Thước đo từ nhân dân

04/03/2013 03:20 GMT+7

Bài Cải cách giúp dân trên Thanh Niên ngày 3.3 đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc. Và đó không chỉ là câu chuyện đơn lẻ công chức của một số quận, huyện của TP.HCM đến tận nhà giải quyết thủ tục hành chính cho người dân mà nó chứng minh một thực tế rằng: để thiết lập một nền hành chính phục vụ, khiến cho người dân hài lòng không khó.

Bài Cải cách giúp dân trên Thanh Niên ngày 3.3 đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc. Và đó không chỉ là câu chuyện đơn lẻ công chức của một số quận, huyện của TP.HCM đến tận nhà giải quyết thủ tục hành chính cho người dân mà nó chứng minh một thực tế rằng: để thiết lập một nền hành chính phục vụ, khiến cho người dân hài lòng không khó.

>> Cải cách giúp dân

Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, 10 năm thực hiện chương trình cải cách hành chính (CCHC) nhà nước và Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước (2007-2010) đã cắt giảm khoảng 3.000 thủ tục. Các cơ quan quản lý ước tính, nếu tiếp tục đơn giản khoảng 5.000 thủ tục theo lộ trình sẽ có thể giúp tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp khoảng 30.000 tỉ đồng mỗi năm. 30.000 tỉ là con số rất rất lớn và con số tuyệt đối đó có thể còn gây tranh cãi, nhưng có một thực tế rằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đã đóng góp không nhỏ vào việc cải thiện hình ảnh của cơ quan công quyền, nâng cao vị trí xếp hạng của VN về tính minh bạch, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh.

Nhưng CCHC không phải là cắt giảm, sửa đổi được bao nhiêu quy định mà cốt lõi là những sửa đổi phải đi vào cuộc sống, giảm thiểu gánh nặng, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thước đo trung thực nhất, chính xác nhất cho mọi cố gắng CCHC là sự hài lòng của người dân. Cái cách mà TP.HCM đang lựa chọn để đi tiếp con đường cải cách thủ tục (lấy sự hài lòng của dân làm trọng) đang tạo ra những thay đổi mang tính căn bản của CCHC. Nhưng việc phục vụ tại chỗ đối với những đối tượng đặc biệt hoặc điện tử hóa việc cung cấp các dịch vụ hành chính chỉ là một phần con đường CCHC vốn dài và gian khó. Xác lập được chế độ trách nhiệm tốt hơn đối với các công chức hành chính mới giúp giải quyết tận gốc vấn đề. Bởi lẽ, suy cho cùng CCHC chính là cải cách con người.

Tiếc rằng, hiện nay việc đo đếm mức độ hài lòng của người dân đối với các hoạt động của cơ quan công quyền còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là không có. Chẳng hạn như, ngoài việc khiếu nại và tố cáo, người dân có rất ít cơ hội để tác động lên việc đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, đánh giá công lao của các công chức. Và điều này chính là nguyên nhân gây ra tình trạng công chức hống hách, sách nhiễu dân. 

Ở một số nước, để khắc phục tình trạng này, nhiều chức vụ mang tính hành chính công đều do dân bầu. Nó đảm bảo thái độ phục vụ tận tụy và sự phản ứng nhanh của công chức trước các yêu cầu của dân. Còn ở ta, có một cách làm dễ hơn, đó là phải xây dựng các tiêu chí đánh giá công chức dựa trên cơ sở hài lòng của dân. Chẳng hạn, để tuyên dương hoặc khen thưởng một công chức phải dựa trên phiếu thăm dò về sự hài lòng của dân. Nếu tỷ lệ hài lòng của dân năm sau thấp hơn năm trước thì việc khen thưởng không nên đặt ra. Làm được như vậy thì việc thay đổi lề lối làm việc của các cơ quan công quyền sẽ trở thành nhu cầu tự thân, mà không phải là điều gì quá đặc biệt, như hiệu ứng mà một số quận, huyện của TP.HCM vừa tạo ra.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.