Thủ phạm là thiếu niềm tin

13/04/2015 05:47 GMT+7

Sự lúng túng của ngành giáo dục trước các vấn đề thời sự như xét tuyển vào lớp 6, tổ chức thi tốt nghiệp THPT, bỏ cho điểm ở tiểu học… suy cho cùng cũng bởi sự thiếu vắng niềm tin ở mọi người, từ giới chức quản lý cho đến phụ huynh học sinh.

Sự lúng túng của ngành giáo dục trước các vấn đề thời sự như xét tuyển vào lớp 6, tổ chức thi tốt nghiệp THPT, bỏ cho điểm ở tiểu học… suy cho cùng cũng bởi sự thiếu vắng niềm tin ở mọi người, từ giới chức quản lý cho đến phụ huynh học sinh.

Ở một xã hội bình thường, chỉ cần một hai người, làm việc độc lập, tự chủ, là đã có thể xét tuyển toàn bộ sinh viên cho một trường đại học. Đó là bởi mọi người tin vào sự công tâm, liêm chính và tinh thần trách nhiệm của họ.
Ở nước ta, do thiếu vắng niềm tin nên ngành giáo dục cứ loay hoay chuyển từ biện pháp này sang biện pháp khác mà mục đích chủ yếu là để ngăn ngừa sự làm bậy của một thiểu số trước đó là tác nhân gây mất niềm tin. Cứ thử nghĩ mà xem, ai trong chúng ta cũng dễ dàng nói về công bằng nhưng đến khi có con em vào lớp 6 hay lớp 1 cũng nghĩ ngay đến việc tìm người quen để gửi gắm. Từ “gửi gắm” đến “chạy chọt” chỉ là một con đường ngắn. Chính vì thế việc tuyển sinh vào lớp 6, dưới mắt của giới quản lý, từng là một biện pháp ngăn ngừa ban giám hiệu nhà trường ưu ái cho các học sinh quen biết. Thế nhưng ngay sau đó người ta lo ngại việc thi tuyển sẽ dẫn tới lạm dụng dạy thêm, học thêm, luyện thi, “chạy điểm thi”... Cấm tuyệt đối việc tổ chức thi tuyển vào lớp 6 nay lại dẫn tới sự lo lắng, không tin vào năng lực xét chọn qua hồ sơ, học bạ mà phải viện đến các loại bài kiểm tra, đánh giá nào là IQ, nào là EQ...
Hoàn toàn thông cảm được với sự cứng nhắc của Bộ GD-ĐT vì trong môi trường thiếu vắng niềm tin, nếu trao quyền ngoại lệ cho một nơi, làm sao tin được các nơi khác không xé rào làm theo? Tuy nhiên, đi kèm với sự nghiêm khắc trong thực thi chính sách phải là giải pháp trọn vẹn cho các trường chứ không thể để xảy ra tình trạng có trường phải nghĩ đến phương án phạm luật nhằm cho được việc.
Giả thử niềm tin chưa đi vắng, vì sao không thể giao cho các trường quyền chủ động tuyển chọn học sinh cho mình mà không cần phải xét xem cách tuyển chọn như thế có vi phạm quy định gì không. Phải tin rằng các trường cũng cần bảo vệ và xây dựng uy tín cho họ để không tuyển sai. Nhất là đối với các trường tư thục, phải trả cho họ quyền được chọn học sinh theo cách họ nghĩ là tốt nhất. Bằng không, cái nổi lên chỉ là sự đối phó diễn ra khắp nơi.
Một khi đã đánh mất niềm tin thì người có thẩm quyền không bao giờ muốn trao quyền quyết định cho cấp dưới và như thế, chỉ càng tô đậm tính phụ thuộc của nhà trường, lâu dần thành một thói quen, một nếp suy nghĩ và làm việc.
Niềm tin thật ra rất dễ khơi nguồn trở lại nếu nghĩ rằng cố ý lợi dụng các khe hở trong quản lý để tư lợi chỉ là thiểu số; hãy nghĩ đa số vẫn có lòng tự trọng cao, sẵn sàng vì lương tâm và chức nghiệp. Niềm tin cũng sẽ quay trở lại nếu tin vào năng lực hay khả năng thích ứng của những người làm trong ngành giáo dục - họ có thể thụ động đấy nhưng sẽ bừng dậy sức sống sáng tạo nếu được tin tưởng giao lại trách nhiệm.
Đã có người nhắc đến khái niệm “khoán 10” trong giáo dục để lập luận rằng nếu chính sách khoán trong nông nghiệp đã giúp nông dân thoát cảnh đói nghèo, đưa VN thành nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới thì trao quyền tự chủ cho nhà trường và thầy cô là con đường cải cách giáo dục hiệu quả nhất. “Khoán 10” trong giáo dục do đó phải bắt đầu bằng niềm tin và trao quyền.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.