉ còn 5 ngày) tức là sẽ tăng tần số điều chỉnh lên.

Điều chỉnh “vặt ” như thế sẽ khiến nhiều ngành nghề cũng phải điều chỉnh “vặt” theo, rồi các DN sản xuất kinh doanh sẽ hạch toán chi phí, giá thành thế nào? Vì vậy, không nên cố dìm bằng được con số bao nhiều ngày rồi cho đó là chặt chẽ và khoa học.

Quan trọng là trong khoảng thời gian ấy, giá thế giới “nhảy múa” như vậy, DN kinh doanh xăng dầu có mua không? Nếu có thì mua với giá nào, khi nào, bao nhiêu và lúc nào hàng có trong tay và bắt đầu bán ra? Nếu trong thời gian ấy, dù giá thế giới tăng mạnh, nhưng anh không mua hoặc có mua nhưng hàng chưa về đến tay và chưa được đưa ra bán thì anh chẳng có lý do gì để “áp” vào giá cơ sở rồi đòi tăng giá bán ngay lập tức. Nguyên tắc cơ bản của điều chỉnh giá là phải bán theo giá đã mua (tất nhiên là bao hàm cả giá vốn, chi phí, chiết khấu...) chứ không được bán theo giá sẽ mua.  Ở đây có hai yếu tố: dự trữ và thời gian. Đã là nhà buôn, dự trữ là tất yếu, thậm chí là “bảo bối”, là tài nghệ của DN. Hàng hóa, nhất là xăng dầu (ngoại trừ nhập của Dung Quất) phải có thời  gian “đi trên đường”. Nếu mua bán trên thị trường giao sau thì khoảng thời gian ấy còn lớn hơn nữa. Tại sao lại tăng giá ngay khi giá xăng dầu thế giới tăng?

Trở  lại câu chuyện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường, phải khẳng định đây là sự hành xử tất yếu, theo đúng quy luật và phù hợp với nội dung của thời đại. Nhưng không có nghĩa cứ cho doanh nghiệp tự quyết về giá là đã hoàn thành bước chuyển này. Như nhiều người đã nói, việc cốt lõi cần làm là phải hình thành một thị trường (thị trường phân phối) xăng dầu cạnh tranh. Khi còn là thị trường mang tính độc quyền nhóm mà để doanh nghiệp tự quyết về giá thì thật chẳng giống ai. Cũng chưa hề thấy có giáo sư kinh tế nào đưa ra một lý thuyết như vậy cả.

Cuối cùng, với việc quản lý giá xăng dầu như  thế này, khiến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh luôn phải “sống trong sợ hãi”. Nỗi sợ thứ nhất là giá thành sản phẩm sẽ tăng, trong khi mãi lực của thị trường đang suy yếu, hàng cũ chưa bán hết, tương lai của hàng mới rồi sẽ ra sao? Nỗi sợ thứ hai còn ghê gớm hơn. Đó là, giá thành tăng, giá bán phải tăng, và khi đó các nhà quản lý sẽ “dịch” sang ngay là lạm phát tăng. Lạm phát mà đã tăng thì quay về siết chặt cho vay, tăng lãi suất lên, hạn chế con đường tiếp cận vốn vay... Doanh nghiệp còn gì để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Vòng luẩn quẩn lại bắt đầu.

Thọ Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.