Thử thách niềm tin

30/06/2015 05:15 GMT+7

Kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên nhằm 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ chính thức bắt đầu từ ngày mai. Trong khi mọi công tác chuẩn bị được cho biết đã sẵn sàng, thí sinh trong tâm thế vào cuộc thì đâu đó vẫn còn những hoài nghi.

Kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên nhằm 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ chính thức bắt đầu từ ngày mai. Trong khi mọi công tác chuẩn bị được cho biết đã sẵn sàng, thí sinh trong tâm thế vào cuộc thì đâu đó vẫn còn những hoài nghi.

Vì vậy kỳ thi này, nếu đối với thí sinh chỉ là “một kỳ thi học kỳ” như lời Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trấn an thì với Bộ GD-ĐT, quản lý giáo dục ở các địa phương, lãnh đạo các trường ĐH, CĐ đây là lúc thử thách, là dịp củng cố niềm tin trước người dân về sự trung thực, khách quan, nghiêm túc trong thi cử.

Mặc dù các lãnh đạo của Bộ khẳng định sẽ không có sự khác biệt nào giữa 2 loại cụm thi do địa phương và trường ĐH chủ trì nhưng đến trước ngày thi đây vẫn là mối lo âu lớn nhất, nghi ngờ nhiều nhất từ phía thí sinh và cả các địa phương. Không chỉ coi thi, việc bảo quản đề thi, chấm thi sao cho công bằng, nghiêm túc cũng khiến mọi người lo ngại. Thậm chí có đại diện trường ĐH còn lo đến khả năng có thể bị hành hung nếu về địa phương mà coi thi quá nghiêm túc!

Trước áp lực này, Bộ đưa ra rất nhiều biện pháp nhằm làm an lòng dư luận. Ngoài những quy chế, quy định nghiêm ngặt, Bộ còn yêu cầu các trường ĐH không tổ chức cụm thi cử người về các địa phương giám sát kỳ thi. Để tránh tình trạng giáo viên coi thi chính học sinh của mình, Bộ đề nghị các trường phân bổ giám thị hợp lý. Ngại dư luận không tin tưởng về việc có giáo viên THPT tham gia chấm thi (việc này các năm trước vẫn diễn ra nhưng không thấy lo ngại, năm nay lại trở thành vấn đề), Bộ đưa ra phương án các trường khi cần giáo viên phổ thông tham gia chấm thi thì dựa vào danh sách do Sở GD-ĐT giới thiệu chứ không tự chọn qua sự quen biết. Có lẽ vì quá “căng thẳng”, Bộ đề ra những biện pháp đề phòng tiêu cực mà theo rất nhiều trường là bất khả thi. Chẳng hạn yêu cầu các trường không xếp thí sinh học cùng một lớp trong một phòng thi! Cũng may yêu cầu này cuối cùng bị hủy bỏ.

Dù có nhiều đợt làm việc từ trước nhưng đến cận ngày thi, các thứ trưởng của Bộ đồng loạt về các địa phương để kiểm tra, giải quyết các vướng mắc... Tuy nhiên nỗi lo ngại thì vẫn còn. Đáng quan tâm là âu lo bắt nguồn từ chính các địa phương được cho là coi thi nghiêm túc. Có lẽ “bài học cay đắng” trong quá khứ khiến những địa phương này lo ngại nếu nghiêm túc quá, thí sinh mình sẽ chịu thiệt.

Mọi biện pháp kỹ thuật suy cho cùng chỉ giúp giải quyết phần ngọn. Không thể nào có đủ lực lượng thanh tra, giám sát để theo dõi từng diễn biến của hàng ngàn điểm thi từ thành phố trung tâm đến những vùng xa xôi của Tây nguyên, Tây Bắc... Một khi tỷ lệ đậu tốt nghiệp, vào ĐH vẫn còn được xem là bảng thành tích của từng địa phương thì sự hoài nghi về tính nghiêm túc của kỳ thi vẫn tồn tại.

Liệu Bộ GD-ĐT có đủ sức để gầy dựng niềm tin từ cuộc thi này - một cuộc thi mà tất cả mọi người nghĩ rằng là bước đổi mới quan trọng cho lần thay đổi toàn diện giáo dục đang diễn ra?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.