Thương hiệu quốc gia cho món ăn Việt

18/02/2015 05:11 GMT+7

(TS Xuân) Có thể nói, chưa bao giờ nền ẩm thực Việt lại bước vào thời kỳ thịnh vượng đến thế. Các món ăn Việt liên tiếp xuất hiện trong bảng xếp hạng món ngon của thế giới, đầu bếp Việt đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi nấu ăn... Tuy nhiên, để có thể nâng tầm món ăn VN lên thương hiệu quốc gia còn cần nhiều việc phải làm.

(TS Xuân) Có thể nói, chưa bao giờ nền ẩm thực Việt lại bước vào thời kỳ thịnh vượng đến thế. Các món ăn Việt liên tiếp xuất hiện trong bảng xếp hạng món ngon của thế giới, đầu bếp Việt đoạt giải thưởng cao trong các cuộc thi nấu ăn... Tuy nhiên, để có thể nâng tầm món ăn VN lên thương hiệu quốc gia còn cần nhiều việc phải làm.

Thương hiệu quốc gia cho món ăn Việt 1Các món ăn Việt hiện nay được trình bày theo xu hướng cá nhân hóa - Ảnh chụp tại lễ trao giải cuộc thi “Chiếc thìa vàng” 2014
Ẩm thực Việt thời kỳ mở cửa
VN cần có viện ẩm thực quốc gia để lưu giữ các công thức gốc của món ăn truyền thống 
Bà Triệu Thị Chơi
Văn hóa ẩm thực VN khá đa dạng và phong phú, gắn liền với đặc trưng vùng miền trải dọc đất nước. Chính vì vậy, ngay trong cách chế biến, sử dụng nguyên liệu và khẩu vị món ăn cũng có sự phân hóa bắc - nam. Ngày nay, sự di cư và giao thoa văn hóa đã làm xuất hiện nhiều biến tấu trong các món ăn. Phở là một ví dụ điển hình. Về hình thức, nay có thêm các món phở chiên, phở cuốn, phở xào... Về nguyên liệu, bên cạnh phở bò còn có phở gà, phở tôm, phở heo... Nếu kể thêm các món rau thơm đi kèm thì ở mỗi vùng lại có thêm sự khác biệt. Ngoài ra, ngay trong các cuộc thi, đầu bếp cũng có sự sáng tạo trong việc sử dụng nguyên liệu chế biến, thay đổi quy trình nấu ăn. Khẩu vị được dung hòa, tuy nhiên, nhiều công thức nấu nướng gốc đã không còn được lưu giữ.
Ở một khía cạnh nào đó, sự thay đổi về các món ăn là điều cần thiết, sao cho phù hợp với khẩu vị của số đông và lối sống văn minh phát triển. Trước đây, văn hóa ẩm thực Việt đặc trưng với hình ảnh “mâm cỗ”, mọi người quây quần bên nhau thưởng thức các món ăn với quy cách cầu kỳ. Ngày nay, lối sống nhanh và đề cao cái tôi đã thể hiện rõ nét qua các món ăn được đơn giản hóa, trình bày với hình thức cá nhân. Có lẽ vì thế mà bánh mì, vốn xuất phát từ phương Tây như một món ăn kèm, khi sang VN với hình thức bánh mì kẹp lại được ưa chuộng hơn cả.
Tuy nhiên, để quảng bá ẩm thực VN rộng rãi, như Nhật Bản đã từng làm với sushi, nhắc đến nước Ý người ta nghĩ ngay đến món bánh pizza truyền thống... cần có những định hướng phát triển lâu dài và thống nhất.
Thương hiệu quốc gia cho món ăn Việt 2
Thương hiệu quốc gia cho món ăn Việt 3
Đề xuất mở viện ẩm thực quốc gia
Bà Triệu Thị Chơi, Nhà giáo Ưu tú, chuyên viên văn hóa ẩm thực, cho biết: “VN cần có viện ẩm thực quốc gia để lưu giữ các công thức gốc của món ăn truyền thống, đồng thời quảng bá món ăn Việt đến bạn bè thế giới”. Theo bà Chơi, sự cải tiến của các món ăn là không thể phủ nhận, nhờ có nguồn nguyên liệu phong phú hơn, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ nấu nướng ngày càng hiện đại. Tuy nhiên, cần giữ thành phần và hương vị chính trong món ăn làm gốc, sau đó phát triển thêm về các nguyên liệu phụ.
Đồng quan điểm với bà Triệu Thị Chơi, ông Dương Đức Huấn, đầu bếp khách sạn 5 sao Majestic (TP.HCM) bổ sung: “Đầu bếp VN có tiềm năng phát triển nhưng chưa được công nhận. Viện ẩm thực quốc gia sẽ là một chứng chỉ công nhận tay nghề đầu bếp sánh ngang với trình độ thế giới”.
Trên thực tế, đầu bếp Việt và các món ăn đều phát triển theo xu hướng tự phát. “Hầu hết các đầu bếp đều sáng tạo món ăn tùy theo sở thích chứ không nhận thức được mình đang quảng bá cho nền ẩm thực quốc gia”, ông Huấn nhận định. Ngoài ra, hầu hết các món ăn đều do người nước ngoài đến VN thưởng thức rồi mới lan truyền, chưa có một chiến lược quảng bá thực sự đúng nghĩa. Vì thế, sự không đồng nhất của món ăn Việt tại các diễn đàn ẩm thực quốc tế là điều khó tránh khỏi.
Với thái độ cởi mở của người trẻ, Phan Quốc Trí, á quân cuộc thi Master Chef VN năm 2013 chia sẻ: “Nấu ăn cũng là một nghệ thuật, nếu cứ giữ khư khư công thức cũ thì nghệ thuật sẽ chết. Tuy nhiên, cần nêu rõ đâu là thành phần gốc, đâu là sự sáng tạo trong các món ăn của mình”.
Theo dòng chảy phát triển của văn hóa, ẩm thực cũng phân chia thành nhiều xu hướng khác nhau. Cái mới và cái cũ sẽ luôn tồn tại song hành, không thể xóa bỏ. Bộ quy chuẩn ẩm thực Việt sẽ là điều kiện cần để lưu giữ lại những giá trị chuẩn mực truyền thống.
Hành trình đi tìm bộ quy chuẩn của ẩm thực Việt sẽ còn rất dài, cần sự tâm huyết của không chỉ các đầu bếp, chuyên gia ẩm thực mà còn là của các cơ quan chức năng, của cả dân tộc vì mục tiêu quảng bá nền ẩm thực VN ra bạn bè thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.