Thay đổi cho đáng

20/12/2014 03:46 GMT+7

Có đến các trường THPT, có tiếp xúc với học sinh lớp 12 trong những ngày này mới thấy hết nỗi lo âu của học sinh và giáo viên. Càng nhận ra rằng những thay đổi trong giáo dục, dù nhỏ, có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến học sinh.

Có đến các trường THPT, có tiếp xúc với học sinh lớp 12 trong những ngày này mới thấy hết nỗi lo âu của học sinh và giáo viên. Càng nhận ra rằng những thay đổi trong giáo dục, dù nhỏ, có ý nghĩa quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến học sinh.

Dù biết năm 2015 có một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ nhưng cho đến chiều 18.12 học sinh và giáo viên mới tiếp cận những thông tin chính thức, cần thiết về kỳ thi này thông qua hai dự thảo Quy chế tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Chính vì vậy, học sinh đã nhanh chóng đón nhận những thay đổi này với nhiều thắc mắc, bỡ ngỡ.

Buổi đầu tiên trong chương trình Tư vấn mùa thi năm 2015 của Báo Thanh Niên ngẫu nhiên diễn ra một ngày sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quy chế khiến buổi tư vấn trở thành diễn đàn để học sinh cùng các thầy cô đặt câu hỏi, nêu quan điểm... Có những vấn đề dù đã được Bộ giải thích nhưng học sinh vẫn thắc mắc, băn khoăn và thể hiện rõ rệt nỗi lo lắng.

Chẳng hạn bỗng dưng thang điểm 10 lâu nay lại chuyển thành 20 khiến học sinh ngỡ ngàng, lo âu, đặt vấn đề điều này có lợi hay gây hại cho người học? Dự thảo quy định các trường ĐH, CĐ duy trì khối thi như những năm trước. Nếu thay đổi các khối thi truyền thống và tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ và thông báo công khai ít nhất 3 năm. Thế nhưng trên thực tế đề án tuyển sinh của nhiều trường đã đưa những tổ hợp môn mới. Bây giờ phải làm sao? Đây không chỉ là câu hỏi của học sinh mà cũng là chính các trường ĐH, CĐ. Chẳng lẽ bây giờ các trường làm lại đề án tuyển sinh, rồi chờ Bộ duyệt, rồi chờ công bố? Vậy thì bao giờ học sinh có được thông tin chính thức? Ở đây, một lần nữa, nhắc lại rằng lẽ ra Bộ nên sớm ban hành quy chế trước khi yêu cầu các trường công bố đề án tuyển sinh để không phải làm đi, làm lại, mất thời gian, gây thêm rắc rối. Cách làm hiện nay, rõ ràng là một quy trình ngược.

Trong bối cảnh năm 2015 có những thay đổi lớn về thi cử, ảnh hưởng hàng triệu người học thì có nên thêm những điều chỉnh, sửa đổi không cần thiết gây hoang mang? Thay đổi từ thang điểm 10 sang 20 là một ví dụ. Điều này có giá trị nhiều không trong việc phân hóa thí sinh theo như giải thích của Bộ? Chưa kể điều này đang tạo nên dư luận chỉ nhằm mục đích “đẹp hóa” điểm tốt nghiệp THPT. Đó là chưa kể khi thay đổi thang điểm, cấu trúc đề thi cũng phải thay đổi. Liệu trong thời gian còn lại sự thay đổi này có ảnh hưởng gì đến việc dạy và học ở các trường phổ thông?

Quy chế vẫn còn ở dạng dự thảo nên chắc sẽ còn điều chỉnh, bổ sung sau khi được góp ý. Thời gian gần đây, nhiều chủ trương của Bộ đã thể hiện có tiếp thu ý kiến đóng góp tích cực của dư luận xã hội. Hy vọng lần này cũng vậy vì như đã nói, mọi thay đổi đều ảnh hưởng trực tiếp đến từng người học nên luôn phải cân nhắc, cẩn trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.